Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sơ cứu khi bị chó mèo cắn chi tiết nhất

Ngày 04/05/2022
Kích thước chữ

Hiện nay rất nhiều gia đình nuôi thú cưng đặc biệt là chó mèo. Mặc dù được thuần hòa nhưng tỉ lệ bị chó mèo cắn vẫn còn cao. Vậy cách sơ cứu khi bị chó mèo cắn thế nào? Khi nào cần tiêm phòng dại? Khi nào cần đi bệnh viện? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bạn nhé!

Khi bị chó mèo cắn, vết thương có lẽ không quá sâu, không quá đau, nhưng điều tất cả chúng ta đều lo lắng là có cần tiêm phòng dại không? Bởi một khi đã khởi phát triệu chứng dại, nguy cơ tử vong rất cao. Vậy sơ cứu khi chó mèo cắn thế nào, sau đó lại phải theo dõi vấn đề gì? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây!

Các bước sơ cứu khi bị chó mèo cắn  

Khi bị chó mèo cắn bạn hãy bình tĩnh sơ cứu theo các bước trình tự dưới đây:

  • Ngay lập tức rửa sạch vết cắn bằng cách hứng dưới vòi nước trực tiếp hoặc lấy nước sạch xối theo chiều thẳng đứng sao cho máu và chất bẩn trôi sạch.
  • Rửa tay sạch và lấy tay nặn máu ra hết.
  • Lấy bông sạch nhúng Povidone-iodine (PVP - I) hoặc Betadine, nếu không có sẵn thì dùng nước muối NaCl 0,9% hoặc tự pha bằng muối ăn để rửa sạch vết thương, lau khô rồi dùng một miếng bông gạc mới tinh che phủ vết thương.
  • Cố định lớp bỗng gạc bằng băng dính 2-3 góc. Làm vệ sinh vết thương sạch sẽ, không băng chặt và kín sẽ ngăn vi khuẩn phát triển, sẽ chóng khỏi. Trong trường hợp phải ra khỏi nhà lâu/đi làm thì mới cần phải băng chặt và kín để tránh bụi bẩn bên ngoài bám vào vết thương.
​​​​​​​ Hướng dẫn sơ cứu khi bị chó mèo cắn  Hướng dẫn sơ cứu khi bị chó mèo cắn 

Bị chó mèo cắn khi nào cần đi bệnh viện?

Chúng ta cần phải đến trung tâm y tế ngay để được kịp thời cứu chữa khi có một trong những trường hợp sau:

  • Sau khi sơ cứu vẫn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ hoặc nhân viên y tế theo dõi sát đề phòng xuất hiện bệnh dại.
  • Con vật đã từng cắn người khác và rồi xuất hiện bệnh dại.
  • Con vật chết ngay sau khi cắn, hoặc con vật bỏ đi, bỏ ăn, biểu hiện yếu dần.
  • Con vật sống trong vùng đang có dịch dại.
  • Con vật không thể theo dõi sau khi cắn (chó hoang vô chủ).
  • Vết cắn tại vùng đầu, mặt, cổ, vai, gần bộ phận sinh sản... 
  • Đối với những vết cắn tại vị trí không nguy hiểm, con vật của gia đình hoặc hàng xóm đã và đang hoàn toàn khỏe mạnh, cũng cần theo dõi bệnh nhân và con vật tối thiểu 15 ngày. Nếu bệnh nhân biểu hiện các dấu hiệu bất thường như sốt, co giật, đau đầu... Hãy đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay lập tức.

Những điều cần biết về bệnh dại và vaccine phòng dại

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm thông qua virus, ảnh hưởng cấp tính đến hệ thần kinh trung ương. Nước bọt của động vật bị dại lây sang người qua vết cắn hoặc vết trầy xước. Động vật lây bệnh dại như: Chó, mèo, chó sói,... mà chủ yếu chó là tác nhân chính lây bệnh. Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy khi đã phát bệnh dại thì tỉ lệ tử vong lên đến 100%. Do vậy, sơ cứu vết thương chó mèo cắn và tiêm phòng vaccine dự phòng kịp thời là rất quan trọng.

Hướng dẫn sơ cứu khi bị chó mèo cắn 2 Không phải tất cả các trường hợp chó mèo cắn đều cần tiêm phòng dại

Bệnh dại chia 2 giai đoạn: Ủ bệnh và toàn phát.

  • Giai đoạn ủ bệnh: Triệu chứng rất nghèo nàn, thường chỉ sốt kèm theo ngứa tại vị trí bị chó mèo cắn.
  • Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân kích động không kiểm soát được, có biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng luôn quay mặt vào trong tường, bạo lực có thể đánh người hoặc cắn người, các phần cơ thể không cử động được, sau đó lú lẫn dần và mất ý thức. Thường thì khi đã có triệu chứng toàn phát thì đa số bệnh nhân đều tử vong.

Thời gian từ lúc lây nhiễm từ chó mèo đến khi có biểu hiện của triệu chứng khoảng 4 đến 12 tuần, thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương, tương ứng với quãng đường virus dại di chuyển đến hệ thần kinh trung ương.

Để chẩn đoán xác định bệnh dại, bác sĩ sẽ thông qua 2 dấu hiệu:

  • Lâm sàng: Bệnh nhân có triệu chứng sợ ánh sáng, sợ nước, luôn trong trạng thái kích động thần kinh.
  • Cận lâm sàng: Dựa vào xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang dương tính hoặc phản ứng Real Time - PCR của virus dại.

Vaccine bệnh dại là một loại vaccine sử dụng để ngăn ngừa bệnh dại trước hoặc sau khi tiếp xúc với virus dại từ chó mèo trong một thời gian ngắn. Nếu được tiêm chủng đầy đủ, khả năng miễn dịch phát triển lâu dài. Vaccine có hiệu quả ở cả người và động vật khác. Tiêm phòng dại cho chó rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây bệnh dại sang người.

Hướng dẫn sơ cứu khi bị chó mèo cắn 3 Một khi đã khởi phát triệu chứng, đa số bệnh nhân tử vong

Vaccine bệnh dại được chứng minh là an toàn với mọi lứa tuổi. Một số người khoảng 35-45% sau tiêm vaccine dại có thể có đỏ và đau tại chỗ tiêm trong thời gian ngắn. Triệu chứng đau đầu, buồn nôn kèm sốt chiếm khoảng 5-15%. Những trường hợp đã phơi nhiễm bệnh dại vẫn có thể tiêm vaccine dại.

Khi nào cần tiêm vaccine phòng dại?

  • Vết thương chó mèo cắn gây chảy máu nhiều, không tự cầm máu được.
  • Chó mèo cắn nghi mắc bệnh dại.
  • Trong thời gian theo dõi, chó mèo cắn biến mất hoặc có những hành vi không bình thường.

Một số cách phòng tránh bệnh dại

Theo Cục y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt những biện pháp sau đây để chủ động phòng ngừa bệnh dại an toàn và hiệu quả:

  • Chó mèo vật nuôi cần được tiêm phòng dại đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
  • Chó mèo không được thả rông, khi ra đường phải được giỏ mõm và đeo xích.
  • Mọi người không nên trêu chọc, đùa nghịch với chó mèo, đặc biệt chó mèo lạ.
  • Khi bị chó mèo cắn, liếm hoặc cào cần sơ cứu đúng cách, và đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
  • Tuyệt đối không được tự chữa, không được dùng thuốc Nam thuốc Bắc hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Nếu bạn là người nuôi chó mèo, hãy có trách nhiệm với cả cộng đồng và thú cưng của mình nhé Nếu bạn là người nuôi chó mèo, hãy có trách nhiệm với cả cộng đồng nhé

Bệnh dại vốn vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nạn nhân. Hầu hết mọi người khi bị chó cắn đều lúng túng trong việc ứng phó nên mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trên đây là cách sơ cứu và xử trí khi bị chó mèo cắn, nhà thuốc Long Châu hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích cho mình.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin