Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điểm danh những tác hại của đèn hồng ngoại nếu sử dụng sai cách

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Từ lâu, đèn hồng ngoại đã được nhiều người sử dụng trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Nhưng bạn biết không, nếu sử dụng sai cách chúng ta cũng có thể gặp phải những tác hại của đèn hồng ngoại này.

Sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu và làm đẹp đã không còn là việc xa lạ với nhiều người. Đèn hồng ngoại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách. Nhưng nếu sử dụng sai cách, thiết bị này có thể mang đến một số vấn đề khá nghiêm trọng mà chúng ta cần cảnh giác. Đây là lý do vì sao chúng ta cần tìm hiểu tác hại của đèn hồng ngoại.

Đèn hồng ngoại là gì?

Tia hồng ngoại là một dạng tia bức xạ điện từ có bước sóng 700nm – 1400nm. Đây là bước sóng dài hơn bước sóng chúng ta vẫn nhìn thấy nên tia hồng ngoại không thể nhìn được bằng mắt thường. Đèn hồng ngoại phát ra tia hồng ngoại và chúng ta thường nhìn thấy ánh sáng màu đỏ phát ra mỗi khi đèn hoạt động. Tuy nhiên, đây không phải ánh sáng của tia hồng ngoại mà ánh sáng được đèn hồng ngoại phát kèm giúp người dùng dễ dàng quan sát phạm vi tác động của tia hồng ngoại hơn.

Điểm danh những tác hại của đèn hồng ngoại nếu sử dụng sai cách 1
Đèn hồng ngoại ứng dụng rộng rãi trong chăm sóc sắc đẹp

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại đèn hồng ngoại với công suất khác nhau. Các loại đèn hồng ngoại ứng dụng trong điều trị bệnh thường có công suất 250W. Từ lâu, đèn hồng ngoại đã được ứng dụng trong trị liệu và điều trị y tế thông qua phương pháp nhiệt. 

Tia hồng ngoại có thể tác dụng thấu nhiệt nông xuyên qua da tầm 3mm nên sẽ làm nóng da tại chỗ, làm nhiệt độ da tăng lên và làm giãn các mạch máu dưới da. Hiện tượng tăng nhiệt tại chỗ, tăng lưu lượng máu cục bộ cũng dẫn đến phát tán nhiệt khắp cơ thể và làm tăng nhiệt độ toàn thân.

Tác dụng của đèn hồng ngoại có thể bạn chưa biết

Đèn hồng ngoại từ lâu đã được ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Trước khi tìm hiểu các tác hại của đèn hồng ngoại, chúng ta cùng khám phá những lợi ích mà thiết bị này mang lại nhé!

  • Sưởi đèn hồng ngoại giúp cải thiện lưu lượng máu trong toàn bộ cơ thể. Điều này giúp các mô, tế bào, cơ nhận được nhiều oxy và chất dinh dưỡng nên tốt cho quá trình sửa chữa, phục hồi các tế bào và mô trên cơ thể.
  • Khi các mạch máu được giãn ra và máu lưu thông tăng cường đến các cơ, bạn cũng sẽ được thư giãn và làm giảm căng thẳng cơ bắp.
  • Đèn hồng ngoại tăng cường lưu thông máu dưới da giúp làm da hồng hào, khỏe mạnh, chống oxy hóa tốt hơn.
  • Đèn hồng ngoại hỗ trợ giảm các cơn đau ở cơ, xương, khớp. Không chỉ giảm đau, thiết bị này còn hỗ trợ đẩy nhanh quá trình làm lành các tổn thương, phục hồi cơ, xương, khớp bị tổn thương.
  • Phương pháp chiếu đèn hồng ngoại cho sản phụ sau sinh giúp sản phụ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
  • Đèn hồng ngoại dùng để sưởi cho trẻ sơ sinh mỗi khi tắm gội, thay tã.
  • Ánh sáng đèn hồng ngoại có tác dụng hỗ trợ làm đẹp và làm tươi trẻ da mặt, kích thích mọc tóc và giúp tóc chắc khỏe.
  • Ánh sáng hồng ngoại cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể, kích thích đào thải mỡ thừa thông qua tuyến mồ hôi và giúp giảm béo hiệu quả.
  • Xông hơi bằng tia hồng ngoại là cách đào thải độc tố cơ thể hiệu quả qua tuyến mồ hôi.
Điểm danh những tác hại của đèn hồng ngoại nếu sử dụng sai cách 2
Đèn hồng ngoại có thể sử dụng cho mọi đối tượng

Tác hại của đèn hồng ngoại nếu không sử dụng đúng cách

Bất cứ thiết bị nào dù có nhiều lợi ích sức khỏe đến đâu nếu không sử dụng đúng cách cũng có thể phản tác dụng. Theo các chuyên gia, đèn hồng ngoại làm nóng nhanh, tác hại của đèn hồng ngoại khi không sử dụng đúng cách chủ yếu đến từ tính chất nhiệt. Cụ thể là:

  • Sức nóng của đèn hồng ngoại nếu phát ra ở cường độ cao sẽ tác động đến da gây kích ứng da, da nóng đỏ… Nghiêm trọng hơn, đèn hồng ngoại có thể khiến da bị bỏng, phồng rộp khi đã thấy da bị đốt cháy như khi da bị cháy nắng nhưng vẫn tiếp tục sử dụng đèn hồng ngoại.
  • Đèn hồng ngoại có thể tăng độ nhạy cảm của mắt thậm chí làm tổn thương võng mạc nếu sử dụng ở cường độ mạnh trong thời gian dài.
  • Nếu ai đó bị đổ mồ hôi quá nhiều do nhiệt độ cao phát ra từ đèn hồng ngoại có thể bị mất nước, kích ứng da, khô rát da.
  • Ở những người có cơ địa nhạy cảm, đèn hồng ngoại có thể kích thích phản ứng dị ứng, phản ứng viêm.
Điểm danh những tác hại của đèn hồng ngoại nếu sử dụng sai cách 3
Đèn hồng ngoại chỉ thực sự phát huy lợi ích khi chúng ta sử dụng đúng cách

Cách sử dụng đèn hồng ngoại thế nào tốt nhất?

Để tránh những tác hại của đèn hồng ngoại như kể trên, khi sử dụng thiết bị này bạn cần lưu ý:

Cách sử dụng đèn hồng ngoại

Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn dùng đèn hồng ngoại an toàn và hiệu quả hơn:

  • Bóng đèn hồng ngoại cần để hướng vuông góc với vùng da cần chiếu.
  • Duy trì khoảng cách từ đèn hồng ngoại đến da từ 50 - 70cm, không để gần hơn để tránh làm da bị tổn thương.
  • Mỗi ngày, bạn có thể chiếu đèn hồng ngoại 1 - 2 lần nhưng mỗi lần không nên quá 30 phút.
  • Sau mỗi lần chiếu đèn, bạn cần quan sát và theo dõi vùng da được chiếu. Nếu có phản ứng nóng đỏ, bỏng rát, bạn nên điều chỉnh lại cường độ và khoảng cách đèn chiếu.
  • Hãy đảm bảo đèn được đặt ở vị trí chắc chắn khi chiếu. Điều này rất quan trọng khi dùng cho trẻ em hay da mặt. Bạn có thể dùng loại đèn có lưới bảo vệ để tăng tính an toàn.
  • Nếu có bỏng hay phồng rộp sau khi chiếu đèn, bạn tuyệt đối không chườm đá lạnh vì có thể dẫn đến bỏng lạnh. Hãy chườm mát và di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
  • Một số trường hợp có thể bị choáng váng, mệt sau khi chiếu đèn. Khi đó, bạn cần nghỉ ngơi, theo dõi để tìm ra nguyên nhân để biết cách phòng tránh vào những lần tiếp theo.
Điểm danh những tác hại của đèn hồng ngoại nếu sử dụng sai cách 4
Sử dụng đúng cách để tránh tác hại của đèn hồng ngoại

5 không khi dùng đèn hồng ngoại

Ngoài ra, để sử dụng đèn hồng ngoại một cách an toàn, bạn cũng cần tuân thủ nguyên tắc 5 không dưới đây:

  • Không để nước bắn vào đèn hồng ngoại khi đang chiếu đèn.
  • Không đặt bóng đèn hồng ngoại trực tiếp lên người nếu không có màng chắn bảo vệ.
  • Không dùng đèn hồng ngoại cho người đang ngủ, người bất tỉnh, khí huyết kém lưu thông.
  • Không để đèn hồng ngoại gần các vật liệu dễ bắt cháy.

Liệu pháp ánh sáng hồng ngoại dù mang đến nhiều lợi ích nhưng không dành cho tất cả mọi người. Những ai đang bị chấn thương, nhiễm trùng, u lành hoặc ác tính, dễ chảy máu, xơ vữa động mạch,... không nên chiếu đèn hồng ngoại. Và điều quan trọng là bạn cần nắm rõ những nguyên tắc an toàn trên đây để phòng tránh các tác hại của đèn hồng ngoại nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin