Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Đau khớp tay xảy ra ở nhiều đối tượng, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Vậy đau khớp tay có sao không, có ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống của con người không?
Đau khớp tay có sao không? Đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm của những người thường xuyên gặp phải tình trạng này. Vậy, bệnh đau khớp tay có thực sự nguy hiểm, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Để trả lời câu hỏi, đau khớp tay có sao không, trước tiên bạn biết được về tình trạng này. Đau khớp tay là hiện tượng sưng, viêm tại các vị trí mô và sụn dưới xương của khớp tay và thường xảy ra do các mô sụn tại khớp bị tổn thương gây bào mòn, thoái hóa theo thời gian. Ngoài ra, các chất dịch tại khớp cũng bị suy giảm, gây ra hiện tượng đau nhức, kêu “lục cục” mỗi khi vận động.
Đau khớp tay hiện nay, xảy ra rất phổ biến và ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, tần suất bệnh phát triển nhiều nhất vẫn là độ tuổi trên 40, tạo sự phiền toái cho người bệnh.
Các triệu chứng của bệnh đau khớp tay rất đa dạng, tùy thuộc vào độ nặng của bệnh. Bệnh đau khớp tay cho cảm giác đau từ nhẹ cho đến nặng tại các khớp bị tổn thương. Một số triệu chứng thường gặp khi bị đau khớp ngón tay như: Đau, sưng, giảm tính linh hoạt, cứng khớp hay giới hạn cử động. Hoặc có thể nặng hơn như bầm tím, giới hạn cử động, cảm giác tê hay kim châm ở tay…
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh đau khớp tay như: Các bệnh về khớp, chấn thương, thiếu dinh dưỡng…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau khớp tay là do biến chứng của một số bệnh lý: viêm khớp mãn tính, gout, lupus….
Viêm khớp gây đau khớp
Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh tự miễn thường gặp, gây đau khớp do tình trạng viêm gây ra bởi chính hệ miễn dịch của cơ thể. Đây là tình trạng hệ miễn dịch “tấn công nhầm” vào các tế bào lành mạnh ở vùng khớp, làm ảnh hưởng khả năng hoạt động của các khớp tay.
Bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp xảy ra khi các mô và sụn dưới xương bị bào mòn đi theo tuổi già. Sự bào mòn sẽ làm lộ các đầu xương bên dưới sụn khớp. Các đầu xương này cọ xát với nhau gây nên cảm giác đau nhói khi hoạt động, dẫn đến tình trạng đau khớp tay.
Bệnh loạn dưỡng cơ bắp
Căn bệnh xuất phát từ gen di truyền. Nguyên nhân do các sợi cơ trong cơ bao quanh khớp dễ bị tổn thương. Tình trạng này khiến cho cơ xương của người bệnh trở nên yếu đi. Từ đó, người bệnh rất dễ bị đau khớp tay, gây khó khăn trong việc vận động.
Đau khớp tay do thiếu hụt canxi
Tình trạng thiếu hụt canxi thường diễn ra ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Ở lứa tuổi này, lượng canxi trong cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng, gây nên tình trạng loãng xương.
Khi lượng canxi trong xương bị thiếu hụt, sẽ khiến cho phần xương dưới sụn bị “xốp”, hình thành nên các gai xương, gây nên cảm giác tê bì, khó cử động. Nhiều trường hợp có thể bị sưng, cứng khớp sau khi ngủ dậy.
Trong quá trình vận động, khó có thể tránh khỏi các chấn thương - một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đau khớp tay.
Chấn thương do giãn dây chằng
Tổn thương xảy ra khi cơ tay bị dãn quá mức vận động viên đu xà, bê vác nặng… gây đau đớn, sưng viêm và bầm tím. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến hiện tượng rách dây chằng và phải phẫu thuật tái tạo dây chằng.
Tổn thương gân cơ do tập luyện quá sức
Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các vận động viên thể thao hoặc người mới tập luyện thể thao. Gân bị tổn thương, các cơ xương bị tổn thương, gây nên hiện tượng đau nhức. Tình trạng này thường biến mất sau 1 tuần.
Chấn thương do gãy xương
Khi cánh tay bị va đập mạnh sẽ gây chấn thương như nứt xương, gãy xương… Lúc này, các khớp xương bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng đau nhức khớp, đặc biệt là vào buổi đêm.
Đau khớp tay trong thời gian dài gây ra hàng loạt các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Để giảm thiểu tình trạng đau khớp tay, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau.
Mục đích của việc điều trị tây y là giảm triệu chứng đau khớp tay và cải thiện chức năng vận động khớp. Tùy vào mức độ đau khớp, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị nội khoa: Với mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc để điều trị. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh đau khớp ngón tay bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc Corticosteroid,… giúp giảm tình trạng đau nhức nhanh chóng.
Phương pháp điều trị ngoại khoa: Phương pháp này chỉ áp dụng khi việc sử dụng thuốc tây không có chuyển biến tích cực. Nếu tình trạng đau khớp ngày càng trầm trọng, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét đến phương pháp phẫu thuật nhằm giúp bệnh nhân duy trì khả năng vận động khớp. Tuy nhiên, việc phẫu thuật có thể để lại nhiều di chứng. Vì thế bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng phương pháp này.
Các bài tập vật lý trị liệu là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện tình trạng đau khớp tay.
Luyện tập các bài tập hằng ngày giúp tăng cường lưu thông máu, giảm khả năng viêm, sưng đau các khớp tay. Đồng thời, kích thích sản sinh các chất nhầy để cung cấp chất dinh dưỡng cho sụn khớp.
Từ các nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm, kết hợp với các loại thảo dược lành tính, các bài thuốc Đông y là sự lựa chọn phù hợp cho sức khỏe của bệnh nhân.
Các bài thuốc Đông y giúp cải thiện tình trạng đau khớp, không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị, cần tốn nhiều thời gian. Đồng thời, không phải người bệnh nào áp dụng cũng đạt được hiệu quả như mong đợi. Do đó, bệnh nhân có thể cân nhắc trước khi chọn lựa phương pháp.
Bài viết này đã phần nào trả lời cho câu hỏi “Đau khớp tay có sao không”. Mặc dù, đây là căn bệnh không quá nguy hiểm đối với người bệnh, nhưng, tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi về sức khỏe. Vì thế hãy giữ cho mình một lối sống khoa học, nhằm hạn chế bệnh đau khớp tay, cũng như ngăn ngừa nhiều bệnh lý khác.
Minh Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh
Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.