Chanh leo là loại hoa quả nhiệt đới được nhiều người ưa chuộng. Hạt chanh leo có ăn được không là mối quan tâm của nhiều người. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm ra câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Chanh leo hay chanh dây là loại trái cây đặc trưng bởi vị chua thanh cùng với lớp hạt màu vàng bắt mắt. Nhiều người thường có thói quen nhai luôn cả hạt khi ăn chanh leo. Vậy hạt chanh leo có ăn được không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu về quả chanh leo
Chanh leo hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc hơn là chanh dây là loại quả của cây chi Lạc tiên. Loại trái cây này đặc trưng bởi lớp vỏ cứng bên ngoài cùng lớp ruột bên trong bao gồm lớp áo và hạt.
Chanh leo trên thế giới có nhiều chủng loại với các hình dáng và màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, chanh dây tím và chanh dây vàng là 2 loại phổ biến nhất ở nước ta.
Chanh dây tím với tên khoa học là Passiflora edulis với quả nhỏ có lớp vỏ ngoài màu tím đặc trưng.
Chanh dây vàng (Passiflora flavicarpa) có vỏ màu vàng với kích cỡ lớn hơn loại màu tím một chút.
Trước khi trả lời cho câu hỏi hạt chanh leo có ăn được không, cùng tìm hiểu những giá trị dinh dưỡng mà chanh leo mang lại nhé! Bên cạnh nguồn chất xơ dồi dào, chanh leo còn chứa hàm lượng lớn vitamin C, vitamin A cùng các hợp chất có lợi như carotenoid hay polyphenol.
Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chanh leo giàu polyphenol hơn nhiều khi so sánh với các loại trái cây nhiệt đới khác như chuối, xoài, dứa. Tuy hàm lượng sắt trong chanh leo không cao nhưng nhờ vào sự hiện diện của vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu sắt trong cơ thể.
Công dụng của chanh leo bạn nên biết
Với thành phần dinh dưỡng đa dạng, chanh leo mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho con người.
Ổn định huyết áp
Quả chanh leo có chứa axit phenolic là chất chống oxy hóa mạnh thuộc nhóm polyphenol. Khi vào cơ thể, chất này được chuyển hóa thành oxit nitric có tác dụng giãn nở mạnh máu giúp cải thiện tuần hoàn, từ đó ổn định tình trạng bệnh ở những người bị cao huyết áp.
Tăng sự vững chắc cho xương khớp
Ít người biết đến công dụng tốt cho xương khớp của chanh leo. Điều này là nhờ vào các thành phần khoáng chất như sắt, canxi, magie, phospho giúp tăng cường sức khỏe cho xương khớp. Sự hiện diện của magie trong chanh leo góp phần ngăn ngừa loãng xương và hỗ trợ cải thiện khả năng hấp thu canxi của cơ thể.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ trong hạt chanh dây giúp điều hòa nhu động ruột, bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề về đường tiêu hóa. Ngoài ra, thành phần chất xơ không hòa tan trong chanh dây còn có chức năng hỗ trợ cân bằng lợi khuẩn đường ruột.
Cải thiện sức khỏe làn da
Chanh leo có khả năng cải thiện sức khỏe làn da theo nhiều cơ chế khác nhau. Các vitamin A và vitamin C trong hạt hoạt động như một chất chống oxy hóa và tăng cường khả năng chống lại các tác nhân môi trường của làn da. Hơn nữa, tinh dầu hạt chanh dây cũng chứa nhiều axit linoleic với đặc tính kháng viêm mạnh, giúp hỗ trợ giảm mụn trứng cá hiệu quả.
Hạt chanh leo có ăn được không?
Hạt chanh leo có ăn được không là mối quan tâm của nhiều người. Điều này xuất phát từ truyền thống ăn trái cây phải loại bỏ hạt từ lâu của người Việt Nam. Thực tế thì khi cắt quả chanh dây ra, chúng ta thường không biết đâu là phần hạt đâu là phần áo hạt của nó.
Có các ý kiến của chuyên gia cho rằng dưỡng chất của chanh leo chỉ thường tập trung ở phần áo hạt, tức là lớp màng nhầy xung quanh hạt. Hạt của chanh leo cũng như bao loại khác, thường không có giá trị dinh dưỡng.
Tuy nhiên, đa số mọi người thường có thói quen ăn chanh leo thì nuốt luôn cả hạt. Trên thực tế, loại hạt này là vật liệu cứng khó tiêu. Việc nuốt nhiều hạt chanh leo có thể dẫn đến tình trạng viêm ruột thừa hoặc viêm túi ruột thừa già do cơ thể không có khả năng phân hủy loại hạt này. Thậm chí, một số người còn mắc các chứng khó tiêu, tắc ruột.
Chính vì thế, để đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn nên nhai thật kỹ các hạt của chanh leo để tránh gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa. Hoặc biện pháp tốt nhất để phòng tránh điều này là bạn nên loại bỏ sẵn hạt của chanh leo trước khi ăn.
Sai lầm cần tránh khi ăn chanh leo
Bên cạnh những quan tâm về vấn đề hạt chanh leo có ăn được không, bạn cũng cần lưu ý tránh một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn sức khỏe khi sử dụng quả chanh leo:
Người bị sỏi thận, loét dạ dày ăn chanh leo: Các thành phần axit hữu cơ có trong chanh dây có thể làm tình trạng các bệnh này thêm nghiêm trọng.
Dùng chanh leo chung với thuốc: Một vài thành phần trong chanh leo có thể làm giảm tác dụng các loại thuốc an thần, thảo dược và tăng công dụng của thuốc chống đông, dẫn đến nguy cơ xuất huyết.
Ăn chanh leo quá nhiều: Việc tiêu thụ quá nhiều chanh leo với hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng có thể gây nên các cảm giác chóng mặt, loạn nhịp tim, mệt mỏi, buồn nôn.
Dùng chanh leo khi đang đói bụng: Dù không mắc các bệnh về dạ dày, việc tiêu thụ lượng lớn axit trái cây trong chanh dây khi bụng rỗng có thể gây ra các tình trạng kích ứng tiêu hóa.
Tóm lại, chanh leo là trái cây nhiệt đới được ưa chuộng không chỉ bởi vị chua thanh, cảm giác sảng khoái của nó mà còn bởi những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà chanh leo mang lại. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý dưỡng chất chỉ nằm ở lớp áo ngoài hạt chanh leo. Hạt chanh leo không những không có giá trị dinh dưỡng mà ngược lại có thể gây nên tình trạng viêm ruột thừa nếu không được nhai kĩ trước khi xuống ruột.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn trả lời được câu hỏi liệu hạt chanh leo có ăn được không. Theo dõi thêm các bài viết mới của Nhà thuốc Long Châu để trang bị thêm kiến thức bổ ích cho sức khỏe của bạn và gia đình nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.