Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Giá trị chẩn đoán, định hướng điều trị và quy trình chụp MRI dây chằng mà bạn nên biết

Ngày 05/11/2023
Kích thước chữ

Khi tổn thương dây chằng, mri là một trong những chỉ định phổ biến. Nhiều người thắc mắc chụp mri dây chằng giúp gì cho quá trình chẩn đoán, điều trị? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về kỹ thuật này nhé!

Một trong những thành phần cơ bản duy trì khung xương, giúp cơ thể hoạt động linh hoạt, trơn tru, đó là dây chằng. Khi cơ thể vận động quá mức có thể gây chấn thương dây chằng. Tuy vậy, việc chẩn đoán bệnh chính xác thông qua thăm khám lâm sàng hoặc xét nghiệm thông thường ít có giá trị do dây chằng thường nhỏ, mảnh và ở vị trí khó quan sát, khám bệnh. Bởi vậy, phương pháp chụp MRI dây chằng sẽ cung cấp thông tin chẩn đoán giá trị cho bác sĩ định hướng điều trị.

Tổng quan về chức năng của dây chằng

Dây chằng là một phần quan trọng của hệ thống cơ bắp và xương của cơ thể người, giúp kết nối cũng như truyền động lực giữa các cơ và xương. Trước khi đến với kỹ thuật chụp MRI dây chằng, hãy cùng điểm qua thông tin về cấu tạo, chức năng của dây chằng nhé!

Cấu tạo dây chằng

Dây chằng được cấu tạo bởi các sợi collagen liên kết dày đặc với nhau, chúng có hình dạng và kích thước tùy thuộc vào vị trí, chức năng của các khớp liên quan.

Tổng cộng, cơ thể người có khoảng 900 dây chằng lớn nhỏ khác nhau, được phân bố tùy theo mức độ vận động. Số lượng dây chằng nhiều nhất thường nằm ở cánh tay và chân, với khoảng 600 dây chằng tại những vùng này.

Sau đó, vùng thân người có hơn 200 dây chằng. Sự phân bố này phản ánh vai trò của dây chằng trong việc hỗ trợ chuyển động, tạo sự ổn định cho các khớp quan trọng tại vai, khuỷu tay, háng, đầu gối…

Một điểm quan trọng về dây chằng là khả năng căng dãn nhịp nhàng. Khi cơ thể vận động, các dây chằng sẽ căng dãn và thu ngắn theo nhịp độ, tạo ra sự uyển chuyển, êm ái cho từng chuyển động.

Điều này cho phép cơ thể thực hiện các hoạt động như đi bộ, chạy, nhảy, vận động cơ bắp, thậm chí các động tác khó như duỗi thẳng hay bẻ gập các khớp. Sự linh hoạt, đàn hồi của dây chằng rất quan trọng để duy trì khả năng chuyển động của cơ thể.

Tuy nhiên, mức độ căng dãn của các dây chằng này có giới hạn nhất định. Nếu chúng bị căng quá mức trong thời gian quá lâu có thể dẫn đến giãn dây chằng, gây đau và giảm khả năng chuyển động của cơ thể. Do đó, việc duy trì sự cân đối giữa việc điều khiển, bảo vệ dây chằng rất quan trọng để duy trì sức khỏe và tính linh hoạt của cơ thể.

Giá trị chẩn đoán, định hướng điều trị và quy trình chụp mri dây chằng mà bạn nên biết 1
Trong cơ thể con người có rất nhiều dây chằng với kích thước khác nhau

Chức năng dây chằng

Dây chằng cấu tạo từ các sợi collagen, là một phần quan trọng trong hệ thống cơ bắp và xương. Chúng phân bố tại các khớp trong cơ thể như khớp gối, khớp háng, cổ tay, cổ chân, khuỷu tay với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau. Dây chằng thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm:

  • Liên kết và cố định xương: Dây chằng kết nối các xương với nhau tại các khớp, tạo ra cấu trúc khung xương, đồng thời giữ cho chúng được cố định tại vị trí chính xác. Điều này đảm bảo rằng xương không di lệch quá mức, duy trì tính ổn định, vững chắc cho cơ thể.
  • Khả năng vận động: Dây chằng cho phép khớp xương vận động một cách nhẹ nhàng, linh hoạt và trơn tru. Chúng tạo điều kiện cho chuyển động của cơ thể, từ việc đi lại đến việc thực hiện các hoạt động vận động phức tạp như chạy, nhảy hay thực hiện các hoạt động thể thao chuyên nghiệp.
  • Hỗ trợ và định hình: Dây chằng có vai trò nâng đỡ bộ xương, định hình khung xương cơ thể. Chúng giúp duy trì hình dáng tổng thể của cơ thể, đảm bảo tính cân đối của khung xương.
  • Chức năng cảm giác: Một số dây chằng chứa các dây thần kinh cảm giác, có tác dụng chuyền các tín hiệu thần kinh. Chúng có vai trò quan trọng trong việc cảm nhận và truyền tải thông tin cảm giác, giúp cơ thể phản ứng nhanh chóng đối với các tình huống nguy hiểm hoặc vận động quá mức.
Giá trị chẩn đoán, định hướng điều trị và quy trình chụp mri dây chằng mà bạn nên biết 2
Dây chằng giúp cơ thể thực hiện hoạt động phức tạp như chạy bộ

Giá trị của kỹ thuật chụp MRI dây chằng

Kỹ thuật chụp MRI dây chằng là một công cụ giá trị trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh lý liên quan đến dây chằng, cụ thể:

  • Chẩn đoán sớm và chính xác: Chụp MRI dây chằng cho phép quan sát dây chằng một cách chi tiết trên nhiều mặt phẳng khác nhau với độ sắc nét cao. Điều này giúp chẩn đoán các bệnh lý của dây chằng như đụng dập, đứt dây chằng chéo sau, bệnh lý thoái hóa. Sự chính xác trong chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị chính xác, kịp thời.
  • Quan sát tổn thương xung quanh: MRI cũng cho phép quan sát, đánh giá các tổn thương liên quan như rách sụn chêm, đụng dập vùng gân cơ lân cận và mạch máu xung quanh. Điều này có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương toàn bộ vùng xung quanh dây chằng, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.
  • An toàn cho bệnh nhân: Một ưu điểm lớn là kỹ thuật chụp MRI dây chằng sử dụng sóng điện từ để tạo hình ảnh, giảm rủi ro liên quan đến tia X, từ đó phù hợp cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ mang thai.
  • Hướng dẫn điều trị: MRI dây chằng có khả năng xác định một cách chi tiết và chính xác về mức độ đứt dây chằng, giúp bác sĩ lập kế hoạch cho phẫu thuật cùng điều trị sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân có cơ hội hồi phục nhanh chóng, hiệu quả hơn.
  • Đánh giá quá trình hồi phục: Sau phẫu thuật, chụp MRI dây chằng còn có giá trị trong việc đánh giá quá trình hồi phục của dây chằng. Bác sĩ có thể sử dụng kết quả MRI để điều chỉnh phương pháp phục hồi chức năng, đảm bảo sự hồi phục tốt nhất cho bệnh nhân.
Giá trị chẩn đoán, định hướng điều trị và quy trình chụp mri dây chằng mà bạn nên biết 3
Kỹ thuật chụp MRI dây chằng cung cấp thông tin hữu ích cho bác sĩ và bệnh nhân

Quá trình chụp MRI dây chằng

Trước và trong khi thực hiện chụp MRI dây chằng, người bệnh cần lưu ý những điểm sau:

  • Chuẩn bị trước khi chụp: Trước khi bước vào phòng chụp MRI, bệnh nhân cần tháo bỏ toàn bộ các vật dụng bằng kim loại như đồng hồ, đồ trang sức, khóa kéo, nghe theo hướng dẫn của kỹ thuật viên chụp. Nếu bệnh nhân có cấy ghép dụng cụ kim loại trong người như van tim nhân tạo, dụng cụ kết hợp xương hoặc bất kỳ vật thể nào có tính từ thì không nên chụp cộng hưởng từ vì chúng có thể ảnh hưởng tới hình ảnh.
  • Tư thế bất động: Quá trình chụp MRI yêu cầu bệnh nhân cần nằm im trong máy MRI trong thời gian chụp. Để đảm bảo rằng hình ảnh được chụp đúng, bệnh nhân cần phải cố định tốt vị trí khớp cần chụp, tránh di động trong suốt quá trình chụp. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc chụp dây chằng, vì kích thước dây chằng thường nhỏ và mảnh.
  • Thời gian chụp: Quá trình chụp MRI dây chằng thường diễn ra trong khoảng 15 đến 20 phút. Trong thời gian này, bệnh nhân nằm im, không di động. Do đó, có thể có cảm giác mỏi mệt hoặc không thoải mái, đặc biệt ở vùng khớp cần chụp. Tuy nhiên, kỹ thuật viên chụp thường sẽ kê đệm lót để tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn cho bệnh nhân.
  • Nhận kết quả chụp MRI dây chằng: Kết quả sẽ có sau khi chụp khoảng 15 - 20 phút. Bệnh nhân có thể nhận kết quả, trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Kết quả này cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng của dây chằng và vùng xung quanh, giúp định hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Giá trị chẩn đoán, định hướng điều trị và quy trình chụp mri dây chằng mà bạn nên biết 4
Người bệnh cần thông báo với nhân viên y tế nếu có vật dụng kim loại trong người

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về kỹ thuật chụp MRI dây chằng. Mong bạn đọc đã có được những kiến thức bổ ích về cấu tạo, chức năng dây chằng cũng như quy trình chụp MRI. Hãy tiếp tục đón xem những bài viết mới về nhiều chủ đề của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin