Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai

Ngày 23/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán, vào năm 2050, số lượng bệnh nhân ung thư trên toàn cầu sẽ tăng mạnh, từ đó sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Hiện nay, số lượng người mắc ung thư ngày càng tăng cao, từ đó tỷ lệ tử vong vì ung thư cũng tăng theo. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn một số thông tin về gánh nặng ung thư toàn cầu hiện nay, đồng thời mang đến những phương pháp để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh nguy hiểm này.

Gánh nặng ung thư đang ngày một tăng

Gần đây, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã công bố những thông tin và ước tính mới nhất về những gánh nặng ung thư toàn cầu. Vào năm 2022, dựa trên các nguồn dữ liệu khảo sát từ 115 quốc gia, kết quả cho thấy gánh nặng ung thư ngày càng tăng, phần lớn các quốc gia không cung cấp đủ nguồn lực cho các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và điều trị cho bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, vấn đề về không cân xứng ở nhóm dân số chưa được quan tâm, việc giải quyết sự chênh lệch trong phát hiện và điều trị ung thư giữa các nước phát triển và đang phát triển là rất cấp thiết.

Gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai 1
Phần lớn các quốc gia không cung cấp đủ nguồn lực cho các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và điều trị cho bệnh nhân ung thư

Ước tính trong năm 2022, số ca mắc ung thư tăng nhanh, đã có khoảng 20 triệu ca ung thư mới (năm 2012 là 14,1 triệu ca) và khoảng 9,7 triệu ca tử vong. Ước tính số bệnh nhân còn sống trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán ung thư là 53,5 triệu người. Trung bình, trong 5 người sẽ có 1 người mắc bệnh ung thư trong đời, tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư đối với nam giới là 1/9 và đối với phụ nữ là 1/12.

IARC cũng đưa ra con số dự đoán rằng, vào năm 2050, thế giới sẽ có hơn 35 triệu ca mắc bệnh ung thư, con số này tăng mạnh so với năm 2022.

Ba loại ung thư phổ biến trong năm 2022

Dựa trên dữ liệu từ 185 quốc gia và 36 căn bệnh ung thư, IARC cho biết trong năm 2022 có 10 loại ung thư chiếm ⅔ trên tổng số các ca mắc ung thư mới và tử vong trên toàn cầu. Trong số đó, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đại trực tràng là 3 loại ung thư phổ biến nhất. Trên toàn thế giới có khoảng 2,5 triệu ca mắc ung thư phổi mới, chiếm 12,4%. Ung thư vú đứng thứ hai với 2,3 triệu trường hợp, chiếm 11,6%. Ung thư đại trực tràng có 1,9 triệu ca, chiếm 9,6%. Ngoài ra còn có 1,5 triệu trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt, chiếm 7,3% và 970.000 trường hợp mắc bệnh ung thư dạ dày, chiếm 4,9%.

Trong đó, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư cũng xuất phát từ bệnh ung thư phổi - 1,8 triệu ca tử vong, chiếm 18,7% tổng số ca tử vong do bệnh ung thư. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng - 900.000 ca tử vong, chiếm 9,3%; ung thư gan - 760.000 ca tử vong, chiếm 7,8%; ung thư vú - 670.000 ca tử vong, chiếm 6,9%; ung thư dạ dày - 660.000 ca tử vong, chiếm 6,8%. IARC cho rằng, ung thư phổi đang phổ biến và trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe là do thói quen hút thuốc lá, đặc biệt là ở khu vực châu Á.

Gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai 2
Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu

Bên cạnh đó, có một số khác biệt về giới tính ở tỷ lệ mắc phải và tỷ lệ tử vong so với tổng số ca mắc trên toàn cầu.

  • Loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ là ung thư vú, ở nam giới là ung thư phổi. Dữ liệu dựa trên 185 quốc gia, ung thư vú chính là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ ở hầu hết các quốc gia (157 trên 185).
  • Ở nam giới, bệnh ung thư phổ biến thứ hai và thứ ba là ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng, nguyên nhân tử vong do ung thư phổ biến thứ hai và thứ ba lại là ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Ở phụ nữ, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng đồng thời đứng thứ hai và thứ ba về số trường hợp mắc phải và số trường hợp tử vong.

Ngoài ra, một căn bệnh ung thư khác cũng đáng nhắc đến là là ung thư cổ tử cung. Đây là bệnh ung thư xảy ra phổ biến đứng thứ tám trong số ca mắc ung thư toàn cầu và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư xếp thứ chín (có 661.044 ca mắc mới và 348.186 ca tử vong). Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ ở 25 quốc gia, đặc biệt là châu Phi cận Sahara.

Không chỉ riêng ung thư cổ tử cung, WHO cho biết, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở các nước có thu nhập thấp thường cao hơn, châu Phi là khu vực phải đối mặt với thách thức lớn hơn cả từ căn bệnh quái ác này.

Gánh nặng ung thư toàn cầu dự kiến tăng vào năm 2050

Theo dự đoán của WHO, sẽ có khoảng 35 triệu ca mắc ung thư mới vào năm 2050, con số này tăng 77% so với ước tính 20 triệu ca ở năm 2022. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng ung thư toàn cầu gia tăng nhanh chóng, phản ánh cả sự già hóa và tăng trưởng dân số. Nguyên nhân khiến cho làn sóng ung thư toàn cầu lan nhanh có thể là do sử dụng rượu bia, thuốc lá, không kiểm soát cân nặng gây thừa cân béo phì, tình trạng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng và do già hóa dân số. Tỷ lệ tử vong do ung thư cũng được dự đoán sẽ tăng mạnh.

Gánh nặng ung thư sẽ không đồng đều ở các quốc gia có thu nhập và chỉ số phát triển con người khác nhau. Ở những nước phát triển, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán sớm và tiếp cận với điều trị tốt hơn so với những nước đang phát triển.

Gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai 3
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi

Phương pháp chăm sóc sức khỏe để phòng ngừa bệnh ung thư

Với đánh giá bệnh ung thư và gánh nặng ung thư toàn cầu sẽ tăng mạnh vào năm 2050, bất kỳ ai cũng cần có cho mình những phương pháp chăm sóc sức khỏe để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này. Ung thư không phải là một bệnh đơn lẻ, nó có thể là một nhóm nhiều bệnh liên quan và gắn liền với nhiều yếu tố như di truyền, lối sống, môi trường,...

Chế độ sinh hoạt

Lối sống, sinh hoạt có mối liên hệ mật thiết đối với sức khỏe của chúng ta, để có một sức khỏe tốt, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hoạt động thể chất: Việc duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày sẽ giúp cho bạn có một sức đề kháng tốt để chống lại các yếu tố gây bệnh, giúp bạn duy trì cân nặng lý tưởng, ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì. Một số khảo sát cho thấy người có hoạt động thể chất thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn những người không có thói quen tập luyện thể dục thể thao.
  • Tránh sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích: Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ mắc bệnh ung thư dự kiến tăng mạnh trong tương lai chính là do thói quen hút thuốc lá (nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi) và uống rượu bia. Việc uống nhiều rượu có liên quan đến khả năng mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ung thư gan.
  • Tâm trạng thoải mái: Tinh thần lạc quan, tránh xa căng thẳng sẽ giúp sức khỏe của bạn tốt hơn.
  • Tầm soát ung thư định kỳ: Có một số bệnh ung thư có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền, ngoài ra, việc tầm soát định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh nếu không may mắc phải. Việc được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn có cơ hội vượt qua căn bệnh tốt hơn.
  • Tiêm phòng: Việc tiêm vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B, HPV có thể dự phòng hiệu quả một số loại ung thư như ung thư gan, ung thư cổ tử cung,...
  • Bảo vệ cơ thể khỏi tia bức xạ: Tiếp xúc nhiều với tia bức xạ cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Hai loại bức xạ chính có liên quan đến căn bệnh này là bức xạ ion hóa (gây bệnh bạch cầu, ung thư tuyến giáp, ung thư vú,... bức xạ này có trong tia X, nguy cơ ung thư có thể liên quan đến số lần chụp CT và liều lượng bức xạ được sử dụng) và bức xạ tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời (nguyên nhân chính gây ung thư da không tế bào hắc tố). Vì thế, hãy hạn chế tối thiểu việc chụp X-quang, chụp CT nếu không thực sự cần thiết; hạn chế ra nắng trong khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, sử dụng kem chống nắng, che chắn cẩn thận nếu bắt buộc phải tiếp xúc với ánh nắng.
Gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai 4
Người có hoạt động thể chất thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn những người không có thói quen tập luyện

Chế độ dinh dưỡng

Ngoài chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bạn:

  • Áp dụng mô hình ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất; ưu tiên các thực phẩm không chứa nhiều calo để duy trì cân nặng khỏe mạnh; bổ sung các loại rau củ quả có màu xanh đậm, đỏ và cam, chúng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa; bổ sung các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt; sử dụng thịt gia cầm, cá hoặc đậu để làm nguồn cung cấp protein chính cho cơ thể thay vì thịt đỏ hoặc các loại thịt chế biến sẵn,...
  • Tránh xa các thực phẩm không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều calo, chất béo, protein và thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn (không an toàn vì có chứa chất bảo quản, chất phụ gia), đồ uống chứa nhiều đường cũng không tốt cho sức khỏe.
  • Phương pháp chế biến: Ưu tiên luộc, hấp thay vì chiên, xào. Ăn thanh đạm, hạn chế sử dụng nước sốt kem và các loại nước sốt đậm vị, nhiều muối và các chất phụ gia.
Gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai 5
Áp dụng mô hình ăn uống lành mạnh để phòng ngừa ung thư

Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về gánh nặng ung thư toàn cầu trong bối cảnh hiện nay và dự kiến trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp đến bạn một số phương pháp để chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả. Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu, vì vậy hãy chủ động trong việc trang bị các kiến thức và áp dụng để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm