Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau thắt ngực là bệnh gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 11/08/2024
Kích thước chữ

Đau thắt ngực là một cơn đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, thường xảy ra khi tim phải làm việc nhiều hơn, như khi tập thể dục hoặc gặp căng thẳng cảm xúc. Vậy cụ thể đau thắt ngực là bệnh gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết dưới đây nhé!

Đau thắt ngực là bệnh gì? Đau thắt ngực là một triệu chứng thường gặp và là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh liên quan đến tim mạch. Đây là tình trạng ngày càng phổ biến hiện nay, đặc biệt hay gặp người cao tuổi, có thể là triệu chứng cảnh báo sự xuất hiện của bệnh thiếu máu cơ tim, còn được gọi là bệnh động mạch vành, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. 

Đau thắt ngực là bệnh gì?

Cơn đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo của một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hệ tim mạch. Đây là dấu hiệu phổ biến của bệnh mạch vành, một tình trạng y học khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ của các mảng xơ vữa. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến việc dòng máu bị chặn hoàn toàn, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp tính - một tình huống đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc nhận biết và điều trị kịp thời các triệu chứng đau thắt ngực là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và an toàn của bệnh nhân.

Đau thắt ngực là bệnh gì và cách phòng ngừa ra sao? 1
Đau thắt ngực là tình trạng cơn đau xảy ra bắt nguồn từ bệnh mạch vành

Cơn đau thắt ngực được phân thành hai nhóm dựa trên hoàn cảnh xuất phát cơn đau và thời gian mà cơn đau kéo dài:

Đau thắt ngực ổn định (hội chứng mạch vành mạn tính): Đây là cơn đau phổ biến nhất xuất hiện sau xương ức, thường xảy ra khi hoạt động gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. 

Đau thắt ngực không ổn định (hội chứng động mạch vành cấp): Đây là cơn đau không ổn định, xảy ra không thể đoán trước và thậm chí xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau sẽ không giảm khi nghỉ ngơi và kéo dài hơn cơn đau thắt ngực ổn định. Cơn đau thắt ngực không ổn định diễn tiến nghiêm trọng và có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Đây là dạng bệnh nguy hiểm đòi hỏi phải chữa trị ngay lập tức tại bệnh viện.

Dấu hiệu điển hình của cơn đau thắt ngực

Các dấu hiệu điển hình của cơn đau thắt ngực bao gồm:

  • Thời gian kéo dài từ 3 đến 5 phút hoặc kéo dài trên 20 phút.
  • Bệnh nhân cảm thấy bị ấn ép, bóp nghẹt ở vùng ngực, kèm theo cảm giác rát bỏng phía sau xương ức.
  • Cơn đau lan ra vai, cằm, cánh tay, lan xuống vùng thượng vị.
  • Cơn đau thường xảy ra liên quan đến gắng sức, xúc cảm mạnh, tiếp xúc với lạnh, sau bữa ăn no, hoặc hút thuốc lá.
  • Cơn đau sẽ giảm khi ngừng gắng sức hoặc khi sử dụng nitroglycerin.

Đặc điểm then chốt của cơn đau thắt ngực là tính chu kỳ, liên quan đến các tác nhân như gắng sức, cảm xúc, nhiệt độ và thời gian kéo dài từ 3 - 5 phút.

Đau thắt ngực là bệnh gì và cách phòng ngừa ra sao? 2
Các bệnh lý liên quan đến hệ tim mạch thường dẫn đến cơn đau thắt ngực

Nguyên nhân dẫn đến đau thắt ngực

Nguyên nhân chính gây ra đau thắt ngực là do sự thiếu hụt lưu lượng máu giàu oxy đến cơ tim. Cơ tim cần được cung cấp đủ oxy để hoạt động hiệu quả, và động mạch vành là những đường ống chịu trách nhiệm vận chuyển máu giàu oxy đến nuôi cơ tim. Tuy nhiên, nếu lòng mạch vành bị thu hẹp do sự hình thành của mảng xơ vữa hoặc có huyết khối, thì lưu lượng máu đến cơ tim sẽ bị giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi tim. Khi cơ tim không được cung cấp đủ oxy, nó sẽ gây ra hiện tượng thiếu máu cục bộ.

Ngoài ra, các bệnh lý về tim như suy tim, cơ tim phì đại, nhịp tim bất thường hoặc thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh đau thắt ngực.

Biến chứng của các cơn đau thắt ngực

Tình trạng đau thắt ngực cảnh báo nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim cấp tính. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như: Suy giảm chức năng tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và thậm chí tử vong đột ngột. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng đau thắt ngực và can thiệp y tế kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Đau thắt ngực là bệnh gì và cách phòng ngừa ra sao? 3
Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau thắt ngực

Cần làm gì khi xuất hiện cơn đau thắt ngực?

Nếu cơn đau ngực của bạn kéo dài và không dứt ngay cả khi bạn đã nghỉ ngơi và dùng thuốc điều trị đau thắt ngực, đây có thể là dấu hiệu của chứng nhồi máu cơ tim.

Khi gặp các dấu hiệu của cơn đau thắt ngực, cần thực hiện các bước sau:

  • Ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Đây là tình trạng khẩn cấp cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
  • Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm này giúp xác định mức độ tổn thương của các mạch vành.
  • Dựa trên kết quả các xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn và đề xuất các phương pháp điều trị thích hợp bao gồm: Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, nong mạch và đặt stent, phẫu thuật tim mạch (nếu cần thiết).

Việc xử trí nhanh chóng và đúng cách là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Phòng ngừa cơn đau thắt ngực như thế nào?

Để phòng ngừa và làm giảm cơn đau thắt ngực điển hình, biện pháp hiệu quả nhất là kiểm soát tốt các yếu tố làm tăng nguy cơ như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường và thừa cân béo phì. Để đạt được điều này, mỗi người cần xây dựng một lối sống lành mạnh, bao gồm:

  • Ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein từ cá và thịt trắng. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối và đường.
  • Không lạm dụng bia rượu và tránh xa thuốc lá.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày.
  • Điều chỉnh giờ giấc, đảm bảo không thức khuya quá 23 giờ.
  • Học cách kiểm soát cảm xúc, tránh trạng thái xúc động quá mức và cân bằng thời gian làm việc - nghỉ ngơi để giảm stress.
Đau thắt ngực là bệnh gì và cách phòng ngừa ra sao? 4
Ăn nhiều rau củ quả có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực

Nếu sau một thời gian điều chỉnh lối sống và uống thuốc theo toa mà cơn đau thắt ngực vẫn không thuyên giảm, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp can thiệp mạch vành như nong mạch kèm đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Những biện pháp này nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu máu cơ tim.

Như vậy, qua bài viết trên chúng ta đã tìm hiểu được đau thắt ngực là bệnh gì và một số biện pháp phòng tránh. Người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe, tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đồng thời cộng đồng cũng cần nâng cao nhận thức về vấn đề này để có thể nhận biết dấu hiệu sớm và kịp thời can thiệp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin