Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị bệnh

Ngày 25/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em còn được biết đến với tên gọi hẹp sọ, là một hiện tượng khá hiếm, trung bình sẽ có khoảng 6 trường hợp trong tổng số 10.000 trẻ mới sinh mắc phải bệnh này. Đây là một dạng dị tật có tính chất nguy hiểm, nếu không được chăm sóc đúng đắn và kịp thời có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai.

Bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ. Trong trường hợp dính khớp sọ sớm, nếu không được phát hiện và điều trị đúng đắn và kịp thời thì bệnh sẽ tác động đến sự phát triển của bộ não, thị lực, khả năng tâm thần - vận động của bệnh nhân. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ tới bạn đọc những thông tin chi tiết về căn bệnh này.

Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em là bệnh gì?

Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em là một dạng dị tật bẩm sinh xảy ra khi các đường khớp sọ kết hợp với nhau quá sớm, dẫn đến sự đóng cửa sớm. Việc này gây biến dạng hình dạng hộp sọ, khiến cho xương không mở rộng theo quy luật phát triển tự nhiên của não bộ.

Hiện tượng này thường biểu hiện từ giai đoạn thai kỳ, thường được nhận diện qua biến dạng đầu và trong một số trường hợp, biến dạng khuôn mặt. Mức độ nghiêm trọng và dạng biến dạng cụ thể phụ thuộc vào đường khớp sọ nào bị dính và thời điểm xảy ra trong quá trình phát triển.

Khi dính khớp sọ xảy ra, hộp sọ sẽ phát triển không đều theo hướng song song với đường khớp bị dính. Điều này dẫn đến biến dạng đầu trẻ, có thể làm cho đầu trở nên không đều, méo mó theo một hướng cụ thể. Phổ biến nhất là dính khớp dọc giữa, tạo ra hình dạng đầu như thuyền. Dính khớp một hoặc hai bên sẽ gây ra đầu méo về một hướng hoặc dẹt sang hai hướng.

Dính khớp sọ có thể làm biến dạng khuôn mặt, thể hiện qua sự phát triển không đồng đều ở hai cung mày, mắt có thể nổi lên và xương mũi có thể bị lệch về một bên. Dính khớp sọ trán có thể tạo ra hình dạng đầu tam giác, với xương trán phát triển mạnh mẽ và xuất hiện hai ụ trán nhô ra nhiều hơn so với bình thường.

Các dạng dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em bao gồm:

  • Dính đường khớp vành một bên (coronal synostosis);
  • Dính đường khớp lăm- đa (lamboidal synostosis);
  • Dính đường khớp vành hai bên (bicoronal synostosis);
  • Dính đường khớp trán (metopic synostosis);
  • Dính đường khớp dọc (sagittal synostosis).
Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị bệnh 1
Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm

Nguyên nhân gây nên bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em

Nguyên nhân dẫn đến bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em chủ yếu xuất phát từ sự kết hợp sớm của các đường khớp sọ trong giai đoạn bào thai. Thông thường, những đường khớp này sẽ nối kết vào nhau trong khoảng 2 - 4 tuổi và chỉ thực sự dính chặt sau 20 tuổi. Có hai cơ chế chính gây ra hiện tượng này đó là bệnh lý của xương sọ (dính khớp sọ nguyên phát) hoặc bệnh lý của não bộ không phát triển đúng cách, dẫn đến sự đóng cửa sớm của các khớp sọ (dính khớp sọ thứ phát, tạo nên tật đầu nhỏ). Cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, bệnh lý của xương sọ (dính khớp sọ nguyên phát) gây biến dạng hộp sọ của trẻ. Tùy thuộc vào đường khớp bị dính, hộp sọ sẽ phát triển theo hướng song song và điều chỉnh với đường khớp đó. Các khớp phổ biến bao gồm khớp dọc giữa, khớp trán, và nhiều đường khớp khác. Các khớp này có thể bị dính ở một hoặc nhiều đường khớp.
  • Thứ hai, bệnh lý của não bộ không phát triển đúng cách dẫn đến sự đóng cửa sớm của các khớp sọ (dính khớp sọ thứ phát, tạo nên tật đầu nhỏ). Các khớp sọ giữa các tấm xương hình thành hộp sọ bị dính vào nhau quá sớm ở trẻ nhũ nhi, giới hạn sự phát triển và làm cho não bộ không có đủ không gian để phát triển bình thường, điều này dẫn đến tình trạng tật đầu nhỏ.
Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị bệnh 2
Xác định được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn

Dấu hiệu nhận biết bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em

Các biểu hiện của bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em tùy thuộc vào từng loại dị tật cụ thể, nhưng có những đặc điểm chung nhất là hình dạng đầu và khuôn mặt không bình thường. Các khớp bị dính sẽ làm cho hộp sọ phát triển không đều theo hướng song song với đường khớp tương ứng. Kết quả là đầu trẻ sẽ trở nên không đều và méo theo một hướng cụ thể.

  • Dính đường khớp vành một bên (coronal synostosis): Biểu hiện thường là đầu bị méo về phía trước, tạo nên tình trạng tật đầu méo. Điều này có thể làm cho trán bé phẳng ở một bên, hốc mắt ở đường khớp bị dính sẽ nâng lên trên, làm mũi và sọ chuyển lệch về một hướng. Nếu bệnh nặng, có thể gây suy giảm thị lực và mù mắt ở cùng bên.
  • Dính đường khớp vành hai bên (Bicoronal synostosis): Đường khớp này làm cho trán và cung mày trở nên phẳng và có thể hõm vào phía trong.
  • Dính đường khớp dọc (Sagittal synostosis): Là loại phổ biến nhất, chiếm 60% trường hợp dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em. Bệnh dẫn đến tình trạng tật đầu hình thuyền (scaphocephaly), làm cho đầu bé trở nên dài ra theo hướng trước sau. Vì hộp sọ không mở rộng sang hai bên nên trán bé nhô ra.
  • Dính đường khớp lăm- đa (lamboidal synostosis): Loại dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em này rất hiếm gặp, gây méo phía sau đầu về một bên, với xương chũm nhô ra và tai lệch về phía sau, có thể làm hộp sọ méo về một hướng.
  • Dính đường khớp trán (Metopic synostosis, chiếm 10%): Trẻ mắc tình trạng này thường có tật đầu hình tam giác (trigonocephaly), làm cho trán trở nên nhọn, có gờ xương giữa trán, hộp sọ hình tam giác và hai mắt gần nhau hơn.
Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị bệnh 3
Mỗi loại dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em có biểu hiện nhận biết riêng

Phương pháp điều trị bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em

Để chẩn đoán dị tật dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em thì thông thường bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp hình ảnh như chụp CT - cắt lớp vi tính đa lát cắt và tái tạo hộp sọ 3 chiều (CT Multi-slice 3D). Qua việc này có thể xác định vị trí của các khớp sọ bị dính và hiểu rõ về biến dạng của hộp sọ. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm các loại hình chụp như CT hoặc chụp MRI để đánh giá não bộ, đồng thời cung cấp thông tin bổ sung hỗ trợ quá trình điều trị ngoại khoa.

Phương pháp điều trị bệnh dính khớp sọ sớm ở trẻ hiện đại chủ yếu bao gồm việc thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các đường khớp bị dính, tái tạo hình dạng hộp sọ, loại trừ triệt để áp lực chèn ép, nhằm tạo không gian cho não bộ phát triển.

Theo một số nghiên cứu, việc phẫu thuật dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em nên được thực hiện trong khoảng từ 3 - 8 tháng tuổi, khi xương sọ của trẻ vẫn mỏng, dễ uốn nắn và chưa biến dạng nhiều. Phẫu thuật sớm không chỉ tăng cường khả năng phát triển của xương mà còn hỗ trợ sự phát triển của não bộ.

Trong trường hợp phẫu thuật sau 12 tháng, quá trình trở nên khó khăn hơn và thường đòi hỏi phải tái tạo hình toàn bộ hộp sọ, một quy trình tương đối phức tạp và cần truyền máu.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em đang được áp dụng đó là phẫu thuật cổ điển và phẫu thuật nội soi.

  • Phẫu thuật cổ điển thường kéo dài từ 3 - 7 giờ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, có thể đòi hỏi việc truyền máu và thời gian nằm viện để theo dõi từ 3 - 7 ngày.
  • Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn, nhưng chỉ được áp dụng trong một số trường hợp dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em cụ thể. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là giảm thiểu mất máu và sưng. Thời gian thực hiện phẫu thuật trung bình chỉ mất khoảng 1 giờ và hầu hết bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau đó. Phương pháp này mang lại kết quả tốt nhất khi trẻ ở độ tuổi từ 3 - 6 tháng.
Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị bệnh 4
Dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em cần được điều trị sớm để hạn chế biến chứng

Như vậy Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ tới bạn đọc những thông tin về bệnh dính khớp sọ sơ sinh ở trẻ em. Đây là một bệnh trạng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ. Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị một cách kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin