Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng phế quản là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp trong hội chứng phế quản

Ngày 13/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng phế quản là một hội chứng rất phổ biến, gặp trong hầu hết các bệnh lý về đường hô hấp. Chính vì vậy, nắm được những triệu chứng thường gặp trong hội chứng này giúp bạn phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về đường hô hấp hiệu quả. Và nếu như bạn đang quan tâm về chủ đề này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây.

Các bệnh lý hô hấp là nhóm bệnh chiếm tỷ lệ cao trong số các trường hợp điều trị nội trú tại các bệnh viện, đặc biệt là trẻ em và người già. Hội chứng phế quản là hội chứng xuất hiện trong hầu hết các bệnh lý hô hấp. Vậy hội chứng phế quản là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng phế quản là gì? Hãy tìm hiểu ngay bài viết sau đây của chúng tôi.

Hội chứng phế quản là gì?

Bình thường, đường thở (bao gồm khí quản, phế quản) thông thoáng để dễ dàng dẫn khí ra vào phế nang. Khi lòng phế quản bị hẹp lại do các nguyên nhân như viêm nhiễm, co thắt, phù nề hay bị chèn ép… gây nên hội chứng phế quản.

Hội chứng phế quản bao gồm các dấu hiệu X - quang trực tiếp hay gián tiếp diễn tả:

  • Sự giãn nở của lòng phế quản.
  • Sự dày lên của thành khí phế quản.
  • Sự tắc nghẽn hoàn toàn hay không hoàn toàn của lòng phế quản.

Bình thường, trên hình ảnh X - quang, phế quản bình thường không thể thấy được. Khi xuất hiện các bệnh lý gây tổn thương phế quản, xuất hiện các hình ảnh bệnh lý trên phim X - quang như:

  • Thành phế quản dày có hình ảnh đường ray xe lửa.
  • Khi các phế nang bao quanh không còn thông khí tạo nên hình ảnh “khí ảnh nội phế quản”.
  • Khi khí quản bình thường bị lấp đầy bởi các chất nhầy, mủ, tạo nên hình ảnh “hình găng tay” hay “hình ruban”.
Hội chứng phế quản là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp trong hội chứng phế quản Hội chứng phế quản là hội chứng phổ biến trong các bệnh lý hô hấp

Triệu chứng lâm sàng gặp trong hội chứng phế quản

Trên lâm sàng, hội chứng phế quản thể hiện qua các triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể:

Triệu chứng cơ năng

Tùy theo từng bệnh lý tại phế quản, người bệnh sẽ có những triệu chứng cơ năng khác nhau. Người bệnh có thể gặp một trong các triệu chứng sau: Ho, khạc đờm hoặc máu, đau ngực và khó thở. Tuy nhiên, không phải ở mọi bệnh nhân đều xuất hiện đầy đủ tất cả các triệu chứng này và triệu chứng này có thể trội hơn triệu chứng kia.

Triệu chứng thực thể

Trong các bệnh lý tại phế quản, bác sĩ chủ yếu chủ yếu phát hiện bệnh bằng nghe phổi. Nhìn, sờ, gõ phổi có thể bình thường hoặc thay đổi tùy theo từng bệnh lý phế quản.

Lồng ngực người bệnh có thể bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp giãn phế nang trong một số bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… sẽ gõ vang và lồng ngực có thể bị biến dạng (lồng ngực hình thùng, lồng ngực hình phễu…).

Nghe thấy tiếng ran phế quản là triệu chứng quan trọng và quyết định của hội chứng phế quản. Trong hội chứng phế quản có thể xuất hiện các loại ran sau tùy từng loại bệnh:

  • Ran khô (ran ngáy, ran rít): Đây là ran đặc trưng của hội chứng phế quản co thắt như hen phế quản, viêm phế quản.
  • Ran ẩm: Đây là ran đặc trưng của hội chứng phế quản ùn tắc như viêm phế quản, viêm phổi.
  • Ran rít khu trú thường xuyên ở một vùng: Đây là ran đặc trưng của hội chứng phế quản chít hẹp.

Các tiếng ran bệnh lý trên phát hiện được khi nghe phổi, chúng có vai trò quyết định trong chẩn đoán hội chứng phế quản trên lâm sàng. Tuy nhiên, đặc điểm của triệu chứng khi nghe phổi thay đổi tùy theo nguyên nhân gây hội chứng phế quản. Chính vì vậy, để chẩn đoán bệnh chính xác, cần chụp phổi và dựa vào các phương pháp phương pháp cận lâm sàng khác.

Hội chứng phế quản là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp trong hội chứng phế quản Nghe thấy tiếng ran phế quản là triệu chứng quyết định hội chứng phế quản

Triệu chứng cận lâm sàng của hội chứng phế quản

Tùy theo nguyên nhân và bệnh lý mắc phải, biểu hiện trên lâm sàng khác nhau.

X quang

X quang không phải phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh phế quản, tuy nhiên dùng để phân biệt với các bệnh lý thuộc nhu mô phổi và màng phổi. X quang có thể bình thường hay thấy hội chứng phế quản với những hình ảnh sau:

  • Hình ảnh dày thành phế quản: Thấy các phế quản phân thùy (đường kính từ 3 - 7mm) có hiện tượng dày lên, có thể thấy hình ảnh đường ray xe điện hay hình nhẫn.
  • Hình ảnh các mạch máu tăng đậm ở cả 2 bên trường phổi.
  • Các hình ảnh trên có thể phối hợp với nhau, kèm theo viêm phổi bội nhiễm tạo nên hình ảnh phổi bẩn, thường gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hội chứng phế quản là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp trong hội chứng phế quản X quang giúp chẩn đoán phân biệt bệnh phế quản với bệnh lý khác tại phổi

Đo chức năng hô hấp

Trong các bệnh lý phế quản, khi đo chức năng hô hấp (thăm dò thông khí phổi), có thể gặp rối loạn thông khí tắc nghẽn hồi phục (gặp trong hen phế quản), hoặc rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục (gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Phương pháp này giúp chẩn đoán phân biệt bệnh, từ đó có hướng xử trí phù hợp với từng bệnh.

Nguyên nhân gây hội chứng phế quản

Có nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng phế quản, sau đây là những nguyên nhân thường gặp nhất.

Hen phế quản

Các triệu chứng gặp trong hen phế quản bao gồm:

  • Lâm sàng: Người bệnh có tiền sử gia đình có người bị hen dị ứng, khó thở ra chậm, tiếng thở rít. Cơn khó thở có thể tự cắt hoặc sau khi dùng các thuốc giãn phế quản. Cuối cơn khó thở, người bệnh thường ho khạc đờm nhiều, màu trắng, quánh và dính.
  • Khám phổi: Trong cơn hen, lồng ngực giãn nở, rung thanh có thể bình thường hoặc giảm, gõ phổi vang. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy lan tỏa cả 2 bên trường phổi.
  • X quang: Có hình ảnh giãn phổi cấp (trong cơ hen phổi tăng sáng, các khoang liên sườn giãn rộng, cơ hoành hạ thấp, ngoài cơn hen phổi trở về bình thường).
  • Xét nghiệm đờm: Có nhiều bạch cầu ái toan và nhiều tinh thể Charcot - Leyden.
  • Đo chức năng hô hấp: Có rối loạn thông khí tắc nghẽn có hồi phục.

Viêm phế quản

Tùy vào tình trạng cấp tính hay mạn tính mà người bệnh có những triệu chứng khác nhau:

  • Viêm phế quản cấp: Xảy ra cấp tính, kéo dài từ 2 - 3 tuần. Người bệnh có thể có sốt, ho, tức ngực, khạc đờm. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy, ran ẩm. Khi khỏi bệnh hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng gì.
  • Viêm phế quản mạn tính: Là bệnh lý tăng tiết nhầy cây phế quản, ho và khạc đờm xảy ra ít nhất 3 tháng/năm và ít nhất 2 năm liên tiếp, đã loại trừ lao và các bệnh lý tại phổi khác.
  • Lâm sàng: Diễn biến từng đợt và nặng hơn vào mùa đông. Đợt bùng phát có thể có ho, sốt, khạc đờm mủ và khó thở. Có thể có triệu chứng của suy tim phải.
  • Nghe phổi: Có ran rít, ran ngáy, ran ẩm tập trung ở nền phổi và rốn phổi.
  • X quang: Có hình ảnh phổi bẩn.
  • Đo chức năng hô hấp: Có thể có rối loạn thông khí tắc nghẽn hay rối loạn thông khí hỗn hợp không hồi phục.
Hội chứng phế quản là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp trong hội chứng phế quản Viêm phế quản là một nguyên nhân thường gặp nhất gây hội chứng phế quản

Giãn phế quản

Bệnh có thể do bẩm sinh hay do mắc phải. Biểu hiện:

  • Lâm sàng: Người bệnh ho khạc đờm hay ho ra máu. Đờm thường nhiều vào buổi sáng, từ vài chục tới vài trăm ml, có thể trên 300 ml/ngày. Để trong cốc thủy tinh lắng lại thành 3 lớp, từ trên xuống dưới lần lượt là bọt, dịch nhầy và mủ.
  • Khám phổi: Nghe thấy ran ẩm, ran nổ cố định ở 2 bên nền phổi. Trong đợt bùng phát có thể nghe thấy ran rít, ran ngáy, ran nổ, ran ẩm…
  • X - quang: Có thể thấy hình ảnh giãn phế quản như hình ống, hình chùm nho, hình túi. Để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ thường chỉ định thêm cắt lớp vi tính.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng phế quản, nắm được những nguyên nhân cũng như các triệu chứng gặp trong hội chứng phế quản, từ đó có cho mình những kiến thức giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Thaythuocvietnam.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin