Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ho liên tục kéo dài: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Ngày 16/07/2024
Kích thước chữ

Ho liên tục kéo dài là triệu chứng phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, dị ứng, hoặc các bệnh lý hô hấp nghiêm trọng hơn. Việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đúng lúc là cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa biến chứng.

Vậy ho liên tục kéo dài là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị hiệu quả để giúp bạn hiểu rõ hơn, đồng thời có hướng xử lý phù hợp.

Ho liên tục kéo dài là gì?

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi có tác nhân gây cản trở hệ hô hấp. Quá trình ho giúp đẩy các chất dịch, vi khuẩn, virus hoặc dị vật ra khỏi đường hô hấp, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài hơn 3 tuần, đây là dấu hiệu bất thường và có thể cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng.

Ho liên tục kéo dài là tình trạng người bệnh ho trong hơn 3 tuần mà không thuyên giảm. Tình trạng này được chia thành ho bán cấp (3 - 8 tuần) và ho mạn tính (trên 8 tuần). Ho liên tục kéo dài là triệu chứng không đặc hiệu, có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau.

ho-lien-tuc-keo-dai-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 1
Ho liên tục kéo dài là gì?

Nguyên nhân ho liên tục kéo dài

Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây ho liên tục kéo dài:

  • Bệnh lý đường hô hấp trên: Bao gồm viêm mũi vận mạch, viêm xoang, dị ứng và polyp mũi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ho liên tục kéo dài.
  • Hen suyễn (hen phế quản): Ho do hen suyễn thường xuất hiện vào ban đêm, khi thay đổi thời tiết hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên, thường kèm theo khó thở. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ho liên tục kéo dài.
  • Trào ngược dạ dày-thực quản: Bệnh lý này gây ho kéo dài, ho nhiều hơn khi nằm hoặc khi đói, kèm theo cảm giác đau thượng vị, nóng rát vùng xương ức, ợ hơi, và ợ chua. Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ho liên tục kéo dài.
  • Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Bao gồm cảm lạnh, cảm cúm, COVID-19, viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan. Một số trường hợp dù đã điều trị nhưng vẫn có thể ho liên tục kéo dài.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ACE): Đây là loại thuốc được kê đơn để điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường hoặc bệnh thận. Khoảng 15% người dùng thuốc này sẽ bị ho kéo dài.
ho-lien-tuc-keo-dai-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 2
Các bệnh lý đường hô hấp trên là nguyên nhân hàng đầu gây ho liên tục kéo dài

Các nguyên nhân khác gây ho liên tục kéo dài bao gồm:

  • Lao phổi;
  • Lao nội mạc phế quản;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);
  • Giãn phế quản;
  • Viêm tiểu phế quản;
  • Ung thư phổi;
  • Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan.

Các nguyên nhân ít gặp hơn gây ho liên tục kéo dài bao gồm:

  • Dị dạng động tĩnh mạch phổi;
  • Nhuyễn sụn khí, phế quản;
  • Phì đại amidan;
  • Tăng cảm thanh quản;
  • Trào ngược thanh quản;
  • Xơ phổi vô căn.

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ho kéo dài. Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá thụ động cũng dẫn đến ho và tổn thương phổi.

Khi nào cần đi khám bác sĩ nếu bị ho liên tục kéo dài?

Ho liên tục kéo dài không chỉ gây khó chịu mà còn làm gián đoạn giấc ngủ và gây mệt mỏi. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, ho kéo dài liên tục có thể gây ra nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, tiểu không tự chủ, thậm chí gãy xương sườn.

Nếu tình trạng ho kéo dài hơn 3 tuần, bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn bị ho có đờm, ho ra máu, ho ngày càng nặng hơn, ho về đêm, hoặc ho ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày.

ho-lien-tuc-keo-dai-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 3
Ho liên tục kéo dài hơn 3 tuần nên đi khám bác sĩ

Cách chẩn đoán và điều trị ho liên tục kéo dài

Một số trường hợp, sau khi khai thác tiền sử, triệu chứng, khám lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị ngay.

Trong những trường hợp phức tạp hơn, có thể cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây để xác định nguyên nhân gây ho liên tục kéo dài, ví dụ như:

  • Xét nghiệm máu, đờm;
  • Chụp X-quang hoặc CT scan phổi;
  • Thăm dò chức năng hô hấp;
  • Nội soi phế quản;
  • Nội soi tai mũi họng.

Khi nguyên nhân đã được xác định, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp như:

  • Ho liên tục kéo dài do viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng: Sử dụng xịt rửa mũi và thuốc steroid xịt mũi, kháng histamin.
  • Ho kéo dài do polyp mũi: Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ polyp.
  • Ho do hen phế quản: Sử dụng thuốc giãn phế quản và corticoid dạng hít, đồng thời tránh tiếp xúc với các dị nguyên.
  • Ho liên tục kéo dài do trào ngược dạ dày-thực quản: Dùng thuốc kháng acid và tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm tránh thức ăn dầu mỡ, chua cay, rượu bia, thuốc lá, đồng thời kê cao đầu khi ngủ.
  • Ho do sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Thay thế bằng nhóm thuốc khác và theo dõi tình trạng ho sau khi ngừng thuốc từ 1 đến 6 tuần.
  • Ho do viêm nhiễm đường hô hấp: Dùng kháng sinh phù hợp.
  • Ho do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Điều trị bệnh, đồng thời hỗ trợ bằng việc bỏ hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói, bụi.

Thuốc giảm ho tác động lên trung ương hoặc tác dụng tại chỗ có thể giúp giảm triệu chứng ho nhanh chóng, tuy nhiên cần sử dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Với những bệnh nhân bị ho do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, không nên dùng thuốc giảm ho vì việc ho là cần thiết để loại bỏ đờm.

Nhìn chung, khi xác định và điều trị được nguyên nhân gây ra ho, các triệu chứng ho liên tục kéo dài sẽ giảm, sau đó có thể biến mất dần.

Biện pháp khắc phục ho liên tục kéo dài tại nhà

Để giảm ho, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau, bên cạnh điều trị nguyên nhân theo hướng dẫn của bác sĩ:

  • Uống nước để làm loãng đờm: Nên chọn nước ấm, nước lọc, trà hoặc nước trái cây.
  • Sử dụng kẹo ngậm để giảm ho khan và làm dịu cổ họng.
  • Uống mật ong có thể giúp làm dịu cơn ho. Tuy nhiên, không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì nguy cơ ngộ độc.
  • Tạo độ ẩm cho không khí bằng máy tạo ẩm hoặc máy phun sương.
  • Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
ho-lien-tuc-keo-dai-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc 4
Nên tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động

Ho liên tục kéo dài không chỉ là một triệu chứng khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng của đường hô hấp. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe tối ưu. Hơn nữa, việc duy trì một lối sống lành mạnh, tránh các yếu tố nguy cơ có thể giúp ngăn ngừa ho tái phát. Đừng ngần ngại tham vấn ý kiến bác sĩ để giải quyết vấn đề này một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Ho khanho gà