Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Điểm mặt những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Ngày 08/10/2023
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết - hay còn gọi là sốt Dengue - là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Do đó, bố mẹ cần biết các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em để kịp thời phát hiện, đưa trẻ đi thăm khám để có hướng điều trị kịp thời, tránh để xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường bùng phát vào mùa mưa, ở những nơi có môi trường vệ sinh không tốt. Tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết khá cao và vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết. Việc nắm được các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Có thể thấy, triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, đồng thời, diễn biến cũng khá phức tạp. Ban đầu, bệnh khởi phát khá đột ngột, diễn biến cũng nhanh chóng, đi từ nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu, trẻ bị bệnh sốt xuất huyết thường bị sốt cao đột ngột và liên tục. Trẻ càng nhỏ thì càng bứt rứt và quấy khóc. Đối với những trẻ lớn hơn, trẻ có xu hướng chán ăn, đau đầu, buồn nôn và xuất hiện sung huyết ở da (khi quan sát sẽ thấy có chấm xuất huyết ở dưới da), đau cơ, khớp, bị nhức nhối ở hai hố mắt, đồng thời trẻ có thể bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Điểm mặt những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em 1
Một trong những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em thường gặp là sung huyết ở da

Thông thường, kết quả xét nghiệm máu ở giai đoạn này không phản ánh rõ ràng tình trạng bệnh. Cụ thể, dung dịch hồng cầu (Hematocrit) ở giai đoạn sốt vẫn ở mức bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường và có xu hướng giảm dần, còn số lượng bạch cầu thì giảm.

Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn sốt, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Giai đoạn này thường rơi vào ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Về triệu chứng, ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu giảm sốt, tuy nhiên, trẻ sẽ bị thoát huyết tương - có nghĩa là lượng huyết tương trong máu sẽ thoát ra ồ ạt khiến bụng trẻ bị chướng to, triệu chứng sốt xuất huyết này ở trẻ em sẽ thường kéo dài trong từ 24 - 48 giờ và có nguy cơ tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết.

Như vậy, khi đi khám, trẻ có thể sẽ được kết luận bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan trở nên to một cách bất thường, mi mắt cũng bị phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng có thể dẫn đến sốc với một số biểu hiện dễ nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh ở các đầu chi, da lạnh và ẩm, mạch đập nhanh và nhỏ, tiểu ít, huyết áp kẹt (nghĩa là huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20mmHg), thậm chí tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ có thể bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết có xu hướng nằm rải rác hoặc tập trung ở cẳng chân, mặc trong của hai cánh tay, ở bụng, đùi và mạng sườn, một số trường hợp có thể bị xuất huyết ở niêm mạc chảy máu chân răng, chảy máu mũi hay đi tiểu ra máu.

Điểm mặt những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em 2
Trẻ bị thoát huyết tương nặng có thể dẫn đến sốc

Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý rằng, xuất huyết không phải là triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em chắc chắn xảy ra, có một số trẻ mắc bệnh nhưng hoàn toàn không có biểu hiện xuất huyết. Do đó, dù có hay không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh cũng có thể đã đến giai đoạn nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây tử vong. Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là trẻ bị sốc với biểu hiện của 3 tình trạng suy giảm là: Giảm tri giác, giảm thân nhiệt, giảm huyết áp.

Ở giai đoạn nguy hiểm này, xét nghiệm máu thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3, trường hợp nặng bé có thể bị rối loạn đông máu, vô cùng nguy kịch.

Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn phục hồi diễn ra sau giai đoạn nguy hiểm từ 48 - 72 giờ. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu hết sốt và tình trạng được cải thiện với các biểu hiện như: Thèm ăn, huyết áp ổn định dần và tiểu tiện nhiều hơn. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh chóng, số lượng tiểu cầu cũng dần trở về mức bình thường nhưng sẽ chậm hơn bạch cầu.

Cách điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em tại nhà

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt xuất huyết, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán. Phần lớn trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể điều trị tại nhà và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Phụ huynh cần lưu ý một số hướng dẫn của bác sĩ sau để quá trình điều trị sốt xuất huyết cho trẻ đạt hiệu quả:

  • Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn sử dụng, nới lỏng quần áo và lau mát cơ thể trẻ. Phụ huynh lưu ý, tuyệt đối không sử dụng Aspirin hay Ibuprofen bởi có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết hay toan máu.
  • Cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, oresol (nước điện giải), nước hoa quả như dừa, cam, chanh… hoặc ăn cháo pha loãng với muối để có thể bổ sung điện giải trong thời gian điều trị sốt.
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nấu thức ăn loãng và dễ tiêu, đồng thời cần cân bằng dinh dưỡng cho trẻ. Tuyệt đối không dùng thực phẩm hay các loại thức uống có màu sẫm để tránh nhầm lẫn với biểu hiện xuất huyết tiêu hóa.
  • Nên cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, tránh vận động trong thời gian điều trị sốt xuất huyết.
  • Nếu trẻ không thể uống nước do nôn quá nhiều, trẻ lờ đờ, không tỉnh táo, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Điểm mặt những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em 3
Bố mẹ cần bổ sung nước và điện giải cho trẻ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết

Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời nếu phát hiện trẻ có một trong các biểu hiện sau:

  • Vật vã, lừ đừ;
  • Tình trạng đau bụng ngày càng nghiêm trọng;
  • Da xuất hiện tình trạng sung huyết, tứ chi lạnh;
  • Nôn ói một cách đột ngột và liên tục;
  • Xuất huyết tiêu hóa đột ngột.

Làm thế nào để phòng chống sốt xuất huyết ở trẻ em?

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng hiện nay là kiểm soát các loại côn trùng trung gian truyền bệnh như: Diệt bọ gậy (hay lăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, tránh để muỗi đốt, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ chứa nước tù, đọng.

Điểm mặt những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em 4
Điểm mặt những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Trên đây là các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em được chia làm các giai đoạn. Bố mẹ có thể theo dõi sát sao các biểu hiện của con để phát hiện kịp thời bệnh sốt xuất huyết ở trẻ để có hướng xử trí phù hợp. Quý độc giả cũng đừng quên tham khảo các bài viết khác trên website của Nhà thuốc Long Châu để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe con cái nói riêng và cả gia đình nói chung.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.