Thuốc đặt hậu môn là loại thuốc được bào chế đặc biệt dưới dạng thuốc đạn để đặt ở hậu môn, trực tràng nhằm tác động trực tiếp đến cơ thể. Sử dụng và nghe đến thuốc đặt hậu môn đã lâu nhưng liệu bạn đã biết cách bảo quản thuốc đặt hậu môn chưa?
Cách bảo quản thuốc đặt hậu môn có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc cũng như hiệu quả của thuốc. Nếu thuốc bị mềm hoặc thất thoát gel, dung dịch bên trong sẽ rất khó để đặt thuốc và hiệu quả cũng giảm đáng kể.
Thuốc đặt hậu môn là thuốc gì?
Trước khi đi sâu hơn để tìm hiểu cách bảo quản thuốc đặt hậu môn bạn cũng cần biết thế nào là thuốc đặt hậu môn và có những loại thuốc đặt hậu môn nào. Thuốc đặt hậu môn là cụm từ dùng để chỉ viên thuốc được thiết kế dạng thuốc đạn với phần đầu thuôn dần, bên trong là gel hoặc dung dịch thuốc đặc chế để đặt vào hậu môn.
Các loại thuốc đặt hậu môn trên thị trường hiện nay rất đa dạng bởi không chỉ có tác dụng tại chỗ, nhanh chóng mà thuốc còn phát huy hiệu quả lâu dài, góp phần điều trị bệnh lý. Thuốc đặt hậu môn được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó có những loại nổi bật và thường dùng nhất là:
Thuốc đặt hậu môn hạ sốt: Loại thuốc này thường có thành phần hạ sốt Paracetamol an toàn cho cả người lớn và trẻ em, phát huy hiệu quả hạ sốt trong 15 - 30 phút sau khi đặt thuốc. Trẻ có thể dùng lại thuốc hạ sốt dạng này sau 4 giờ (trẻ bình thường) và 8 giờ (trẻ bị suy thận).
Thuốc đặt hậu môn trị táo bón: Dạng thuốc đặt hậu môn này có tác dụng tại chỗ, làm mềm phân và giúp các cơ xung quanh hậu môn dễ dàng giãn nở hơn, từ đó kích thích cảm giác buồn đi đại tiện của cơ thể, xử lý nhanh tình trạng táo bón.
Thuốc đặt hậu môn chữa thấp khớp: Hiện nay, nhiều người bệnh thấp khớp không đáp ứng điều trị bằng thuốc uống hoặc người viêm loét dạ dày tá tràng không uống được thuốc kháng viêm không chứa steroid nên cũng được chuyển dần sang sử dụng thuốc đặt hậu môn.
Thuốc đặt hậu môn trị bệnh trĩ: Thành phần có trong thuốc đặt hậu môn trị bệnh trĩ thường là hoạt chất kháng viêm chuyên dụng corticosteroid làm cho thành mạch ở hậu môn co lại, giảm lưu thông máu nên hạn chế được các cơn đau buốt, chảy máu, sưng tấy,... do bệnh trĩ gây nên.
Bên cạnh 3 loại thuốc đặt hậu môn chính nêu trên còn có một vài dạng thuốc đặt hậu môn khác như thuốc đặt để chữa ho hoặc bổ sung nội tiết tố,... Hầu hết các loại thuốc đặt đều có cách bảo quản thuốc đặt hậu môn tương tự nhau bởi bản chất và cơ chế hoạt động tương đồng nên nếu bạn chưa biết bảo quản thuốc thế nào cho đúng thì hãy tiếp tục theo dõi thông tin sau từ Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.
Thuốc đặt hậu môn dùng trong trường hợp nào?
Như bạn đã biết, thuốc đặt hậu môn không đa dạng công dụng như các dạng thuốc viên, thuốc bôi,... khác nên đối tượng sử dụng thuốc đặt hậu môn cũng không quá rộng. Thực tế, không phải tất cả bệnh nhân đều có thể dùng thuốc đặt hậu môn.
Bác sĩ luôn khuyến cáo sử dụng thuốc đường uống để điều trị bệnh bởi tính tiện dụng và hiệu quả, không cần phức tạp trong khâu đặt thuốc nhưng với một số trường hợp sau, thuốc đặt hậu môn là giải pháp cần ưu tiên hàng đầu.
Dạng thuốc viên, thuốc uống hoặc thuốc dung dịch không dung nạp được hoặc bị phá hủy ngay khi đến hệ tiêu hóa, không hấp thụ được vào trong máu.
Người bệnh không nuốt được thuốc đường uống.
Người bệnh có biểu hiện nôn ói, buồn nôn khi uống thuốc, không thể nuốt được thuốc.
Người bệnh khó chịu, mẫn cảm với mùi vị của thuốc uống.
Với những trường hợp nêu trên bác sĩ thường kê đơn thuốc đặt hậu môn để sử dụng thay thuốc uống hoặc kết hợp với thuốc uống để có hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh sốt cao trên 38.5 độ C cũng được khuyến khích dùng thuốc đặt hậu môn để hạ sốt nhanh mà không cần cho bé uống thuốc làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Cách bảo quản thuốc đặt hậu môn có khó không?
Nếu các loại thuốc khác bạn có thể bảo quản ở bất cứ mức nhiệt độ nào thì thuốc đặt hậu môn lại yêu cầu nhiệt độ bảo quản khắt khe hơn đấy. Cách bảo quản thuốc đặt hậu môn cần tập trung vào nhiệt độ và độ ẩm nơi bảo quản để hạn chế tối đa tình trạng viên thuốc bị mềm không đặt vào hậu môn được, gel và dung dịch trong thuốc thoát ra ngoài, thuốc giảm tác dụng,...
Tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo lắng bởi cách bảo quản thuốc đặt hậu môn tuy cần chú ý hơn thuốc thông thường nhưng không quá phức tạp đâu nhé. Bạn chỉ cần đảm bảo nhiệt độ nơi cất trữ thuốc luôn dưới 30 độ C. Một số loại thuốc đặt hậu môn đặc biệt hơn có thể yêu cầu bảo quản ở nơi từ 2 - 8 độ C nhằm giữ thuốc luôn ở trạng thái tốt nhất, đủ cứng để đặt vào trực tràng.
Khi bạn mua thuốc đặt hậu môn, việc đầu tiên bạn cần làm là đọc thông tin trên bao bì thuốc để xác định nhiệt độ bảo quản tốt nhất theo tư vấn của nhà sản xuất. Nếu thuốc không ghi bạn nên hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ tại đó để được biết thêm thông tin cần thiết về cách bảo quản thuốc đặt hậu môn. Nếu bác sĩ kê đơn người bệnh dùng 1/2 viên thuốc đặt hậu môn bạn hãy dùng dao lam để cắt đôi viên thuốc, một nửa đem sử dụng và bảo quản một nửa còn lại trong ngăn riêng của tủ lạnh.
Trong trường hợp thuốc đặt hậu môn bị mềm khi sử dụng bạn có thể xử lý nhanh bằng cách đặt viên thuốc trong ngăn mát tủ lạnh 10 - 15 phút và thuốc sẽ cứng lại nhanh thôi. Bên cạnh đó, khi dùng thuốc đặt hậu môn người bệnh nên để thuốc ở ngăn riêng trong tủ lạnh hoặc để vào hộp kín trước khi bảo quản trong tủ lạnh để tránh mùi từ thực phẩm khác hoặc vi khuẩn trong tủ lạnh bám vào thuốc dẫn đến viêm nhiễm, nhiễm trùng hậu môn, viêm trực tràng, viêm đường ruột,...
Hy vọng qua những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc biết cách bảo quản thuốc đặt hậu môn hiệu quả, đúng cách và an toàn. Trong quá trình dùng thuốc đặt hậu môn nếu nhận thấy biểu hiện như đau bụng, dị ứng da, nổi mẩn đỏ trên da, buồn nôn, chướng bụng,... bạn cần dừng ngay và thông tin đến bác sĩ điều trị, kê đơn để được hướng dẫn cách xử lý hiệu quả, kịp lúc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.