Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị đột quỵ như thế nào? Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà

Ngày 25/11/2023
Kích thước chữ

Sơ cứu đột quỵ nên được thực hiện đúng cách và trong “thời gian vàng”. Điều này giúp cho việc điều trị đột quỵ sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, hạn chế được tối đa biến chứng cũng như giảm thiểu chi phí điều trị. Vậy phương pháp sơ cứu điều trị đột quỵ như thế nào?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời. Ngay khi xuất hiện dấu hiệu, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị đột quỵ kịp thời. Lúc này, tuyệt đối không được tự ý áp dụng các cách chữa đột quỵ tại nhà nhằm hạn chế những biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Tìm hiểu về bệnh đột quỵ

Đột quỵ là một bệnh lý về thần kinh xảy ra khi lưu lượng máu cung cấp cho não gặp “trục trặc” (bị gián đoạn, suy giảm hoặc tắc nghẽn) khiến cho não bộ bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Lúc này, các tế bào não sẽ bắt đầu chết dần đi và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức, yếu hoặc liệt chân tay… thậm chí là có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.

Khi phát hiện ra một người bị đột quỵ, tiến hành sơ cứu càng sớm thì sẽ càng giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh, đồng thời giúp bệnh nhân giảm thiểu được nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng, giảm thời gian cũng như chi phí điều trị đột quỵ.

Điều trị đột quỵ như thế nào? Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà 1
Đột quỵ xảy ra do lưu lượng máu đến não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể

Điều trị đột quỵ như thế nào?

Phác đồ điều trị đột quỵ sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến đột quỵ cũng như tình trạng bệnh, cụ thể như sau:

Điều trị đột quỵ do bị thiếu máu cục bộ

Bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ có hướng điều trị như sau:

Thuốc

Nếu bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ thì bác sĩ có thể sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA). Thuốc TPA giúp giảm tỷ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi đối với bệnh nhân đột quỵ.

Thuốc TPA có tác dụng hoạt hóa chất plasmin giúp làm tiêu huyết khối. Để điều trị đột quỵ bằng thuốc đạt được hiệu quả tốt nhất thì nên cho người bệnh dùng thuốc trong vòng 3 - 4,5 giờ đầu tiên kể từ khi người bệnh bị thiếu máu cục bộ.

Bác sĩ sẽ cân nhắc liều lượng thuốc sử dụng cho bệnh nhân điều trị đột quỵ. Người bệnh dùng thuốc TPA cần có chỉ định của bác sĩ nhằm tránh tình trạng xuất huyết não nếu dùng sai cách. Sau khi người bệnh được tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để điều trị đột quỵ, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến của bệnh và chỉ định bệnh nhân thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh cận lâm để kiểm tra tình trạng tưới máu trong não bộ.

Đối với người bệnh dưới 18 tuổi được đưa đến bệnh viện sau khi khởi phát triệu chứng đột quỵ lớn hơn 4,5 giờ hoặc không chắc chắn về thời gian khởi phát bệnh thì không được điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Điều trị đột quỵ như thế nào? Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà 2
Điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch giúp giảm tỷ lệ tàn tật

Can thiệp nội mạch

Bác sĩ sẽ tiến hành các kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị đột quỵ như:

  • Lấy huyết khối trực tiếp: Bác sĩ sử dụng một ống thông hút huyết khối, sau đó stent kéo cục máu đông để lấy ra ngoài nhằm tái thông lại mạch máu não.
  • Tiêu sợi huyết tại chỗ: Nếu cục máu đông đã nhỏ lại, bác sĩ có thể tiến hành tiêm trực tiếp thuốc TPA tại vùng này để làm tan cục huyết khối.
  • Đặt stent động mạch não: Trong trường hợp mạch máu não bị xơ vừa và hẹp nhiều thì khi can thiệp có thể đồng thời đặt thiết bị hỗ trợ như stent động mạch não nhằm tái tạo sự lưu thông mạch máu và hạn chế hình thành cục máu đông mới tại vị trí này.

Điều trị đột quỵ do xuất huyết não

Đối với người bị đột quỵ do xuất huyết não thì bác sĩ có thể tiến hành can thiệp điều trị bằng các phương pháp sau:

Phẫu thuật

Phẫu thuật cấp cứu được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ thể xuất huyết nặng. Tuy nhiên, các can thiệp khác có thể làm chậm quá trình cầm máu và gây ra nhiều tác hại không mong muốn.

Trong phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ lấy đi khối máu tụ để giúp giải áp vùng mô não bị tổn thương và tạo điều kiện cho vùng mô này phục hồi. Song song với đó là giải quyết nguyên nhân gây vỡ mạch máu:

  • Kẹp mạch máu đang chảy: Phẫu thuật viên sẽ sử dụng một loại kẹp chuyên biệt cho mạch máu để kẹp lại phần động mạch đang chảy máu. Thao tác này có tác dụng cầm máu tạm thời và đạt hiệu quả cao. Đối với túi phình mạch máu não, công tác kẹp túi phình sẽ ngăn chặn được nguy cơ chảy máu tiến triển ở túi phình đã bị vỡ.
  • Cắt dị dạng động - tĩnh mạch (AVM): Một số mạch máu não bị dị dạng có thể tiếp cận và xử trí trong quá trình tham sát phẫu thuật.
  • Bóc tách mạch cảnh: Ở những bệnh nhân bị hẹp lòng mạch do mảng xơ vữa, tắc nghẽn mạch máu… thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để bóc tách các mảng xơ vữa bám trên thành động mạch cảnh hoặc đặt stent động mạch cảnh. Phương pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân có dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua nhằm giảm nguy cơ đột quỵ nhồi máu não.

Coiling (thuyên tắc nội mạch)

Coiling là một phương pháp điều trị đột quỵ bằng cách dùng các vòng xoắn kim loại (Coil) nhằm mục đích bít túi phình gây ra cơn đột quỵ não. Lúc này, các vi ống thông có kích thước rất nhỏ sẽ được chọn lọc để đưa vào túi phình mạch máu não bị vỡ. Sau đó, Coil - là các vòng xoắn kim loại đặc biệt sẽ thực hiện vai trò bít lại túi phình vỡ (nguyên nhân gây xuất huyết não). Nhờ đó, dòng máu lưu thông sẽ không chảy ra ngoài não.

Hiện nay, coiling được đánh giá là một trong những phương pháp điều trị đột quỵ ít xâm lấn và cho hiệu quả cao.

Xạ phẫu lập thể

Xạ phẫu lập thể là một phương pháp điều trị đột quỵ hiện đại chỉ mới được áp dụng trong vài năm gần đây. Kỹ thuật này mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân đột quỵ.

Xạ phẫu lập thể là phương pháp đưa các dòng tia xạ năng lượng cao vào bên trong não bộ nhằm sửa chữa lại các dị dạng mạch máu não.

Ưu điểm của phương pháp này là có thể can thiệp vào những vị trí nằm gần các vùng não có chức năng quản trọng hoặc nằm sâu bên trong mô não, khó có thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật khác.

Điều trị đột quỵ như thế nào? Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà 3
Xạ phẫu lập thể là một phương pháp điều trị đột quỵ hiện đại và cho hiệu quả cao

Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà

Các bước sơ cứu đột quỵ tại nhà được tiến hành như sau:

  • Gọi ngay đến số cấp cứu 115.
  • Nơi bệnh nhân nằm đảm bảo thoáng khí, tránh gió lùa.
  • Nới rộng quần áo của người bệnh, mở rộng phần cổ để kiểm tra hô hấp của bệnh nhân.
  • Cho người bệnh nằm ở tư thế nghiêng 45 độ so với cơ thể để phòng ngừa tình trạng sặc đường thở.
  • Dùng khăn sạch quấn vào ngón tay trỏ của mình rồi cho vào miệng bệnh nhân để làm sạch đờm, dãi trong khoang miệng.
  • Nếu người bệnh có hiện tượng co giật thì sử dụng một chiếc đũa quấn vải sạch và đặt ngang miệng người bệnh để tránh cắn phải lưỡi.
  • Ghi chú lại thời điểm phát hiện ra triệu chứng đột quỵ, các loại thuốc mà người bệnh đang dùng và biểu hiện của người bệnh để báo lại với bác sĩ ngay khi đưa người bệnh đến bệnh viện nhằm hỗ trợ việc điều trị đột quỵ hiệu quả hơn.
Điều trị đột quỵ như thế nào? Hướng dẫn sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà 4
Hãy gọi ngay đến số cấp cứu 115 khi phát hiện ra một ai đó bị đột quỵ

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm được các phương pháp điều trị đột quỵ và các bước tiến hành sơ cứu bệnh nhân đột quỵ tại nhà. Đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để hạn chế được biến chứng nghiêm trọng xảy ra. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin