Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì? Giãn tĩnh mạch thừng tinh có mấy cấp độ?

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh lý đường sinh dục nam giới. Bệnh được cho là một trong những nguyên nhân gây vô sinh thường gặp. Việc phân độ giãn tĩnh mạch thừng tinh giúp chẩn đoán được mức độ nặng, tiên lượng bệnh và định hướng điều trị cho bệnh nhân.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh lý thường gặp ở đường sinh dục nam. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về câu hỏi “Giãn tĩnh mạch thừng tinh có mấy cấp độ?” qua bài viết dưới đây.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Về định nghĩa, giãn tĩnh mạch thừng tinh là sự giãn và gấp khúc bất thường của hệ tĩnh mạch tinh hoàn. Tần suất giãn tĩnh mạch tinh tăng dần theo lứa tuổi và giảm dần sau tuổi 30. Độ tuổi gặp nhiều nhất là 15 – 30 tuổi, hiếm gặp trước 10 tuổi và sau 40 tuổi. Lứa tuổi thiếu niên gặp khoảng 15%.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì? 1
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Những triệu chứng thường gặp của giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh có thể dễ dàng tự nhận thấy dựa vào các triệu chứng sau:

  • Cảm giác khó chịu, căng tức, đau âm ỉ tinh hoàn. Đôi khi có cảm giác nóng ở bìu hoặc một khó chịu khó diễn tả ở vùng bìu bẹn. Sự khó chịu này thường giảm đi khi nằm và tăng khi vận động nhiều, ngồi hoặc đứng lâu.
  • Tự nhìn thấy hoặc sờ thấy búi giãn tĩnh mạch như túi giun trong bìu khi đứng.
  • Thấy tinh hoàn một bên nhỏ hơn bên còn lại một cách bất thường.
  • Hiếm muộn, vô sinh.

Tại sao có tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh?

Giãn tĩnh mạch tinh thường do không có hệ thống van ở tĩnh mạch tinh hoặc van bị suy yếu, vì vậy có dòng máu trào ngược từ tĩnh mạch thận trái hay tĩnh mạch chủ dưới vào đám rối tĩnh mạch tinh.

Giãn tĩnh mạch tinh thường gặp ở bên trái do:

  • Giải phẫu tĩnh mạch tinh trong bên trái là yếu tố thuận lợi gây trào ngược. Tĩnh mạch tinh phải ngắn và đổ vào tĩnh mạch chủ dưới với một góc nhọn, trong khi tĩnh mạch tinh trong bên trái dài hơn bên phải và đổ gần như vuông góc vào tĩnh mạch thận.
  • Áp lực trong tĩnh mạch thận trái tăng cao khi có hiện tượng bị kẹp giữa động mạch chủ phía sau và động mạch mạc treo tràng trên phía trước.
Cơ chế bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh 2
Cơ chế bệnh sinh của giãn tĩnh mạch thừng tinh

Phân độ giãn tĩnh mạch thừng tinh trên lâm sàng

Trên lâm sàng, có nhiều cách phân độ giãn tĩnh mạch tinh. Tuy nhiên, có 2 cách thường được áp dụng nhiều nhất:

Hệ thống phân độ cổ điển

Hệ thống phân độ cổ điển được Dubin và Amelar đưa ra tại hội nghị quốc tế năm 1970 tại Dublin. Theo đó, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia làm 3 độ:

  • Độ 1: Giãn tĩnh mạch thừng tinh sờ thấy được chỉ khi làm nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 2: Giãn tĩnh mạch thừng tinh sờ thấy được mà không cần làm nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 3: Giãn tĩnh mạch thừng tinh nhìn thấy được và không cần làm bất kì nghiệm pháp nào.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có mấy cấp độ? 3
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có mấy cấp độ?

Hệ thống phân độ quốc tế

Hiện nay, hệ thống phân độ quốc tế thường được sử dụng nhiều hơn để đánh giá giãn tĩnh mạch thừng tinh khi kết hợp khám lâm sàng và siêu âm Doppler. Theo hệ thống phân độ quốc tế, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia làm 4 độ:

  • Độ 0 (dưới lâm sàng): Giãn tĩnh mạch thừng tinh chưa có biểu hiện lâm sàng và không phát hiện được khi thăm khám. Chỉ phát hiện có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối có đường kính lớn hơn 3 mm và có dòng trào ngược trên siêu âm Doppler.
  • Độ 1: Tĩnh mạch tinh giãn nhẹ, chỉ sờ thấy khi làm nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 2: Tĩnh mạch tinh giãn khá to, dễ dàng sờ thấy mà không cần làm nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 3: Tĩnh mạch tinh giãn to, nhìn thấy hiện rõ trên da bìu.
Siêu âm có thể chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh 4
Siêu âm có thể chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh

Phân độ giãn tĩnh mạch thừng tinh dựa trên siêu âm

Bất cứ trường hợp nào khó xác định tình trạng giãn tĩnh mạch tinh trên lâm sàng (do giãn tĩnh mạch tinh còn bé, béo, kèm theo tràn dịch màng tinh hoặc do quá đau hoặc quá mẫn cảm) thì nên sử dụng siêu âm để chẩn đoán.

Trong số các phương pháp không xâm lấn, siêu âm Doppler màu được cho là phương tiện chẩn đoán hình ảnh tốt nhất. Việc đánh giá tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh được đánh giá cả khi bệnh nhân ở tư thế nằm, tư thế đứng và khi thực hiện nghiệm pháp Valsava.

Theo Sarteschi và cộng sự, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được chia ra thành 5 phân độ dựa trên tính chất dòng máu chảy ngược, chiều dài và sự thay đổi khi làm nghiệm pháp Valsava:

  • Độ 1: Được đặc trưng bởi tình trạng trào ngược kéo dài ở các mạch máu chỉ khi làm nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 2: Giãn tĩnh mạch nhỏ ở phía sau và khu trú ở cực trên của tinh hoàn, kích thước tăng khi làm nghiệm pháp Valsava. Đánh giá bằng siêu âm Doppler cho thấy có sự hiện diện của trào ngược máu tĩnh mạch ở vùng trên tinh hoàn chỉ trong nghiệm pháp Valsava.
  • Độ 3: Đặc trưng bởi các mạch máu có phì đại tới cực dưới của tinh hoàn khi bệnh nhân được đánh giá ở tư thế đứng, trong khi không phát hiện thấy có giãn tĩnh mạch ở tư thế nằm ngửa. Siêu âm Doppler cho thấy rõ ràng có trào ngược máu tĩnh mạch chỉ khi làm Valsava.
  • Độ 4: Được chẩn đoán khi các mạch máu có vẻ to ra kể cả khi được khám ở tư thế nằm ngửa, đường kính tĩnh mạch tăng lên ở cả tư thế đứng thẳng và trong quá trình làm nghiệm pháp Valsava. Sau nghiệm pháp Valsava, đường kính tĩnh mạch hồi lại. Tình trạng teo tinh hoàn thường gặp trong phân độ này.
  • Độ 5: Đặc trưng bởi giãn tĩnh mạch rõ ràng ở ngay cả tư thế đứng. Siêu âm Doppler cho thấy có sự trào ngược tĩnh mạch, đặc biệt là không tăng khi làm nghiệm pháp Valsava.
Hình ảnh siêu âm Doppler màu trong giãn tĩnh mạch thừng tinh 5
Hình ảnh siêu âm Doppler màu trong giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở phân độ càng cao thì càng làm tăng nguy cơ gây vô sinh và các bất tiện khác như đau tức vùng bìu.

Bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã mang đến cho các bạn đọc nhiều thông tin liên quan đến phân độ của giãn tĩnh mạch thừng tinh, qua đó giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý này, giải đáp thắc mắc "giãn tĩnh mạch thừng tinh có mấy cấp độ?" để người bệnh phát hiện, điều trị sớm.

Xem thêm: Giãn tĩnh mạch thừng tinh 3mm có nguy cơ vô sinh không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin