Điện thoại thông minh hiện nay luôn là vật bất ly thân giúp mọi người cập nhật những tin tức hay trải nghiệm trong cuộc sống của người khác. Thế nhưng việc liên tục cập nhật này sẽ khiến chúng ta mệt mỏi khi luôn lo sợ sự so sánh với cuộc sống của người khác đang được đi du lịch, thăng chức,… Đây được gọi là hiệu ứng FOMO, viết đầy đủ là Fear Of Missing Out.
Hiệu ứng FOMO là gì?
FOMO chính là nỗi sợ hãi mình đã bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang trải nghiệm. Một nghiên cứu mô tả hiệu ứng FOMO là cảm giác lo lắng, lo âu rằng mọi người xung quanh có thể có những trải nghiệm hạnh phúc và thú vị hơn bạn. Tâm lý này khiến bạn luôn cập nhật mọi thông tin về hoạt động của bạn bè hoặc người khác để xem họ đang làm gì, ở đâu.
Hiệu ứng FOMO, viết đầy đủ là Fear Of Missing Out
Tiến sĩ Dan Herman (Israel), một chuyên gia marketing và tác giả của tờ The Journal of Brand Management đã xác định hiệu ứng FOMO lần đầu vào năm 1996. Ông đã làm một số nghiên cứu và có kết luận rằng hiệu ứng FOMO có thể là một trong những lý do khiến khách hàng không còn trung thành với một thương hiệu nào đó nữa vì hiệu ứng FOMO sẽ khiến khách hàng liên tục mua sắm sản phẩm mới từ những thương hiệu mới để không bỏ lỡ những xu hướng mới mẻ, thú vị.
Ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO là gì?
Hiệu ứng FOMO mặc dù còn khá mơ hồ nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng dễ thấy được. Nếu chú ý chúng ta có thể sẽ bắt gặp hội chứng tâm lý này ở bất kỳ đâu, chẳng hạn như:
- Lãng phí thời gian vào điện thoại thông minh: Ngay cả khi đang lái xe hay làm gì khác thì bạn vẫn không muốn bỏ lỡ bất kỳ những thông tin nào của mọi người trên facebook, tik tok,... Vì vậy, bạn luôn “dán mắt” vào chiếc điện thoại để chờ đợi bài đăng của người khác hoặc một thông báo mới từ các trang mạng xã hội.
FOMO khiến bạn luôn “dán mắt” vào điện thoại
- Mất tập trung trong khi làm việc: Hiệu ứng FOMO sẽ khiến cho bạn mất tập trung hoặc ngừng việc để trả lời một cuộc điện thoại, tin nhắn hay email không liên quan hoặc không quá quan trọng.
- Bạn có thể mua một lúc nhiều món hàng mới không cần thiết: Vì bạn sợ mình có thể sẽ bỏ lỡ một sản phẩm thú vị nào đó mặc dù đồ dùng cũ của bạn vẫn có thể dùng tốt. Cảm giác lo lắng và luôn muốn mua ngay sản phẩm thời thượng được xem là dấu hiệu của hội chứng tâm lý fomo.
- Bạn sợ bỏ lỡ những điều quan trọng trong cuộc sống: Điện thoại và mạng xã hội có thể chen ngang vào cuộc họp ở công ty hoặc kể cả trong một buổi hẹn hò lãng mạn. Hiệu ứng fomo có thể khiến bạn không còn quan tâm đến mối quan hệ hay sự nghiệp, tình cảm của mình mà luôn muốn cập nhật tất cả những thông tin trên mạng xã hội.
- Đôi khi bạn chấp nhận những yêu cầu kết bạn của người lạ vì muốn có cơ hội biết thêm người mới và mở rộng mối quan hệ của mình.
- Bạn có thể hẹn hò chỉ vì để giống với những người xung quanh chứ không hẳn là vì bản thân mình cảm thấy hạnh phúc. Khi thấy tất cả mọi người xung quanh đều đang hạnh phúc trong mối quan hệ của họ, thì hội chứng FOMO có thể sẽ khiến bạn cảm thấy cần phải tìm ngay một mối quan hệ để giống mọi người.
Cách giúp giảm ảnh hưởng hiệu ứng FOMO
Tình trạng lo lắng, quan tâm quá nhiều về cuộc sống của mọi người có thể kìm hãm bạn trong cuộc sống và nghề nghiệp. Bạn hãy tìm cho mình cách giảm sự ảnh hưởng từ hiệu ứng FOMO và tránh các tác hại từ mạng xã hội bằng một số cách như sau.
- Thừa nhận hiệu ứng FOMO: Khi thừa nhận rằng bản thân mình đã quá lo lắng về việc bỏ lỡ những thứ vui vẻ đang xảy ra trên mạng xã hội có nghĩa là bạn đã thừa nhận về sự bất an của mình và sẵn sàng bắt đầu đối mặt với nó. Ảnh hưởng từ xã hội là rất lớn và không dễ mất đi. Nhưng nếu bạn có thể nhận ra những ảnh hưởng này, bạn sẽ có thể vượt qua nó dễ dàng. Vì vậy, bạn hãy thành thật với chính bản thân hơn.
- Theo dõi những suy nghĩ tiêu cực: Bạn cũng có thể thực hiện việc theo dõi các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của bản thân bằng cách viết nhật ký. Khi theo dõi được tần suất trải qua những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, bạn cần ghi lại vào nhật ký những gì đã làm khi tình trạng đó xảy ra.
Viết nhật ký giúp giảm ảnh hưởng hiệu ứng FOMO
- Bạn có thể thử thay suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
- Bạn hãy lập ra kế hoạch rời xa các thiết bị điện tử và công nghệ. Đây cũng được xem như một cách điều trị tự nhiên cho hiệu ứng FOMO. Bạn có thể dùng chế độ điện thoại không làm phiền hoặc tạm thời tắt mọi chế độ thông báo. Thêm vào đó, bạn hãy thử chuyển sang đọc sách hay làm bất cứ điều gì bạn cảm thấy dễ chịu để giảm bớt sự chú ý đến điện thoại hay mạng xã hội.
- Bạn có thể thực hành chánh niệm để giúp bản thân tập trung cao độ vào bất cứ điều gì bạn muốn làm ngay thời điểm hiện tại.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một vài biện pháp như tập tính biết ơn mọi thứ. Thay vì bạn suy nghĩ tiêu cực về những thứ bạn đang mong muốn có thì hãy tập biết ơn và hài lòng về những thứ mà bạn đang sở hữu. Khi đó, bạn sẽ tránh được suy nghĩ tiêu cực của hiệu ứng fomo. Điều này có thể mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống hiện tại.
Bài viết này giúp chúng ta hiểu hơn về hiệu ứng FOMO là gì, ảnh hưởng ra sao và cách giảm bớt ảnh hưởng như thế nào. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua tâm lý muốn theo dõi và cập nhập những điều thú vị trong cuộc sống của người khác. Từ đó, bạn sẽ có được những trải nghiệm vui vẻ và khó quên cho bản thân mình.
Phương Nhi
Nguồn tham khảo: Vinmec