Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa

Ngày 02/09/2024
Kích thước chữ

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là tình trạng trẻ sơ sinh mang những dấu hiệu bất thường ngay từ khi sinh ra. Nguyên nhân chính là do người mẹ bị mắc bệnh thủy đậu trong thời kỳ mang thai. Vậy hội chứng thủy đậu bẩm sinh có nguy hiểm không? Phòng ngừa hội chứng này bằng cách nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về thủy đậu bẩm sinh qua bài viết này nhé.

Thủy đậu hay bệnh trái rạ là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở mọi lứa tuổi. Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra và lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tiếp xúc với giọt bắn, bọng nước của người bệnh.

Mặc dù nhiều người cho rằng thủy đậu là bệnh thường gặp và không quá nguy hiểm. Nhưng thực tế, bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng khôn lường, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Nếu mẹ bầu mắc bệnh trong những tháng đầu thai kỳ, thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, thậm chí tử vong. Trong đó, phải kể đến nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Thế nào là hội chứng thủy đậu bẩm sinh?

Thủy đậu có thể gặp ở bất cứ ai, nhất là những người có miễn dịch yếu như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai. Dù tỷ lệ mắc thủy đậu trong thai kỳ không phải mức quá cao so với người bình thường, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn.

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa 1
Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền virus sang thai nhi

Mẹ bầu bị thủy đậu thường có diễn biến bệnh nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai, hư thai, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm cầu thận, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát, thai nhi sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh, thậm chí đe dọa tính mạng nếu bệnh diễn tiến nặng.

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là một rối loạn hiếm gặp ở trẻ sơ sinh được sinh ra bởi người mẹ từng nhiễm thủy đậu trong thời kỳ mang thai. Một số nghiên cứu đã cho thấy, cứ khoảng 1373 phụ nữ mang thai mắc thủy đậu trong 20 tuần đầu thai kỳ thì có tới 9 trẻ sơ sinh bị thủy đậu bẩm sinh. Trong đó, nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh xảy ra cao nhất ở những thai phụ bị thủy đậu từ tuần 13 đến tuần 20.

Nguyên nhân gây ra hội chứng này chính là do thai nhi bị lây nhiễm virus thủy đậu từ mẹ hoặc do nhiễm trùng trong hoặc sau khi sinh con. Trong giai đoạn đầu và giữa thai kỳ, hệ thống miễn dịch của thai nhi chưa trưởng thành nên không có khả năng chống lại virus xâm nhập và gây ra hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Đối với những người đã từng bị thủy đậu hoặc đã tiêm vắc xin thủy đậu thì cơ thể sẽ có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai sẽ không phải quá lo lắng về nguy cơ mắc bệnh cũng như biến chứng của bệnh đối với mẹ bầu và thai nhi.

Dấu hiệu và nguyên nhân gây ra hội chứng thủy đậu bẩm sinh

Các dấu hiệu của hội chứng thủy đậu bẩm sinh thường xuất hiện ngay từ khi trẻ sinh ra. Tùy vào thời điểm mẹ nhiễm bệnh cũng như từng trường hợp mà phạm vi và mức độ biểu hiện cũng khác nhau. Trẻ sơ sinh bị thủy đậu bẩm sinh thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Trẻ có cân nặng nhỏ hơn so với mức trung bình.
  • Trẻ có bất thường trên da như sẹo dày, da cứng, da đỏ và viêm,...
  • Một số bất thường khác trên cơ thể như dị tật đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, teo cơ, biến dạng chi, co giật, bại não,...
Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa 2
Hình ảnh trẻ bị thủy đậu bẩm sinh

Ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, trẻ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh cần được chẩn đoán chính xác thông qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng để có hướng điều trị phù hợp. 3 phương pháp chẩn đoán phổ biến gồm:

  • Xác định nguy cơ và xét nghiệm PCR: Khi xác định thai nhi có nguy cơ cao về hội chứng thủy đậu bẩm sinh, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm PCR máu hoặc nước ối để xác định sự tồn tại của DNA virus thủy đậu. Xét nghiệm này có thể thực hiện từ tuần 17 đến tuần 21 của thai kỳ.
  • Siêu âm đánh giá hình thái thai nhi: Việc này có thể thực hiện sau 5 tuần từ thời điểm mẹ bầu bị mắc thủy đậu. Phương pháp này nhằm đánh giá phát triển và các bất thường của thai nhi và có thể được lặp lại khi thai được 22 đến 24 tuần. Trường hợp kết quả siêu âm lặp lại có nghi ngờ, bác sĩ sẽ tư vấn về nguy cơ mắc bệnh của thai nhi dựa trên tiền sử bệnh của người mẹ.
  • Xét nghiệm PCR trẻ sơ sinh: Sau sinh, bác sĩ có thể dựa vào dấu hiệu bất thường cũng như tiền sử bị thủy đậu của mẹ để chỉ định xét nghiệm PCR trẻ sơ sinh.
Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa 3
Siêu âm hình thái thai nhi ở mốc 22 tuần đến 24 tuần rất quan trọng

Biến chứng nguy hiểm do hội chứng thủy đậu bẩm sinh

Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh là rất nhỏ nhưng hậu quả mà nó gây ra đối với trẻ sơ sinh lại rất nghiêm trọng. Một số biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị thủy đậu bẩm sinh gồm:

  • Tiên lượng thấp, tỷ lệ tử vong cao và thường do trào ngược dạ dày, viêm phổi và suy hô hấp.
  • Khoảng 30% trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm bệnh Zona (giời leo) trong tháng đầu sau sinh.

Biện pháp điều trị và phòng ngừa hội chứng thủy đậu bẩm sinh

Trẻ sơ sinh bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh có thể được điều trị theo những cách dưới đây:

  • Trường hợp trẻ có dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng, bác sĩ thường chỉ định sử dụng Acyclovir đường tiêm tĩnh mạch. Thời gian điều trị sẽ tùy từng trường hợp khác nhau dựa vào hiệu quả kiểm soát sự nhân lên của virus cũng như tình trạng hình thành tổn thương da mới và kết quả PCR âm tính.
  • Trường hợp trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm từ mẹ từ 5 đến 2 ngày trước sinh, bác sĩ thường chỉ định tiêm Globulin miễn dịch virus (VZIG) hoặc Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) ngay sau khi trẻ chào đời hoặc sau khi mẹ xuất hiện các triệu chứng thủy đậu. Trong thời gian đầu sau sinh, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và tiếp tục điều trị sớm bằng Acyclovir đường tiêm tĩnh mạch nếu nhiễm thủy đậu đột phát.

Như đã đề cập ở trên, biến chứng do thủy đậu bẩm sinh ở trẻ là vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, việc phòng ngừa thủy đậu trong thai kỳ là rất quan trọng. Để tránh mắc bệnh thủy đậu khi mang thai, người phụ nữ cần thực hiện theo những cách sau:

  • Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh thủy đậu trước khi mang thai.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh thủy đậu, zona.
  • Thường xuyên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, đặc biệt những nơi đang có dịch thủy đậu trong cộng đồng.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng khoa học giúp tăng miễn dịch cho cơ thể.
Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa 4
Tiêm vắc xin trước khi mang thai là cách phòng hội chứng thủy đậu bẩm sinh hiệu quả nhất

Trên đây là một số thông tin về bệnh thủy đậu và hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích về cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Để phòng ngừa thủy đậu cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trước khi có kế hoạch mang thai để có thai kỳ khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin