Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Lượng kẽm mà cơ thể cần phần lớn sẽ được hấp thu từ chế độ ăn hằng ngày. Do đó, trong chế độ ăn mỗi ngày, bạn đừng quên thêm những thực phẩm giàu kẽm cho bé để con yêu ăn ngon miệng và phát triển tốt hơn.
Kẽm là một khoáng chất vi lượng tuy chỉ có hàm lượng khiêm tốn trong cơ thể nhưng lại vô cùng quan trọng với sức khỏe của trẻ. Kẽm hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng, tham gia vào quá trình phát triển chiều cao và trí tuệ của trẻ. Và cách bổ sung kẽm khoa học, hiệu quả, an toàn nhất chính là cha mẹ tăng cường bổ sung thực phẩm giàu kẽm cho bé trong các bữa ăn hàng ngày.
Tác dụng của kẽm đối với trẻ nhỏ thế nào? Kẽm là một vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
Không nguyên tố vi lượng nào có thể thay thế kẽm. Kẽm hỗ trợ chức năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng bởi nó có thể kích hoạt nhiều enzyme liên quan đến quá trình tiêu hóa. Khi bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, việc hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm sẽ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, có đến 70% hệ miễn dịch nằm ở đường tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng đồng nghĩa với việc trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Kẽm cần thiết cho quá trình phân chia và phát triển tế bào vì nó tham gia vào quá trình tổng hợp DNA và protein. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp tế bào phát triển và nhân lên. Điều này đặc biệt cần thiết vì trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tăng trưởng vượt trội về thể chất và trí tuệ.
Kẽm giúp duy trì và phát triển số lượng các tế bào miễn dịch, để cơ thể chống lại nhiễm trùng và các bệnh tật. Khi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, trẻ hạn chế ốm vặt hay mắc bệnh nên có thể phát triển thể chất, trí tuệ tối ưu.
Bổ sung kẽm cho bé bằng thực phẩm giàu kẽm qua chế độ ăn uống là một phương pháp an toàn, hiệu quả. Kẽm có trong cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Dưới đây là một số thực phẩm giàu kẽm mẹ có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày của bé:
Các loại thịt đỏ, phổ biến nhất là thịt bò và thịt heo rất giàu kẽm. Thịt đỏ cũng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và các mô của trẻ. Nó cũng giàu sắt heme, dễ hấp thu hơn sắt non-heme từ thực vật, giúp phòng ngừa thiếu máu. Ngoài ra, thịt đỏ còn chứa vitamin B12, vitamin B6, niacin, selenium… đều rất tốt cho cơ thể trẻ.
Các loại hải sản như hàu, cua và tôm là những loại thực phẩm giàu kẽm cho bé. Ngoài ra, hải sản còn cung cấp protein chất lượng cao giúp trẻ phát triển cơ bắp. I-ốt hỗ trợ chức năng tuyến giáp, DHA giúp tăng cường trí thông minh và tốt cho thị lực. Hải sản cũng giàu sắt, selen và vitamin nhóm B có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Trứng gà và trứng vịt đều chứa lượng kẽm đáng kể. Ngoài ra, trứng còn là nguồn protein, Vitamin B12, selen dồi dào, cung cấp các axit amin thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Chúng chứa choline giúp phát triển trí não, lutein và zeaxanthin tốt cho mắt. Trứng có hàm lượng vitamin A và D cao, hỗ trợ thị lực và giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Hạt và ngũ cốc nguyên cám cũng là các loại thực phẩm bổ sung kẽm. Hạt bí, hạt hướng dương, hạt chia và yến mạch là nguồn kẽm tự nhiên từ thực vật chất lượng. Các loại hạt trên giàu kẽm, magie, sắt giúp tăng cường sức khỏe xương và cải thiện hệ miễn dịch tổng thể của trẻ. Các loại ngũ cốc nguyên cám giàu chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa và cung cấp năng lượng lâu dài.
Các loại đậu như đậu xanh, đậu đen và đậu lăng đều là nguồn cung cấp kẽm tốt cho trẻ. Những thực phẩm giàu kẽm cho bé này còn chứa hàm lượng đáng kể protein có tác dụng hỗ trợ tăng cường cơ bắp. Sắt và folate trong các loại đậu giúp phát triển não bộ, phòng ngừa thiếu máu cho bé.
Rau chân vịt, bí đỏ và khoai tây là những loại rau củ giàu kẽm. Rau chân vịt còn chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi tổn thương. Bí đỏ không chỉ giàu kẽm mà còn cung cấp nhiều vitamin A giúp tăng cường thị lực. Khoai tây giàu vitamin C cũng tốt cho hệ miễn dịch của bé.
Chỉ lựa chọn được thực phẩm giàu kẽm thôi chưa đủ. Mẹ còn cần biết cách chế biến những thực phẩm này sao cho giá trị dinh dưỡng được giữ nguyên và phát huy tối đa tác dụng. Dưới đây là một số mẹo sử dụng thực phẩm giàu kẽm cho bé mà mẹ nên tham khảo:
Khi chế biến thịt đỏ, bạn nên hạn chế chế biến ở nhiệt độ cao và nấu trong thời gian dài. Hãy ưu tiên các phương pháp nấu như luộc, hấp, hầm. Khi chế biến hải sản, cách chế biến tốt nhất để giữ lại hàm lượng kẽm và các dưỡng chất khác chính là hấp, luộc. Chiên giòn có thể làm mất đi một phần kẽm và các chất dinh dưỡng khác trong hải sản.
Khi chế biến trứng, luộc hoặc hấp là cách chế biến đơn giản giúp giữ lại nhiều dưỡng chất nhất. Chiên trứng quá kỹ có thể làm giảm hàm lượng kẽm và các vitamin tan trong chất béo. Với các loại hạt, mẹ có thể rang nhẹ, nấu sữa hạt. Đặc biệt, một số loại hạt nếu được ngâm qua đêm sẽ loại bỏ được các chất ức chế hấp thu dưỡng chất và tăng cường khả năng hấp thu kẽm.
Để phát huy tối đa công dụng của kẽm, bạn có thể kết hợp thịt đỏ với ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt chứa phytate, có thể cản trở hấp thu kẽm. Tuy nhiên, khi kết hợp với thịt đỏ, phytate sẽ bị phân hủy một phần, giúp tăng cường hấp thu kẽm.
Thịt đỏ kết hợp với các loại rau củ giàu vitamin C (bông cải xanh, ớt chuông, cà chua…) sẽ giúp tăng cường hấp thu kẽm từ thịt. Kết hợp các loại đậu với vitamin C sẽ giúp tăng cường hấp thu kẽm từ các loại đậu. Bổ sung thực phẩm giàu probiotics sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó tăng cường hấp thu kẽm và các dưỡng chất khác.
Rõ ràng, cách bổ sung kẽm an toàn nhất là bổ sung bằng thực phẩm giàu kẽm cho bé. Do đó, bố mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé một cách thích hợp hoặc có thể bổ sung thông qua các sản phẩm tăng cường vi chất dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu trẻ vẫn còn biểu hiện nghi ngờ thiếu kẽm sau khi đã ăn uống đúng hướng dẫn trên, bạn nên cho bé đi khám, xét nghiệm định lượng kẽm để có kế hoạch điều trị, bổ sung cho bé.
Nhiều cha mẹ quan tâm đến các thực phẩm giàu kẽm cho bé vì thiếu kẽm, trẻ sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: Suy giảm miễn dịch, chậm phát triển về chiều cao và cân nặng, còi xương, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và trí nhớ của bé. Bổ sung kẽm cho bé thông qua chế độ ăn uống đa dạng và cân đối là cách tốt nhất để đảm bảo bé nhận đủ lượng kẽm cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.