Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị cơn đau

Ngày 28/05/2024
Kích thước chữ

Đau là cảm giác rất bình thường khi cơ thể bị thương, dù là vết thương rất nhỏ. Để hiểu hơn về nguyên nhân gây đau cũng như chẩn đoán, điều trị đau, Nhà thuốc Long Châu mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau.

Đau là cảm giác của cơ thể trước các tổn thương, dù lớn hay nhỏ. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn các thông tin liên quan đến cơn đau.

Tổng quan đau là gì?

Để hiểu rõ hơn về cảm giác đau, bạn cần bắt đầu từ việc tìm hiểu định nghĩa thế nào là đau và nguyên nhân gây đau là gì.

Đau là gì?

Đau là cảm giác khó chịu, là một trải nghiệm cảm xúc đến từ việc mô bị tổn thương. Đau cho phép cơ thể phản ứng lại và ngăn chặn các mô xung quanh bị tổn thương thêm.

Chúng ta sẽ cảm thấy đau khi có một tín hiệu truyền qua các sợi dây thần kinh đến não bộ nhằm mục đích phân tích. Trải nghiệm đau ở mỗi người là khác nhau và có nhiều cách thức cảm nhận, mô tả lại cơn đau. Trong một vài trường hợp, cảm nhận đa dạng về cơn đau khiến việc định nghĩa, điều trị đau gặp nhiều khó khăn hơn.

Đau có thể xảy đến ngắn hạn hoặc dài hạn, giới hạn trong một vị trí nhất định hoặc lan rộng khắp cơ thể.

Đau là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị cơn đau 1
Đau là cảm giác khó chịu đến từ việc các mô bị tổn thương

Nguyên nhân gây đau

Bạn sẽ cảm nhận được cảm giác đau khi các dây thần kinh đặc biệt, hay còn gọi là cơ quan thụ cảm phát hiện mô ở vị trí bất kỳ bị tổn thương, sau đó truyền thông tin về những tổn thương này dọc theo tủy sống và đến não.

Ví dụ, khi bạn chạm vào bề mặt nóng, dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu qua một cung phản xạ ở tủy sống, từ đó gây ra sự co rút các cơ ngay lập tức. Lúc này, bạn sẽ nhanh chóng rụt tay lại, hạn chế tiếp tục tiếp xúc với nhiệt độ cao gây tổn thương lan rộng.

Phản xạ này sẽ xảy ra trước khi tín hiệu đau được truyền đến não. Khi tín hiệu đau truyền qua dây thần kinh đến não bộ, nó sẽ khiến bạn thấy đau và khó chịu tại vị trí chạm vào bề mặt nóng.

Việc não bộ chúng ta phân tích các tín hiệu truyền từ dây thần kinh và hiệu quả của kênh liên lạc giữa cơ quan thụ cảm với não sẽ quyết định cách bạn trải nghiệm cơn đau như thế nào. Não bộ chúng ta cũng có khả năng tiết ra các chất làm dịu cơn đau, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, ví dụ như hormone dopamine chống lại tác động khó chịu do cơn đau gây nên.

Phân loại cơn đau

Cảm giác đau được phân thành 3 loại chính là đau theo cơ chế gây đau, đau theo thời gian và cuối cùng là đau theo khu trú đau. Cụ thể các loại đau như sau:

Đau theo cơ chế

Có 4 dạng cơ chế gây đau chính là:

  • Đau cảm thụ: Là cảm giác đau do tổn thương tổ chức (ví dụ như cơ, da, nội tạng,…) gây kích thích vượt ngưỡng đau. Đau cảm thụ gồm 2 loại là đau thân thể (cảm giác đau do tổn thương mô da, cơ,…) và đau nội tạng (là cảm giác đau do những tổn thương xảy ra bên trong cơ thể).
  • Đau thần kinh: Là chứng đau do những tổn thương nguyên phát hoặc chứng rối loạn chức năng hệ thần kinh gây ra. Đau thần kinh cũng chia thành 2 loại nhỏ hơn là đau thần kinh ngoại vi (do tổn thương các dây hoặc rễ thần kinh, ví dụ như đau sau herpes, đau dây thần kinh V,…) và đau thần kinh trung ương (gây ra bởi tổn thương ở não hoặc tủy sống, ví dụ như cơn đau sau đột quỵ não, đau do chèn ép tủy, đau do u não,…).
  • Đau hỗn hợp: Bao gồm cả 2 cơ chế đau nêu trên, ví dụ như cảm giác đau thắt lưng do bệnh lý rễ thần kinh, cơn đau do ung thư,…
  • Đau do căn nguyên tâm lý: Loại đau ít gặp hơn nhưng cũng rất được các nhà nghiên cứu quan tâm khi tìm hiểu, khám phá về cảm giác đau ở người.
Đau là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị cơn đau 2
Cơn đau do u não là ví dụ điển hình cho phân loại đau thần kinh

Đau theo thời gian

Khi phân loại đau theo thời gian, ta có:

  • Đau cấp tính: Là cơn đau mới xuất hiện nhưng có cường độ mạnh mẽ, có thể được xem là dấu hiệu báo động hữu ích cho những tổn thương. Thông thường, cơn đau cấp tính kéo dài không quá 3 tháng.
  • Đau mạn tính: Là chứng đau dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần.

Đau theo khu trú đau

Có 3 dạng đau theo khu trú đau, cụ thể là:

  • Đau cục bộ: Cảm nhận được vị trí đau trùng với vị trí bị tổn thương.
  • Đau xuất chiếu: Cảm nhận cơn đau xuất phát từ vị trí khác so với nơi bị tổn thương.
  • Đau lan xiên: Cảm giác đau do sự lan tỏa từ một nhánh dây thần kinh này sang dây thần kinh khác.

Chẩn đoán và đo lường cơn đau

Như bạn đã biết, cảm giác đau ở mỗi người không giống nhau, kể cả khi họ bị tổn thương ở cùng vị trí, cùng mức độ và nguyên nhân. Để chẩn đoán và điều trị cơn đau, các bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp nhiều biện pháp phù hợp.

Chẩn đoán

Bác sĩ thường chẩn đoán cơn đau dựa trên mô tả chủ quan của người bệnh. Khi này, bạn sẽ được bác sĩ đặt một số câu hỏi như:

  • Đặc điểm của cơn đau như thế nào, ví dụ như bỏng rát, đau châm chích hoặc đau như dao đâm.
  • Vị trí, cường độ, mức độ tác động của cơn đau đến bạn. Ví dụ như nơi bạn thấy đau, cảm giác đau như thế nào, có lan rộng không, lan tới đâu,…
  • Các yếu tố gây cảm giác đau và giảm đau.
  • Thời gian đau diễn ra trong ngày, có liên tục không hay ngắt quãng.
  • Ảnh hưởng của cơn đau như thế nào đến hoạt động, sinh hoạt hàng ngày và tâm trạng người bệnh.
  • Những điều bạn biết về cơn đau này.
Đau là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị cơn đau 3
Bác sĩ chẩn đoán cơn đau dựa trên miêu tả của bệnh nhân

Đo lường

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ đo lường cơn đau của bạn dựa trên thang đo cơn đau, cụ thể là:

  • Thang đánh giá bằng số: Thang đo cơn đau có số điểm từ 0 – 10, trong đó, 0 là hoàn toàn không cảm nhận cơn đau còn 10 là mức độ cơn đau kinh khủng nhất. Thang này thường được sử dụng để đo lường, đánh giá cơn đau thay đổi như thế nào trong quá trình điều trị.
  • Thanh đo cơn đau bằng lời nói: Thang đo lường cơn đau này có thể giúp bác sĩ đo được mức độ đau ở trẻ nhỏ bị suy giảm nhận thức, người cao tuổi, người tự kỷ hoặc người mắc chứng khó đọc. Cấu trúc của thang đo này khá giống thang đánh giá bằng số, chỉ thay điểm số thành các câu hỏi mô tả khác nhau.
  • Thang đo khuôn mặt: Bác sĩ sẽ quan sát xem bệnh nhân có biểu cảm gương mặt như thế nào để đánh giá mức độ đau, thường được áp dụng cho trẻ em hoặc người tự kỷ.
  • Bản kiểm tra ngắn về cơn đau: Là một bảng câu hỏi chi tiết hơn để bác sĩ có thể chẩn đoán, đánh giá mức độ ảnh hưởng của cơn đau đối với tâm trạng, hoạt động, giấc ngủ, mối quan hệ,… của người bệnh.
  • Bảng câu hỏi cơn đau McGill (MPQ): MPQ khuyến khích người bệnh lựa chọn các từ từ 20 nhóm từ ngữ để giúp bác sĩ hiểu sâu hơn về cảm giác đau của bạn.

Điều trị đau

Mục đích chính của việc điều trị đau là giảm mức độ đau, điều trị theo nguyên nhân gây đau và sử dụng một số cách tối ưu thuốc giảm đau. Bên cạnh đó, người bị đau cũng cần điều trị các triệu chứng đi kèm như mất ngủ, rối loạn giấc ngủ do đau, phục hồi chức năng,… để bệnh nhân trở lại với cuộc sống, công việc một cách bình thường.

Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), thuốc giảm đau được chia thành 3 loại chính là:

  • Cơn đau nhẹ: Dùng thuốc không chứa opioid hoặc thuốc chống viêm không phải loại steroid NSAID.
  • Cơn đau trung bình hoặc dai dẳng: Sử dụng thuốc opioid nhẹ, có thể kê thêm thuốc không opioid và thuốc hỗ trợ.
  • Cơn đau nặng hoặc đau dai dẳng tăng dần: Thuốc opioid mạnh, có thể kèm theo thuốc không opioid và thuốc hỗ trợ.
Đau là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị cơn đau 4
Đa phần các cơn đau đều được điều trị bằng thuốc

Ngoài ra, với trường hợp điều trị đau không dùng thuốc giảm đau, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị kích thích thần kinh.

  • Kích thích điện thần kinh qua tần số cao;
  • Kích thích tủy sống;
  • Kích thích não sâu;
  • Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại.

Bên cạnh đó, một số biện pháp giảm đau không dùng thuốc khác cũng có thể cân nhắc sử dụng trong một số trường hợp, bao gồm châm cứu, bấm huyệt, trị liệu tâm lý, massage,…

Trên đây là tất tần tật thông tin về cơn đau, cảm giác đau ở người mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Khi nhận thấy những cơn đau khó chịu lặp lại không rõ nguyên nhân, tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ để tiến hành chẩn đoán và chữa trị với phương pháp phù hợp.

Xem thêm: Cảm giác đau khổ ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin