Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Dị ứng trái cây là gì? Cách chẩn đoán và xử lý kịp thời khi bị dị ứng

Ngày 22/12/2022
Kích thước chữ

Mặc dù dị ứng trái cây không phổ biến và có triệu chứng tương đối nhẹ, nhưng nếu rơi vào tình trạng bị sốc phản vệ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những người thường bị dị ứng trái cây nên tìm hiểu xem nên ăn hay tránh loại trái nào.

Khi một chất tiếp xúc hoặc xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch đưa ra phản ứng cảnh báo bằng hiện tượng dị ứng. Những chất gây dị ứng có thể bao gồm thực phẩm, bụi, phấn hoa, các chất hóa học. Dị ứng trái cây tuy không phổ biến nhưng vẫn nên thận trọng. Dưới đây là thông tin về các triệu chứng, cách chẩn đoán và cách chữa dị ứng trái cây mà bạn có thể tham khảo.

Tổng quan về dị ứng trái cây

Vì sao có hiện tượng dị ứng trái cây?

Dị ứng trái cây là gì? Cách chẩn đoán và xử lý kịp thời khi bị dị ứng 1 Trái táo là một trong những loại trái cây có thể gây ra tình trạng dị ứng
Các dấu hiệu bị dị ứng trái cây thường liên quan đến hội chứng dị ứng miệng (OAS). Do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm các thành phần trong thực phẩm là có hại nên đã phản ứng quá mức với các thành phần này bằng hiện tượng dị ứng. Phản ứng dị ứng khiến cơ thể giải phóng một số chất như histamin, có thể gây ra các triệu chứng dị ứng. Phản ứng dị ứng với thực phẩm có thể ở mức độ từ khó chịu đến nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Dưới đây là các loại phấn hoa và hoa quả liên quan có thể kích hoạt hội chứng OAS:

  • Phấn hoa bạch dương: Mơ, táo, lê, anh đào, kiwi, đào và mận.
  • Phấn hoa cỏ: Cam, dưa.
  • Phấn hoa Ragweed: Dưa, chuối.
  • Phấn hoa ngải cứu: Đào.

Ngoài các trường hợp dị ứng trái cây nói chung, một số người có thể gặp phản ứng dị ứng do các hợp chất trong trái đào, mơ, mận. Thông thường các triệu chứng dị ứng chỉ liên quan ở đường tiêu hóa, nhưng một số trường hợp dị ứng có các triệu chứng toàn thân, có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan của cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm gặp, ăn phải các loại trái này có thể gây ra sốc phản vệ.

Dấu hiệu dị ứng trái cây

Hội chứng dị ứng miệng và dị ứng trái cây có thể gây ra các dấu hiệu từ khó chịu đến nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Triệu chứng dị ứng trái cây bao gồm:

  • Ngứa hoặc ngứa ran trong miệng.
  • Sưng lưỡi, cổ họng và môi.
  • Hắt hơi và nghẹt mũi.
  • Cảm giác lâng lâng.
  • Buồn nôn.
  • Đau bụng.
  • Bị tiêu chảy.

Trong một số trường hợp, người bị dị ứng có thể bị sốc phản vệ, là phản ứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng. Hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn gặp bất kỳ trường hợp nào sau đây:

  • Sưng họng.
  • Co thắt đường thở.
  • Mạch đập nhanh.
  • Chóng mặt.
  • Mất ý thức.
  • Huyết áp thấp.
  • Sốc phản vệ.
Dị ứng trái cây là gì? Cách chẩn đoán và xử lý kịp thời khi bị dị ứng 2 Hắt hơi và nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng

Dị ứng trái cây hay không dung nạp thực phẩm?

Đối với nhiều người, phản ứng với một loại thức ăn đôi khi không phải là dị ứng mà là do chứng không dung nạp thực phẩm. Do dị ứng thực phẩm và chứng không dung nạp thực phẩm thường có các triệu chứng và biểu hiện giống nhau nên đôi khi người bệnh nhầm lẫn. Thật ra có sự khác biệt giữa dị ứng thực phẩm và chứng không dung nạp thực phẩm.

Những yếu tố có thể gây ra chứng không dung nạp thực phẩm gồm:

  • Hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Không dung nạp lactose.
  • Tình trạng nhạy cảm với gluten (không phải do bệnh Celiac).
  • Các phụ gia thực phẩm (như sulfit) được dùng để bảo quản trái cây khô.
  • Yếu tố tâm lý.

Nguyên nhân gây chứng không dung nạp thực phẩm thường là do người bệnh nhạy cảm với các hóa chất tự nhiên có trong một loại trái cây. Đôi khi, tình trạng này là do cơ thể không có khả năng tiêu hóa đường tự nhiên (fructose) có trong trái cây. Hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán bệnh nếu bạn nghi ngờ bản thân có thể mắc một trong những tình trạng trên.

Cách chẩn đoán và xử trí dị ứng trái cây

Cách chẩn đoán 

Nếu bạn ăn một loại trái cây nhất định và có các triệu chứng của phản ứng dị ứng, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được thăm khám và chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Xem xét các yếu tố và các triệu chứng gây nghi ngờ.
  • Xem xét tiền sử dị ứng của bạn và gia đình.
  • Kiểm tra thể chất.
  • Sử dụng test lẩy da với nhiều loại trái cây.
  • Phân tích máu để tìm kháng thể Immunoglobulin E (IgE) liên quan đến dị ứng.
  • Kiểm tra và đánh giá phản ứng dị ứng của người bệnh khi ăn các loại trái cây khác nhau.

Nói chung có nhiều cách xét nghiệm chẩn đoán để giúp bác sĩ xác định bạn bị hội chứng dị ứng miệng (OAS) hay chứng không dung nạp thực phẩm. Sau khi chẩn đoán thành công, bác sĩ có thể đề xuất các cách điều trị để lựa chọn và cách phòng tránh tình trạng dị ứng trong tương lai. Trong một số trường hợp, cách tốt nhất là tránh ăn những loại trái cây khiến bạn nhạy cảm hoặc khó dung nạp.

Dị ứng trái cây là gì? Cách chẩn đoán và xử lý kịp thời khi bị dị ứng 3 Uống nước gừng giúp cải thiện tình trạng nổi mẩn ngứa khi bị dị ứng thực phẩm

Cách xử lý kịp thời

Nếu gặp trường hợp bị dị ứng trái cây, bạn nên xử lý kịp thời theo một số bước sau:

  • Dừng ngay loại trái cây đang dùng và không tiếp tục ăn trái cây nghi dị ứng.
  • Nếu chỉ nổi các vết mẩn ngứa, khó chịu có thể dùng thuốc dành cho người dị ứng thức ăn như thuốc kháng histamine theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu tình trạng dị ứng không thuyên giảm đối với trường hợp nghiêm trọng, nhanh chóng đến bệnh viện kịp thời. Bác sĩ có thể tiêm epinephrine và thực hiện hai phương pháp điều trị thông thường là liệu pháp miễn dịch đường uống hoặc Anti-ige.
  • Trường hợp bị sốc phản vệ và bị ngất, người bệnh cần được hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực trước khi đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh đó bạn có thể áp dụng một số phương pháp dân gian trị dị ứng như:

  • Uống nước giấm táo có tác dụng kháng lại histamine và khôi phục lại hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Uống nước gừng giúp giảm tình trạng nổi mẩn ngứa, phát ban trên da và cải thiện hệ tiêu hóa.
  • Gel nha đam giúp làm dịu các vết rát, mẩn ngứa trên da kích ứng.
  • Bà bầu bị dị ứng thức ăn đắp lá trầu không giúp ngăn ngừa tình trạng nổi mẩn trên da.
  • Nhai tỏi sống để cải thiện tình trạng dị ứng, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên không nên ăn tỏi sống khi đói dẫn đến bị rối loạn đường ruột.

Nhìn chung, trường hợp bị dị ứng trái cây không phổ biến nhưng người bị dị ứng cũng nên thận trọng. Nếu đã từng có các triệu chứng dị ứng trái cây kể trên bạn nên gặp bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa và xử trí, tránh rơi vào tình trạng dị ứng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin