Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau khớp gối uống thuốc gì? Những loại thuốc trị đau khớp gối phổ biến hiện nay

Ngày 18/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa khớp gối, đau khớp gối uống thuốc gì là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm bởi đây là căn bệnh rất phổ biến, đặc biệt vào độ tuổi trung niên.

Tuy không phải là căn bệnh hiểm nghèo nhưng việc đau khớp gối đeo bám dai dẳng khiến sức khỏe và tinh thần người bệnh luôn đau đớn, khó chịu. Chưa kể đau khớp gối còn khiến việc sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Đau thuốc gối uống thuốc gì, những loại thuốc trị đau khớp gối nào được sử dụng phổ biến hiện nay là những nội dung được cung cấp trong bài viết này.

Vai trò của khớp gối

Trước khi nói đến căn bệnh đau khớp gối, chúng ta cần tìm hiểu vai trò của khớp gối trên cơ thể con người.

Khớp đầu gối là một trong những khớp lớn nhất và phức tạp nhất của cơ thể. Đầu gối nối xương đùi (xương đùi) với xương ống chân (xương chày). Xương nhỏ hơn chạy dọc theo xương chày (xương mác) và xương bánh chè là các xương tạo khớp gối.

Khớp gối là bộ phận giữ vai trò thiết yếu trong mọi chuyển động liên quan đến việc mang trọng lượng cơ thể theo hướng ngang (chạy và đi bộ) và dọc (nhảy).

Đau khớp gối uống thuốc gì? Những loại thuốc trị đau khớp gối phổ biến hiện nay 1 Thoái hóa khớp gối, đau khớp gối là căn bệnh rất phổ biến, đặc biệt vào độ tuổi tuổi trung niên. 

Thoái hóa khớp gối và các cơn đau khớp gối

Đau khớp gối hiện nay đã trở nên rất phổ biến, ai cũng có thể mắc bệnh này. Nhìn chung, bệnh thoái hóa khớp gối xuất hiện do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, khớp gối càng dễ bị lão hóa, thoái hóa.
  • Công việc: Những công việc có tính chất thường xuyên phải lao động, khuân vác nặng, di chuyển nhiều và liên tục, đứng lâu dễ ảnh hưởng đến khớp gối.
  • Chấn thương: Gặp tai nạn trong cuộc sống, công việc hoặc chơi thể thao.
  • Bệnh lý: Các bệnh lý liên quan đến xương khớp mắc phải.

Một khi bị đau/viêm khớp gối, bạn sẽ cảm nhận các triệu chứng cơn đau liên quan như sau:

  • Cơn đau xuất hiện ở một/cả hai đầu gối, mặt trước/trong đầu gối, đau vùng mềm, vùng gân bám xung quanh cơ khớp gối.
  • Mức độ các cơn đau tăng lên khi vận động nhiều (đi bộ, leo cầu thang, ngồi xổm…).
  • Các cơn đau làm người bệnh gặp khó khăn trong vận động, đặc biệt là co duỗi khớp gối, người bệnh còn có thể nghe thấy âm thanh khi cử động khớp gối.
  • Sưng đầu gối do viêm hoặc tràn dịch khớp ở gối.

Đau khớp gối uống thuốc gì?

Khi bị đau khớp gối, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng ít nhiều. Vậy đau khớp gối uống thuốc gì để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra? 

Trong tây y, khi một người bị đau khớp gối thường được chỉ định điều trị đau khớp gối bằng cách dùng các loại thuốc chủ yếu giảm đau, chống viêm, giãn cơ, ngăn ngừa và làm chậm quá trình lão hóa nhằm phục hồi chức năng vận động. Người bệnh nên đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây bệnh và chỉ định sử dụng thuốc điều trị giảm đau phù hợp.

Các loại thuốc giảm đau thông thường

Tùy thuộc mức độ đau, tình trạng khớp gối, chẳng hạn khớp gối có bị viêm, sưng hay không và tác nhân gây đau là gì, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tương ứng.

Thường sẽ là các loại thuốc giảm đau phổ biến như paracetamol (acetaminophen) hoặc các chế phẩm kết hợp giữa paracetamol với tramadol, cafein, codein… Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen, celecoxib, diclofenac,... phối hợp điều trị.

Thuốc tiêm Glucocorticoid (corticoid)

Trong vài trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Liệu pháp này chỉ nên áp dụng khi thực sự cần dùng đến và phải được cân nhắc kỹ cũng như thực hiện đúng thời gian của liệu trình mới có thể làm giảm phản ứng viêm trầm trọng. 

Corticoid nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách sẽ gây ra các tai biến nặng như nhiễm trùng khớp, hoại tử, teo da, teo cơ… Lưu ý, người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc giảm đau khớp gối có chứa corticoid bằng đường uống.

Đau khớp gối uống thuốc gì? Những loại thuốc trị đau khớp gối phổ biến hiện nay 3 Trong vài trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêm trực tiếp vào khớp gối.

Các thuốc chống thoái khớp khác

Glucosamin sulfat, chondroitin sulfat,... có công dụng bổ trợ cho khớp gối hay diacerein, piascledine,... có tác dụng làm chậm quá trình tổn thương khớp cũng là những loại thuốc được dùng phổ biến hiện nay.

Chúng thường được sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau, kháng viêm trong giai đoạn đầu, người bệnh bị đau nhiều. Trường hợp bị thoái hóa khớp nặng, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định tiêm phối hợp thuốc giảm đau có chứa corticoid hoặc tiêm thay thế dịch khớp để bôi trơn, nuôi dưỡng sụn khớp, giảm đau để di chuyển với acid hyaluronic.

Glucosamin sulfat 

Glucosamin sulfat là chất có tác dụng giảm đau đầu gối mức độ đau từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, với người bị đau đầu gối nhẹ, bị đau trong thời gian dài hoặc thừa cân thì chất này lại không mang lại hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, so với ibuprofen thì chất glucosamin sulfat giúp giảm đau nhiều hơn nhưng bệnh nhân phải sử dụng liên tục trong thời gian dài, từ 1–2 tháng.

Liều dùng: Glucosamin sulfat 750mg dạng viên nén và dùng 3 lần/ngày. Do thị trường có bán nhiều dạng glucosamin khác nhau nên người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong vài trường hợp sử dụng glucosamin sulfat bao gồm chứng táo bón, tiêu chảy, buồn ngủ, đau đầu, ợ hơi, buồn nôn, phát ban hoặc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin. Do đó, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Đau khớp gối uống thuốc gì? Những loại thuốc trị đau khớp gối phổ biến hiện nay 2 Đau khớp gối uống thuốc gì là quan tâm hàng đầu hiện nay của người bệnh.

Chondroitin sulfat 

Chondroitin sulfat cũng là chất có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh viêm khớp. Người bệnh có thể sử dụng kết hợp chất này cùng với glucosamin.

Liều dùng: Từ 1000–1200mg/ngày, có thể uống 1–3 lần/ngày, tùy theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi, tiền sử bệnh sẽ có liều lượng thích hợp theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý không dùng chondroitin sulfat cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ em, người bị tái bệnh tim mạch, người bệnh mới phẫu thuật hoặc bị bỏng lớn, vận động viên thể hình hoặc cử tạ cần phát triển cơ bắp.

Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra: Tiêu chảy, táo bón, rụng tóc, phù chi dưới, phù mi mắt, hen suyễn, đau dạ dày, buồn nôn, nổi mề đay, ngứa.

Diacerein 

Thuộc nhóm anthraquinone, diacerein được dùng điều trị các triệu chứng liên quan thoái hóa khớp, viêm khớp. Do đặc tính hoạt động chậm, diacerein được xem là phương pháp điều trị lâu dài cho người viêm khớp mãn tính.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng diacerein, bao gồm tiêu chảy, đau dạ dày, buồn nôn, nôn, vàng da và mắt, nước tiểu màu vàng đậm, tăng men gan, da dị ứng…

Piascledine

Piascledine cũng được chỉ định dùng trong điều trị các bệnh về viêm xương khớp. Do là thuốc đặc trị nên tùy vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. 

Trong một số trường hợp, bệnh nhân dùng thuốc có thể gặp phải tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy.

Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau khớp gối:

Người bị viêm/đau khớp gối không nên tự ý mua và uống thuốc giảm đau khớp gối hoặc các thuốc bổ trợ khớp gối khi không có ý kiến và chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, chỉ dùng thuốc không thôi là chưa đủ. Bệnh nhân viêm/đau khớp gối cần kết hợp tập luyện để bảo vệ, giữ gìn và duy trì chức năng của khớp. Tránh làm ảnh hưởng trực tiếp đến khớp gối bằng cách nghỉ ngơi, hạn chế cử động nặng.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm