Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hướng dẫn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày

Ngày 16/05/2023
Kích thước chữ

Chất đạm là một thành phần quan trọng trong cấu trúc của các tế bào trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống và phát triển của cơ thể, đặc biệt là đối với sự phát triển của cơ thể và não bộ ở trẻ em. Nhu cầu về chất đạm ở trẻ em sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Bài viết dưới đây Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày nhé!

Các mẹ bỉm thường gặp khó khăn trong việc xác định lượng thịt phù hợp cho con. Ăn quá nhiều hoặc quá ít chất đạm đều có thể gây nguy hiểm. Đồng thời, đạt được sự cân bằng giữa chất xơ và chất đạm là một thách thức đối với các mẹ. Sau đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn bạn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày nhé!

Vai trò của chất đạm đối với sức khỏe của trẻ

Chất đạm (protein) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn ăn dặm. Các vai trò cụ thể của chất đạm bao gồm:

  • Hình thành và duy trì tế bào: Chất đạm tham gia vào quá trình hình thành, duy trì và thay thế các tế bào trong cơ thể, đảm bảo sự phát triển và tái tạo của các mô, cơ quan.
  • Chức năng men và nội tiết: Chất đạm cũng có vai trò như một loại men và nội tiết tố, tham gia vào các quá trình sinh học quan trọng và điều hòa các chức năng trong cơ thể.
  • Cung cấp năng lượng: Chất đạm cung cấp năng lượng cho cơ thể thông qua quá trình chuyển hóa.
  • Hỗ trợ hệ miễn dịch: Chất đạm giúp kích thích và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong kháng bệnh và bảo vệ sức khỏe.
  • Liên quan đến chức năng của các hệ thống cơ thể: Chất đạm có liên quan đến mọi chức năng của cơ thể, bao gồm hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và hệ thần kinh.
Hướng dẫn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày 1
Chất đạm rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ

Vì vậy, việc bổ sung chất đạm trong chế độ ăn của trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn ăn dặm. Chất đạm sẽ giúp trẻ phát triển thể chất và não bộ một cách tốt nhất.

Nếu thiếu chất đạm, trẻ có thể gặp phải những tình trạng sau:

  • Suy dinh dưỡng nghiêm trọng: Thiếu chất đạm dẫn đến suy dinh dưỡng, trẻ không đủ nguồn năng lượng và dưỡng chất cần thiết để phát triển và duy trì sức khỏe.
  • Chậm phát triển thể chất: Thiếu chất đạm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, có thể dẫn đến chậm phát triển về chiều cao và cân nặng so với tuổi tương đồng.
  • Thiếu máu: Thiếu chất đạm cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu và hemoglobin, khiến trẻ dễ bị thiếu máu, gây mệt mỏi, suy nhược và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
  • Sức đề kháng suy giảm: Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, thiếu chất đạm làm giảm sức đề kháng của trẻ, dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật.
  • Tác động xấu đến phát triển não bộ: Thiếu chất đạm ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của não bộ, có thể gây ra các vấn đề liên quan đến học tập, tư duy và phát triển trí tuệ của trẻ.

Cách tính lượng đạm cho bé đúng cách

Cách tính lượng đạm cho bé đúng cách như sau:

  • Bé dưới 6 tháng tuổi cần khoảng 20 - 22g chất đạm mỗi ngày.
  • Bé từ 6 - 12 tháng tuổi cần khoảng 23 - 25g chất đạm mỗi ngày.
  • Bé từ 1 - 2 tuổi cần khoảng 28 - 30g chất đạm mỗi ngày.

Hàm lượng chất đạm trong 100g thực phẩm theo từng loại như sau:

  • Thịt lợn, thịt bò, thịt gà nạc có khoảng 20 - 21g chất đạm.
  • Cá, tôm (chỉ tính phần thịt) có khoảng 16 - 18g chất đạm.
  • Trứng gà/vịt có khoảng 13 - 14g chất đạm.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu chất đạm hàng ngày, trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi cần khoảng 115 - 125 g thịt mỗi ngày, và trẻ từ 1 - 2 tuổi cần khoảng 140 - 150 g thịt mỗi ngày.

Trong việc lựa chọn nguồn chất đạm cho trẻ em, đạm động vật được ưu tiên hơn vì nó có giá trị cao và chứa các axit amin thiết yếu, giúp trẻ dễ hấp thu hơn. Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, lượng chất đạm từ nguồn động vật cần nên chiếm khoảng 50 - 60% tổng lượng chất đạm cần thiết cho trẻ.

Hướng dẫn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày 2
Tùy vào độ tuổi mà lượng đạm cần cung cấp cho trẻ khác nhau

Thực phẩm giàu hàm lượng đạm

Sau khi đã tìm hiểu cách tính lượng đạm cho bé, hãy cùng Long Châu khám phá những loại thực phẩm giàu hàm lượng chất đạm nhé!

Trứng

Trứng là một nguồn thực phẩm giàu chất đạm. Một quả trứng trung bình chứa khoảng 6g protein cùng nhiều chất dinh dưỡng khác có lợi cho sự phát triển của trẻ. Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, bạn có thể sử dụng trứng cho bé. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng lòng đỏ của trứng cho bé dưới 1 tuổi, còn lòng trắng thì nên dùng cho bé từ 1 tuổi trở lên.

Cá là một nguồn thực phẩm giàu chất đạm và axit béo omega-3. Chất đạm trong cá đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển hệ cơ trong cơ thể, trong khi axit béo omega-3 có tác dụng kháng viêm, tăng cường phát triển não bộ.

Bổ sung các loại cá vào thực đơn ăn dặm của trẻ không chỉ giúp thay đổi khẩu vị mà còn tăng sự thèm ăn cho trẻ. Trong giai đoạn ăn dặm, các loại cá thường được sử dụng như cá hồi, cá ngừ và có thể chế biến thành cháo, áp chảo, làm ruốc rắc cơm và nhiều món ăn ngon khác.

Thịt gà

Thịt gà là một loại thực phẩm phổ biến, giàu vitamin B5 và protein. Mặc dù không phải là thực phẩm giàu protein nhất, thịt gà có nhiều ưu điểm như dễ ăn, dễ chế biến thành nhiều món ăn và dễ mua. Với thịt gà, bạn có thể chế biến thành ức gà luộc, hấp, hoặc áp chảo cho các bé tập ăn dặm BLW hoặc đã ăn thô tốt. Đối với các bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống, thịt gà cũng có thể được sử dụng để nấu cháo, làm súp và nhiều món ăn khác.

Hướng dẫn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày 3
Thịt gà là thực phẩm cung cấp chất đạm được nhiều bố mẹ lựa chọn cho bữa ăn của trẻ

Thịt bò

Thịt bò là một trong những thực phẩm giàu chất đạm. Ngoài ra, thịt bò còn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, canxi, kali, kẽm...

Với thịt bò, bạn có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn cho bé. Ví dụ, bạn có thể nấu cháo thịt bò kết hợp với các loại rau khác nhau, xào thịt bò với măng tây, hoặc hầm thịt bò...

Tôm

Tôm là một trong những thực phẩm giàu protein và rất dễ ăn. Ngoài ra, tôm còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như selen, omega-3, giúp phát triển não bộ cho trẻ nhỏ.

Bạn có thể cho trẻ bắt đầu ăn tôm khi trẻ được 8 tháng tuổi. Ban đầu, bạn có thể chế biến các món ăn đơn giản như cháo tôm, súp tôm. Khi bé đã ăn thô tốt, bạn có thể làm các món tôm hấp, tôm sốt chua ngọt... để làm cho bữa ăn của trẻ đa dạng hơn và kích thích sự thèm ăn của trẻ.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của nhà thuốc Long Châu về nội dung hướng dẫn cách tính lượng đạm cho bé mỗi ngày. Hy vọng rằng qua bài viết này, các bố mẹ bỉm sữa có thể áp dụng chính xác lượng đạm cần thiết cho bé mỗi ngày nhé!

Tuyết Trâm

Nguồn tham khảo: vietnamnet.vn

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin