Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đứt dây chằng cổ chân là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 20/05/2022
Kích thước chữ

Tổn thương dây chằng ở vùng cổ chân hiện nay rất phổ biến. Nặng nhất có thể thấy đó là tình trạng đứt dây chằng cổ chân khi ngã từ trên cao xuống, chơi thể thao hoặc va chạm do tai nạn. Phương án điều trị là bất động, nghỉ ngơi, chườm lạnh,... Một số trường hợp nặng hơn cần phải tiến hành phẫu thuật để phục hồi hoạt động bình thường.

Các bộ phận như: Xương gót, xương sên, xương chày, xương mác,... được bao quanh bằng một hệ thống dây chằng. Sau khi dây chằng cổ chân bị đứt do các tác động mạnh mà không được cố định sẽ dẫn đến gãy xương mắt cá, toác khớp.

Đứt dây chằng cổ chân là gì?

Cổ chân có nhiệm vụ hỗ trợ chuyển động lên xuống giữa bàn chân và cẳng chân. Đây là một khớp quan trọng kết nối các xương ở khu vực chân thông qua các dây chằng ở cổ chân. Mặc dù dây chằng cổ chân rất khỏe mạnh nhưng khi bị các chấn thương vẫn có thể bị rách hoặc đứt.

Đứt dây chằng cổ chân là một chấn thương phổ biến có thể xảy ra khi bạn bị vặn hoặc lật mắt cá chân. Tình trạng này gây đau đớn, sưng tấy ở phía bàn chân bị chấn thương, thậm chí có thể khiến người bệnh không thể đi lại bình thường.

Đứt dây chằng cổ chân là một chấn thương phổ biến

Dấu hiệu đứt dây chằng khớp cổ chân

Khi bạn đứt dây chằng khớp cổ chân sẽ kéo theo tình trạng đau nhức. Người bệnh sẽ thấy nhói ở vùng cổ chân, mắt cá chân hoặc cả gót chân bị tổn thương, cơn đau tùy vào mức độ tổn thương kèm theo hạn chế vận động của người bệnh. Các khớp xương lúc này sẽ trở nên tê dại, cơn đau kéo dài âm ỉ hoặc có thể lúc đau lúc không. Ngoài ra, đứt dây chằng khớp cổ chân còn có một số triệu chứng khác như:

  • Sưng đau khớp cổ chân: Khi bị đứt dây chằng cổ chân, bạn sẽ cảm thấy vùng cổ chân sưng to, khu vực da quanh vị trí cổ chân bị tổn thương xuất hiện vết bầm tím, sờ vào sẽ thấy nóng và đau nhói.
  • Lỏng cổ chân: Khi đứt dây chằng cổ chân hoàn toàn thì sẽ kéo theo vấn đề lỏng khớp, điều này khiến cho bạn cảm thấy cổ chân yếu. Việc di chuyển rất khó thực hiện bạn cần tránh để xuất hiện các chuyển biến nặng gây ra thoái hóa khớp cổ chân.

Sau khi bị đứt dây chằng cổ chân, nếu vẫn vận động mạnh mà không cố định sẽ dẫn đến xuất hiện các biến chứng không đáng có. Nặng thì phải tiến hành phẫu thuật để chỉnh sửa lại. Trong trường hợp được chăm sóc và điều trị tốt, người bị đứt dây chằng khớp cổ chân có thể khỏi bệnh tùy vào mức độ.

Hình ảnh mô tả khi dây chằng cổ chân bị rách, đứt

Đứt dây chằng cổ chân bao lâu thì khỏi

Tổn thương khi đứt dây chằng có thể nhẹ hoặc nặng khác nhau và được chia thành nhiều loại dựa trên mức độ nghiêm trọng khi các triệu chứng xuất hiện. Cụ thể các mức độ tổn thương được chia ra các cấp độ sau:

  • Cấp độ I: Dây chằng chỉ xuất hiện rách một phần nhỏ, các tổn thương chỉ xảy ra ở các bao xơ. Tuy bị đau nhưng bạn vẫn có thể đi lại được, việc hồi phục đứt dây chằng khớp cổ chân cấp độ này có thể thuyên giảm sau 4-6 tuần.
  • Cấp độ II: Đây là tình trạng khi một phần dây chằng bị đứt, rách. Xuất hiện sự lỏng lẻo ở cơ cổ chân và ảnh hưởng đến khả năng vận động, di chuyển. Xuất hiện bầm tím trên da, đi lại khó khăn, thời gian phục hồi có thể trong khoảng 4-8 tuần.
  • Cấp độ III: Chấn thương cấp độ này sẽ khiến dây chằng bị đứt hoàn toàn. Cổ chân không còn được ổn định và gây mất khả năng sử dụng của bàn chân ảnh hưởng đến đi lại. Nếu điều trị tích cực, đúng cách theo chỉ định thì bạn có thể phục hồi sau 12 tuần.

Nguyên nhân gây giãn, đứt dây chằng cổ chân

Chấn thương

Chấn thương khi té ngã trong hoạt động vận động hay va chạm có thể khiến mắt cá chân và cổ chân của bạn bị ảnh hưởng, áp lực lên dây chằng bị tăng lên.

Bàn chân bị xoắn đột ngột hạy bị  xoay vào trong do té ngã hoặc tai nạn bất ngờ làm gót chấn bị ảnh hưởng. Lúc này dây chằng bị kéo căng quá mức rất dễ bị giãn, rách hoặc đứt.

Các chấn thương là nguyên nhân thường thấy của tình trạng đứt dây chằng cổ chân

Chịu tác động trực tiếp lên khớp cổ chân

Nếu chịu sự va đập mạnh hay bị đánh vào chân có thể gây ra những tổn thương trực tiếp đến cổ chân với lực lớn. Tổn thương xuất hiện cho xương, khớp và dây chằng kèm theo áp lực lớn. Cuối cùng dây chằng cổ chân của bạn sẽ bị nứt, rách hoặc có thể bị gãy xương.

Đột ngột thay đổi tư thế

Đứt dây chằng cổ chân xảy ra khi cổ chân bị lệch sang một bên hoặc xoắn đột ngột hay bàn chân xoay vào trong. Điều này hay xảy ra khi một người đột ngột thay đổi tư thế không đúng cách đột ngột.

Đứt dây chằng cổ chân có nguy hiểm không?

So với giãn, đứt dây chằng đầu gối hay cổ tay và một số vị trí khác, thì đứt dây chằng cổ chân sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn cả. Tuy nhiên nếu áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa, nhất là được điều trị sớm và đúng cách thì bệnh rất dễ được thuyên giảm.

Trong quá trình điều trị các triệu chứng của đứt dây chằng cổ chân có thể thuyên giảm sau 48 giờ, và bạn có thể phục hồi nhanh nhất trong vòng 2 tuần. Tùy theo mức độ nghiêm trọng thời gian này có thể lâu hơn. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các cách giảm đau khớp cổ chân hiệu quả để thực hiện tại nhà.

Ở những trường hợp không được chăm sóc và điều đúng cách, không những tốc độ và khả năng phục hồi bị ảnh hưởng, mà còn xuất hiên các nguy cơ sau:

  • Đau khớp mãn tính.
  • Thoái hóa khớp cổ chân.
  • Dị tật vĩnh viễn.
  • Yếu và teo cơ chân.
  • Phạm vị chuyển động của khớp bị hạn chế.
  • Khả năng vận động của bệnh nhân bị giảm đáng kể.
  • Viêm khớp tiến triển.

Đứt dây chằng cổ chân sẽ không nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm

Phòng ngừa đứt dây chằng cổ chân

Để giảm nguy cơ, chấn thương và đứt dây chằng cổ chân, bạn cần lưu ý một số lời khuyên từ các chuyên gia theo các ý sau:

  • Không tập thể dục, vận động mạnh hoặc chơi thể thao khi cơ thể mệt mỏi.
  • Duy trì một chế độ ăn uống khoa học cung cấp đầy đủ canxi và các chất dinh dưỡng cân bằng để tăng cường sức mạnh cơ bắp.
  • Tránh để tăng cân quá nhiều, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh để tránh các cơ phải chịu tác động nặng làm tăng cơ tổn thương.
  • Hạn chế việc bị tai nạn té ngã, va chạm thể thao hoặc khiến cổ chân bị lật.
  • Tránh mang những đôi giày không vừa vặn. Lựa chọn những đôi giày phù hợp khi tham gia các hoạt động thể thao nhất định.
  • Không mang giày có độ bám kém dễ té ngã.
  • Tập thể dục và vận động thể chất thường xuyên để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, cơ xương quen với việc hoạt động.
  • Phải làm nóng cơ thể trước khi vận động, chơi thể thao.
  • Hạn chế các hoạt động trên những bề mặt không đủ đảm bảo an toàn, cân bằng.

Ghi nhớ các lưu ý để hạn chế đứt dây chằng cổ chân

Đứt dây chằng cổ chân là tình trạng chấn thương thường gặp và có độ nguy hiểm cao. Tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho bản thân khi gặp phải vấn đề trên bạn nên đi gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và đưa ra phương án chữa trị kịp thời sớm nhất.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm