Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giải đáp: Bị tràn dịch khớp gối có nên chườm đá không?

Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ

Tràn dịch khớp gối có thể khiến khớp gối sưng phù, đau nhức và khó chịu. Vậy khi bị tràn dịch khớp gối có nên chườm đá để giảm đau không?

Tràn dịch khớp gối là tình trạng mà lượng dịch trong khớp gối tăng lên gây ra sưng, đau và giảm sự linh hoạt khi di chuyển. Nhiều người thường sử dụng chườm đá để giảm đau và sưng tại vùng khớp gối, tuy nhiên liệu bị tràn dịch khớp gối có nên chườm đá hay không? Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu nhé! 

Tràn dịch khớp gối là gì? Có nguy hiểm không? 

Thông thường trong khớp gối của chúng ta luôn có một lượng dịch khớp, đóng vai trò bôi trơn và bảo vệ các khớp nối với nhau. Tuy nhiên nếu xảy ra tình trạng viêm khớp, chấn thương hay lạm dụng vận động ở khớp khối quá mức sẽ khiến hoạt dịch này tích tụ lại gây sưng và đau nhức. 

Các triệu chứng của tràn dịch khớp gối có thể bao gồm: 

  • Cơn đau nhức đầu gối từ nhẹ đến vừa tùy vào lượng dịch tích tụ trong khớp. Đau nhức sẽ dữ dội hơn khi di chuyển và dồn trọng lực vào chân. 
  • Sưng phù và bọng nước ở vị trí khớp gối tràn dịch, có thể quan sát rõ hơn khi bạn chỉ bị tràn dịch khớp gối ở một bên. 
  • Cứng khớp và cản trở vận động ở khớp gối của người bệnh. 
  • Bầm tím, xanh tím có thể xuất hiện ở khu vực bị tràn dịch khớp gối sau chấn thương.

tràn dịch khớp gối có nên chườm đá 1

Tràn dịch khớp gối nếu không điều trị đúng cách có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động thường ngày của bạn

Bị tràn dịch khớp gối có nên chườm đá không? 

Chườm đá là một phương pháp giúp giảm đau nhức và bầm tím do chấn thương xương khớp gây ra. Vì vậy, để hỏi tràn dịch khớp gối có nên chườm đá không thì theo ý kiến từ chuyên gia là có. Đây được xem là một trong các phương pháp chăm sóc hiệu quả và dễ làm tại nhà trong những trường hợp tràn dịch khớp gối nhẹ, với những công dụng đáng kể như: 

  • Giảm viêm: Các mạch máu có thể co lại dưới nhiệt độ thấp vì thế có thể giảm viêm và sưng nhờ vào việc hạn chế lưu thông máu đến khớp gối.
  • Hạn chế sản xuất hoạt dịch: Chườm lạnh có thể giúp hạn chế quá trình sản xuất hoạt dịch ở khớp gối. Bình thường hoạt dịch là cần thiết cho khớp nhưng chúng tích tụ quá nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến sưng, viêm khớp gối. 
  • Cản trở các tín hiệu đau đến bộ não: Nhiệt độ thấp tác động đến các thụ thể cảm nhận cơn đau ở đầu gối và ngăn chặn chúng truyền tín hiệu về não bộ. 

Nói một cách đơn giản, chườm đá có thể gây tê, giảm sưng và giảm viêm tại chỗ khớp gối bị sưng, đau. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nhận được lợi ích của việc này nếu thực hiện đúng kỹ thuật. 

tràn dịch khớp gối có nên chườm đá 2

Tràn dịch khớp gối có nên chườm đá giảm đau? Câu trả lời là có và nên biết cách chườm đúng cách

Hướng dẫn cách chườm đá giảm đau tại nhà

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi chườm đá điều trị tràn dịch khớp gối tại nhà, bạn cần lưu ý những điều sau đây: 

  • Nên chườm đá trong khoảng 48 giờ sau khi bị chấn thương đầu gối. Đây được xem là thời điểm tốt nhất để giảm sưng và giảm viêm bằng nhiệt lạnh. 
  • Không trực tiếp chườm đá lạnh lên đầu gối. Bạn phải lót đá lạnh trong một chiếc khăn lông mềm hoặc dùng túi chườm lạnh chuyên dụng, để tránh gây phỏng lạnh. 
  • Khi chườm lạnh, nên kết hợp với massage túi đá nhẹ nhàng xung quanh vùng đầu gối bị tràn dịch. Điều này vừa giúp giảm đau, giảm sưng vừa giúp bạn dễ chịu hơn. 
  • Mỗi lần chườm đá trị tràn dịch khớp gối chỉ nên duy trì trong 15 - 20 phút, không nên chườm đá quá lâu vì có thể gây tổn thương mô, cứng và rát da. 
  • Chườm đá thường xuyên nhưng không nên lạm dụng. Trong 48 giờ sau chấn thương, bạn nên chườm đá thường xuyên mỗi 1 - 2 giờ một lần, không nên chườm đá liên tục vì có thể khiến viêm khớp tái phát và kéo dài. 

Khi việc chườm đá được thực hiện đúng lúc và đúng kỹ thuật có thể hỗ trợ quá trình chữa lành khớp do tràn dịch hiệu quả hơn. Người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn và tránh được những rủi ro do tràn dịch khớp gối gây ra. 

Các phương pháp chữa tràn dịch khớp gối tại nhà khác 

Bên cạnh chườm lạnh, bạn cũng có thể sử dụng những phương pháp thuyên giảm tràn dịch khớp gối sau đây: 

  • Dành thời gian để nghỉ ngơi và tránh lao động nặng khi bị tràn dịch đầu gối. Song song đó tập luyện một số động tác được hướng dẫn bởi các chuyên viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để tăng sức mạnh của cơ và giảm lượng dịch khớp. 
  • Cố định đầu gối bằng băng thun. Lưu ý không nên quấn quá chặt có thể gây phù nề, đau đớn và tổn thương mô cơ xung quanh. 
  • Nâng cao đầu gối tốt nhất là cao hơn tim để hạn chế ảnh hưởng đến lưu thông máu đến khớp gối. 
  • Sử dụng thuốc kháng viêm và giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ/dược sĩ. 
  • Massage đầu gối có thể giúp dịch khớp thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Bạn có thể tự massage tại nhà hoặc đến các trung tâm massage chuyên nghiệp. Khi massage đầu gối, có thể kết hợp với một số dầu và tinh dầu, để giảm đau tốt hơn. 

tràn dịch khớp gối có nên chườm đá 3

Massage gối cũng giúp giảm đau và cải thiện tình trạng lượng dịch ứ đọng 

Khi nào cần đi khám bác sĩ? 

Tràn dịch khớp gối có nên chườm đá không là có nhưng không phải trong tất cả mọi trường hợp. Trong một số trường hợp chấn thương khớp gối nghiêm trọng hoặc kéo dài với nhiều triệu chứng khác, gần nhanh chóng đến bệnh viện để được chăm sóc y tế đúng cách. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy tràn dịch khớp gối cần được điều trị tại bệnh viện: 

  • Đầu gối sưng to. 
  • Không thể duỗi hoặc gập đầu gối hoàn toàn. 
  • Các phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả sau 3 - 4 ngày. 
  • Sốt cao trên 38 độ C. 
  • Đầu gối chuyển sang màu đỏ và đau khi chạm tay vào. 
  • Không thể chịu được trọng lực trên đầu gối. 
  • Khó khăn trong việc di chuyển, nhất là khi ngồi xổm. 

Nhà thuốc Long Châu hy vọng qua bài viết này có thể giải đáp cho bạn câu hỏi khi bị tràn dịch khớp gối có nên chườm đá được không. Mặc dù chườm đá có thể giúp giảm đau hiệu quả cho hầu hết các trường hợp tràn dịch khớp gối, nhưng bị chấn thương hay có dấu hiệu tràn dịch khớp, tốt nhất hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc tại nhà nhé!

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin