Hiệu ứng placebo là gì? Tác động của hiệu ứng placebo đối với con người
Ngày 29/02/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hiệu ứng placebo là một phương pháp trị liệu bệnh dựa trên việc sử dụng các loại thuốc giả dược. Các loại thuốc này về bản chất không chứa bất cứ thành phần dược phẩm hay trị liệu nào, nhưng vẫn có thể tác động tích cực đến quá trình điều trị bệnh. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về hiệu ứng placebo nhé!
Hiệu ứng placebo là một thuật ngữ được biết đến và sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, sức khỏe. Hiệu ứng này diễn ra khi chúng ta cảm nhận được những tác động cụ thể của một phương pháp điều trị bệnh, mà về cơ bản, phương pháp này không có thành phần hay hoạt chất chữa bệnh.
Hiệu ứng placebo là gì?
Hiệu ứng placebo hay còn được gọi là hiệu ứng giả dược. Tương tự với tên gọi “giả dược”, hiệu ứng này đề cập đến việc sử dụng những thứ gắn mác dược phẩm, nhưng về bản chất hoặc thành phần lại không hề có tác dụng, tuy nhiên nó không hề vô bổ, mà vẫn có hiệu quả như một loại dược phẩm thật sự, bởi nó có tác động đến tâm trí của bạn và khiến bạn có niềm tin rằng, nó có thể chữa trị bệnh.
Hiệu ứng này được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Về cơ bản, hiệu ứng giả dược được thiết lập dựa trên ý tưởng rằng, bộ não là một cơ quan tuyệt vời có thể thuyết phục và ảnh hưởng đến cảm nhận của cơ thể. Khi mắc bệnh và được áp dụng giả dược trong điều trị, mặc dù giả dược hoàn toàn không có bất cứ thành phần dược phẩm chữa bệnh nào, nhưng chỉ cần bộ não nhận thức được rằng mình đang được chữa bệnh, khi đó cơ thể sẽ có cảm giác phục hồi và khỏe mạnh hơn.
Tác động của hiệu ứng placebo đối với con người là gì?
Ngày nay, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong những trường hợp cụ thể, áp dụng giả dược có thể đem lại hiệu quả tương đương với việc sử dụng những phương pháp điều trị truyền thống. Minh chứng rằng, trong một nghiên cứu về bệnh hen suyễn, các nhà khoa học đã đưa ra một bài kiểm tra, trong đó những người bị hen suyễn sẽ được cung cấp một ống hít giả dược, có hình dạng như ống hít, nhưng không hề có một thành phần dược phẩm hay công dụng nào. Những người tham gia kiểm tra chỉ cần ngồi yên, không làm gì và sử dụng ống hít giả dược. Cuối buổi kiểm tra, các nhà khoa học khảo sát về nhận thức của mọi người về cảm giác của họ, và thật ngạc nhiên, ống hít giả dược được những người tham gia kiểm tra, cho là có hiệu quả như thuốc và có tác dụng giảm đau.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học khác cũng đã triển khai những nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá khả năng ảnh hưởng của giả dược. Trong đó, mọi người được dùng giả dược và được cung cấp thông tin rằng, đó là một loại chất kích thích. Sau khi sử dụng thuốc, nhịp tim và huyết áp của họ bỗng tăng nhanh. Tuy nhiên, khi đưa mọi người một loại thuốc tương tự, và nói với họ rằng, đây là một loại dược phẩm giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, họ lại có những tác dụng hoàn toàn ngược lại, tim và huyết áp cũng không còn đột ngột tăng nhanh.
Như vậy, có thể thấy hiệu ứng placebo mặc dù là một phương pháp điều trị mang tính hình thức, nhưng vẫn có thể đem lại những tác động thật trong quá trình chữa trị bệnh.
Tại sao hiệu ứng placebo có tác động trong điều trị bệnh?
Cách thức tác động của hiệu ứng placebo là một vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong đó, một số kết luận về cách thức hoạt động của giả dược được lý giải trên hai góc độ chính là khoa học và tâm lý.
Về mặt khoa học
Về mặt khoa học, cách thức hoạt động của hiệu ứng placebo có thể liên quan đến một phản ứng sinh học và thần kinh cực kỳ phức tạp. Cụ thể là sự xuất hiện của những chất dẫn truyền thần kinh như endorphin và dopamine. Những chất này giúp cơ thể cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Một số thí nghiệm đã ghi nhận được rằng, khi ứng dụng hiệu ứng placebo, trong cơ thể người bệnh có sự gia tăng nồng độ endorphin trong cơ thể, một hoạt chất được xem như thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Về mặt tâm lý
Các nghiên cứu về khía cạnh tâm lý của hiệu ứng placebo chủ yếu tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí. Trong đó, một trong những lý lẽ giải thích phổ biến nhất của hiệu ứng placebo chính là dựa trên sự kỳ vọng của người bệnh. Cụ thể là khi người bệnh kỳ vọng vào một loại dược phẩm và tin vào công dụng của nó, họ sẽ thấy yên tâm và có cảm giác chúng đem lại hiệu quả chữa trị. Niềm tin này ảnh hưởng đến cách cảm nhận của cơ thể, mặc dù loại thực phẩm trên, về bản chất không có thành phần chữa bệnh nào. Do đó, có thể thấy cách thức mà hiệu ứng placebo tác động đến chúng ta là thông qua niềm tin và sự kỳ vọng. Giả dược có thể không chữa bệnh, nhưng nó làm nhen nhóm lên kỳ vọng hết bệnh và cảm giác khỏe mạnh của con người.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nghiên cứu về mối liên hệ giữa kết quả sau khi sử dụng giả dược với mức độ kỳ vọng của một người. Và kết quả là, sự kỳ vọng càng mạnh mẽ thì rất có thể những kết quả nhận lại được càng cao. Thế nhưng, phản ứng của mỗi người đối với hiệu ứng placebo có thể là khác nhau, có thể diễn ra tích cực hay tiêu cực. Và theo chiều hướng ngược lại cũng tương tự, nếu bạn có những nghi ngờ tiêu cực về một phương pháp điều trị, rất có khả năng chúng sẽ trở thành những cảm giác thực tế. Ví dụ, khi sử dụng một loại thuốc, và bạn cho rằng loại thuốc này sẽ xảy ra các tác dụng phụ là buồn nôn hay nôn thì có thể tỷ lệ xảy ra những phản ứng này sẽ cao hơn.
Tựu chung lại, hiệu ứng placebo sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn, tuy nhiên trên thực tế chúng không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh cho bạn, mà chỉ có những tác dụng nhất định trong một vài trường hợp. Chính vì nhận thức được cách tác động của hiệu ứng placebo, mà trong lĩnh vực y tế, hiệu ứng này đã được áp dụng rất nhiều bên cạnh các biện pháp điều trị truyền thống. Chúng được ghi nhận là có công dụng trong quá trình kiểm soát cơn đau, hay cải thiện chứng mất ngủ liên quan đến căng thẳng, thậm chí là kiểm soát các tác dụng phụ của các loại thuốc chữa bệnh hiểm nghèo như buồn nôn và mệt mỏi.
Tính đạo đức và trung thực của hiệu ứng placebo
Bởi vì là giả dược, tức là đưa những thông tin không đúng sự thật, không đúng bản chất đến với người bệnh, nên có rất nhiều thắc mắc về tính đạo đức của hiệu ứng này.
Bên cạnh công dụng đem lại sự thoải mái và cảm giác phục hồi cho người bệnh, hiệu ứng placebo có thể vô tình trì hoãn việc chẩn đoán các bệnh lý nghiêm trọng khác, khi chỉ tập trung vào việc xoa dịu và giảm bớt triệu chứng.
Về mặt tư lợi cá nhân, khi bệnh nhân không biết được nguồn gốc và bản chất của giả dược, họ có thể sẽ bị gian lận về chi phí thuốc điều trị hoặc bị lợi dụng trước những sản phẩm vô bổ gắn mác dược phẩm từ những công ty đa cấp.
Tùy theo trường hợp và bối cảnh cụ thể, mà hiệu ứng placebo có thể được xem là vi phạm tính đạo đức hay không. Giả dược nếu được vận dụng một cách hợp lý, đúng người, đúng bệnh, đúng thời điểm sẽ đem lại những hiệu quả như kỳ vọng và vẫn được xem là một liệu pháp chữa bệnh hữu hiệu.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.