Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết 

Ngày 10/11/2022
Kích thước chữ

Gãy xương hàm dưới là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở mặt, chỉ xếp sau gãy mũi. Nguyên nhân chính là do ngoại lực tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào xương hàm dưới. Một trong những trường hợp phổ biến nhất là gãy lồi cầu xương hàm dưới. 

Gãy lồi cầu xương hàm dưới là một trong những dạng thường gặp của gãy xương hàm dưới. Đây là một trong những trường hợp cấp cứu ngoại khoa hay gặp phải, đặc biệt là do tai nạn giao thông. Dưới đây chính là vài nét về gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết.  

Vài nét khái quát về xương hàm dưới 

Xương hàm dưới là một xương lẻ, đối xứng, góp phần tạo nên tầng mặt dưới, nổi lên ở vùng cổ và mặt. Loại xương này có nhiều điểm nhô (ở cằm, góc hàm) nên rất dễ gãy (theo thông kê đây là chấn thương chiếm đến 60% gãy xương vùng mặt). Do có hệ cơ nhai bám tận, nên sau khi bị gãy lực tác dụng đối kháng xương hàm dưới thường bị biến dạng thứ phát.

Đây là loại xương có khả năng di động cao, có răng cắm vào xương ổ răng. Có quan hệ khớp cắn trung tâm với răng hàm trên cố định. Đây chính là cơ sở giúp nắn chỉnh cũng như cố định xương gãy. 

Về cấu tạo, xương hàm dưới là xương dẹt, mỏng, bên ngoài đặc, bên trong xốp, chỉ được nuôi dưỡng bởi động mạch răng dưới. Do đó nên khi bị gãy ít chảy máu nhưng thời gian liền xương chậm.

Những vị trí yếu và dễ bị tác động từ bên ngoài gây ra tổn thương hoặc gãy xương hàm dưới có thể kể đến là ở vùng răng cửa, lỗ cằm hoặc là góc hàm, thậm chí có thể ở cả vùng cổ lồi cầu.

Gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết 1

Cấu tạo của xương hàm dưới 

Tổng quan về tình trạng gãy xương hàm dưới

Gãy xương hàm có thể gặp phải với cả hàm trên và hàm dưới. Trong đó, do xương hàm dưới là xương di động và có nhiều điểm yếu nên có tỷ lệ gãy cao hơn. Có thể chia làm 2 loại chính là gãy một phần xương hoặc gãy toàn bộ xương. Cụ thể như sau:

Gãy một phần xương hàm dưới

Gãy xương ổ răng: Thường gặp nhất là đối với răng cửa. Tuy nhiên gãy xương ổ răng đối với hàm dưới thường xảy ra với tỉ lệ thấp hơn so với hàm trên. Đặc điểm của loại gãy xương này chính là mảnh xương rời ra trong lúc gãy có thể gập ngược lại vào trong và kéo răng ra.

Gãy mỏm vẹt: Tương đối ít gặp trên lâm sàng, đôi khi xuất hiện kèm theo với gãy cổ lồi cầu và gãy xương gò má.

Thủng xương hàm dưới: Thường do những tác nhân là vật nhọn với diện tích tiếp xúc nhỏ và lực truyền có tốc độ cao, có thể là đạn bắn.

Gãy toàn bộ xương hàm dưới

Có thể xảy ra tình trạng gãy một đường, hai đường, ba đường hoặc là gãy thành nhiều mảnh vụn.

  • Một đường: Gồm có gãy vùng bên, vùng giữa, vùng góc hàm, cành lên, lồi cầu.
  • Hai đường: Gãy đối xứng hoặc không đối xứng.
  • Ba đường: Gãy phức tạp, khó xử lý.

Do đặc tính giải phẫu với rất nhiều cơ vùng mặt bám xung quanh như cơ nâng cằm và cơ hạ cằm do đó trong trường hợp bị gãy sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng di lệch theo nhiều kiểu do các cơ bị co kéo. Ngoài ra, gãy xương hàm dưới có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh răng dưới nên bệnh nhân thường có cảm giác đau và tê mỏi vùng môi, cằm khi xảy ra chấn thương.

Gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết 2

Tình trạng gãy xương hàm dưới 

Tình trạng gãy lồi cầu xương hàm dưới 

Gãy lồi cầu xương hàm dưới là chấn thương rất hay gặp trên lâm sàng, nhất là đối với trường hợp tai nạn giao thông. Tình trạng này nếu như không được xử lý và phẫu thuật kịp thời có thể gây ra nhiều di chứng liên quan về mặt giải phẫu, chức năng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ của bệnh nhân.

Một số chức năng của cơ thể có thể bị ảnh hưởng khi gãy lồi cầu xương hàm dưới chính là dính cứng khớp, teo xương hàm dưới, giảm hoặc mất chức năng cắn,... Khi gãy lồi cầu xương hàm dưới bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng lâm sàng như:

  • Đau nhức.
  • Động tác há miệng thực hiện khó khăn.
  • Sưng phù ở vùng da bên ngoài miệng, vùng da trước nếp tai có thể hơi gồ lên.
  • Ấn vào điểm trước nếp tai có cảm giác đau chói.
  • Lồi cầu cử động bất thường hoặc không thể cử động.
  • Trật khớp cắn.
  • Tình trạng khớp cắn 2 thì.

Gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết 3

Cấu tạo lồi cầu xường hàm dưới 

Phương pháp điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới

Những phương pháp điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới phổ biến được áp dụng nhiều nhất hiện nay là chỉnh hình, cố định xương, nắn chỉnh xương và phẫu thuật gãy xương lồi cầu hàm dưới. Cụ thể như sau:

  • Chỉnh hình: Được sử dụng nhiều nhất là nắn chỉnh trong miệng, thường áp dụng với những bệnh nhân có đường gãy xương ở vùng còn răng hoặc là có ít sự di lệch.

Gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết 4

Kỹ thuật nắn chỉnh xương hàm dưới 

  • Nắn chỉnh xương: Bác sĩ có thể tiến hành nắn chỉnh bằng tay hoặc bằng lực kéo
  • Cố định xương: thường là cố định ngoài miệng bằng băng cầm, hoặc là cố định bên trong miệng bằng cung Tiguersted và nút Ivy trong một khoảng thời gian (thường là từ 4 – 6 tuần)
  • Phẫu thuật gãy xương lồi cầu hàm dưới: Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Thường được chỉ định đối với bệnh nhân bị chấn thương lồi cầu xương hàm dưới và mất quá nhiều răng so với bình thường. Khi những phương pháp như chỉnh hình và cố định xương sẽ không mang đến hiệu quả điều trị như ý. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân có xuất hiện di lệch nhiều và 2 đầu gãy không tiếp xúc với thì đây chính là phương pháp tối ưu nhất. Trên thực tế thì phẫu thuật gãy xương lồi cầu hàm dưới có thể được chia thành 2 phương pháp chính là phẫu thuật cố định xương bằng các loại chỉ thép chuyên dụng và phẫu thuật cố định xương bằng nẹp vít.
  • Bên cạnh đó bệnh nhân có thể được chỉ định một số loại thuốc giảm đau hay thuốc chống phù nề để thoải mái hơn. 

Gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết 5

Phương pháp phẫu thuật xương hàm dưới 

Trên đây chính là vài nét về tình trạng gãy lồi cầu xương hàm dưới và những điều bạn nên biết. Chúng là một trong những chấn thương thường gặp gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cơ thể và thẩm mỹ của người bệnh. Do đó, ngay khi phát hiện gãy xương hàm dưới thì cần phải đưa bệnh nhân đến với cơ sở y tế để được cấp cứu sớm nhất cũng như có hướng xử lý phù hợp nhất.

Xem thêm:

Thảo My 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm