Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ho gà ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 13/10/2024
Kích thước chữ

Ho gà ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ mắc phải. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là gì? Dấu hiệu nhận biết của bệnh là gì? Phương pháp điều trị và cách phòng ngừa ho gà ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn rất non yếu nên dễ mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng, trong đó có bệnh ho gà. Vậy bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là gì? Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những thông tin hữu ích xoay quanh vấn bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu về bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Ho gà ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn gram âm Bordetella pertussis gây ra. Trẻ mắc bệnh ho gà thường có biểu hiện ho dữ dội kéo dài kèm theo tiếng rít gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh thường tiến triển qua 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 6 - 20 ngày;
  • Giai đoạn tiền triệu: Kéo dài từ 1 - 2 tuần;
  • Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 1 - 6 tuần;
  • Giai đoạn phục hồi: Thường kéo dài từ 2 - 3 tuần.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy kiệt, suy hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản - phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu oxy lên não, viêm não và thậm chí là tử vong. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là gì?

Ho gà ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 1
Ho gà ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp

Nguyên nhân gây ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Tác nhân trực tiếp gây ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là vi khuẩn gram âm Bordetella pertussis. Loại vi khuẩn này có sức đề kháng yếu nên rất khó sinh sống và sẽ chết trong vòng 1 giờ dưới tác động của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hoặc thuốc sát khuẩn.

Khi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh thì chúng sẽ bám vào lông mao, sau đó sản sinh và giải phóng ra độc tố gây tổn thương, viêm nhiễm cũng như hoại tử phần lông mao này. Các tổ chức hoại tử sẽ giải phóng ra một chất kích thích cực độ đường hô hấp là histamin, từ đó gây ra các cơn ho dữ dội và kéo dài.

Con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là lây qua đường hô hấp hoặc từ giọt nước bọt của người mang bệnh bắn phải do hắt hơi, ho, nói chuyện… Bệnh lý này thường tiến triển nhanh, chỉ sau khoảng 2 tuần khi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào cơ thể thì trẻ bắt đầu có các dấu hiệu sốt, hắt hơi.

Ho gà ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 2
Vi khuẩn gram âm Bordetella pertussis là nguyên nhân gây ra bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Ho gà ở trẻ sơ sinh có triệu chứng gì?

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh thường giống với bệnh cảm lạnh thông thường như đau họng, ho, sốt nhẹ… Tuy nhiên, các cơn ho gà ở trẻ sơ sinh thường kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện sau khoảng 2 tuần kể từ khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với vi khuẩn Bordetella pertussis, đôi khi thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài đến 3 tuần.

Trẻ sơ sinh bị bệnh ho gà sẽ bị ho liên tục và kéo dài, từ đó khiến bé bị kiệt sức do sức đề kháng của cơ thể còn non yếu chưa đủ khả năng chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà có thể mắc phải một số triệu chứng khác như:

  • Thở rít;
  • Mệt mỏi;
  • Nôn ói;
  • Chảy nước mắt, nước mũi…

Cơn ho dai dẳng khiến trẻ đỏ bừng mặt hoặc tím tái cả người, thậm chí là dẫn đến suy hô hấp và tử vong do ngạt thở. Vì vậy, nếu nghi ngờ hoặc nhận thấy trẻ sơ sinh bị ho gà thì cha mẹ nên cho bé nhập viện càng sớm càng tốt để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ho gà ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 3
Sốt là một trong các triệu chứng của bệnh ho gà

Phương pháp điều trị bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Thông thường, sau khi trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc bệnh ho gà, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh có sẵn nhằm điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, việc điều trị bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh bằng thuốc kháng sinh sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất khi sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, nghĩa là trước khi xuất hiện các cơn ho. Hơn nữa, việc phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc kháng sinh sẽ ngăn chặn bệnh ho gà tiến triển nghiêm trọng hơn, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh cho người xung quanh.

Bên canh đó, một số trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà cần phải được điều trị và chăm sóc tại bệnh viện. Bởi sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn non yếu nên trẻ có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nguy hiểm như khó thở, ngừng thở, thiếu oxy hay mất nước. Mặt khác, khi được điều trị trong bệnh viện bởi các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh sẽ được nhân viên y tế hút sạch đờm giúp thông thoáng đường thở, hơi thở sẽ được theo dõi chặt chẽ và được truyền oxy ngay lập tức nếu cần. Nếu trẻ sơ sinh có dấu hiệu mất nước hoặc gặp vấn đề về ăn uống thì có thể được truyền dinh dưỡng vào đường tĩnh mạch để giúp bé có đủ sức khỏe chống lại bệnh tật.

Biện pháp phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp tốt nhất để giúp trẻ sơ sinh phòng ngừa hiệu quả bệnh ho gà. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều loại vắc xin có chứa thành phần giúp ngăn ngừa bệnh ho gà, chẳng hạn như:

  • Vắc xin 3 trong 1 Adacel;
  • Vắc xin 3 trong 1 Boostrix;
  • Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim;
  • Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim;
  • Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa hoặc Hexaxim.

Trong đó, vắc xin 5 trong 1 Pentaxim, vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ) hoặc Hexaxim (Pháp) được sử dụng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ có chứa thành phần ho gà vô bào. Vắc xin 6 trong 1 giúp phòng ngừa cả 6 bệnh nguy hiểm đối với trẻ, trong đó có ho gà, nên thường được khuyến khích vì tính tiện lợi.

Infanrix Hexa (6 trong 1) được chỉ định cho trẻ sinh đủ tháng tròn 6 tuần tuổi với lịch tiêm như sau:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên khi trẻ tròn 6 tuần tuổi. 
  • Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 01 tháng sau mũi 2.
  • Mũi 4: 12 tháng sau mũi 3.

Vắc xin Hexaxim (6 trong 1) được chỉ định tiêm cho trẻ tròn 6 tuần tuổi sinh đủ tháng với phác đồ như sau:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên khi trẻ tròn 6 tuần tuổi. 
  • Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 01 tháng sau mũi 2.
  • Mũi 4: 12 tháng sau mũi 3. 
Ho gà ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 4
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất giúp trẻ sơ sinh phòng ngừa bệnh ho gà

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh bằng cách:

  • Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ không gian sống, đảm bảo độ thông thoáng cũng như có đủ ánh sáng mặt trời trong phòng ốc.
  • Vệ sinh đồ dùng các nhân của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn hàng ngày.
  • Quần áo và khăn lau của trẻ cần được giặt giũ sạch sẽ và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
  • Chế độ ăn uống của người mẹ cần đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng để có nguồn sữa mẹ chất lượng giúp trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Khi các cặp đôi có dự định mang thai thì mẹ nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến nghị của bác sĩ nhằm tăng cường sức đề kháng cho bé.
  • Cho trẻ sơ sinh đi thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Người thân và người chăm sóc trẻ cần thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc khi có dịch bệnh bùng phát.

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh. Đây là một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng và cần thiết. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin