Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khám tai mũi họng và những điều bạn cần biết

Ngày 13/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các bệnh lý về tai mũi họng rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Sức đề kháng kém, ảnh hưởng từ các yếu tố thời tiết, không khí ô nhiễm, chế độ sinh hoạt không đúng cách... đều khiến bệnh tai mũi họng phát triển. Dưới đây là những thông tin liên quan đến việc khám tai mũi họng mà bạn cần biết để giữ gìn sức khỏe một cách tốt nhất.

Hiện nay, việc khám tai mũi họng thường được nhiều bác sĩ chỉ định thực hiện với bệnh nhân. Thông qua đó, bác sĩ sẽ có cơ sở chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp liên quan đến các bệnh lý về đường hô hấp. Vậy khám tai mũi họng là gì? Bài viết sẽ giúp bạn có những thông tin tổng quan và chính xác nhất về thủ thuật khám bệnh này.

Khám tai mũi họng là gì?

Theo thuật ngữ y học, khám tai mũi họng là việc bác sĩ chẩn đoán và quản lý tất cả các bệnh về tai, mũi xoang, vòm mũi họng, khoang miệng, hầu họng, thanh quản cũng như các cấu trúc của vùng cổ và mặt thông qua các dụng cụ y tế chuyên biệt.

Vậy những căn bệnh thường gặp nào có thể phát hiện sau khi thực hiện khám tai mũi họng? Theo các bác sĩ chuyên khoa, thủ thuật khám bệnh này có thể dễ dàng phát hiện được các bệnh lý như sau:

Các bệnh về tai

Bệnh tai ngoài (viêm tai ngoài, áp xe tai ngoài, viêm màng bao sụn, nút ráy tai, hẹp ống tai ngoài…), bệnh tai giữa và xương chũm (viêm tai giữa, bệnh vòi Eustache, viêm xương chũm, thủng màng nhĩ, viêm màng nhĩ cấp, xơ nhĩ, polyp tai giữa…); bệnh tai trong (xốp xơ tai, rối loạn chức năng tiền đình, ảnh hưởng tiếng ồn lên tai trong…).

Ngoài ra có thể chẩn đoán các bệnh khác về tai như nghe kém, điếc đột ngột, điếc tuổi già, đau tai, chảy dịch tai, chảy máu tai, ù tai, thính giác bất thường,… 

Các bệnh về mũi

Bệnh viêm mũi (viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi mạn tính, nghẹt tắc mũi mạn tính), bệnh viêm xoang (viêm xoang mạn tính, viêm xoang hàm mạn tính, viêm xoang trán mạn tính, viêm xoang sàng mạn tính, viêm xoang bướm mạn tính, viêm đa xoang lâu ngày khó khỏi, đau đầu mạn tính do mũi xoang). Thậm chí việc khám tai mũi họng có thể phát hiện các bệnh phức tạp hơn như polyp mũi xoang, nấm mũi xoang, apxe mũi, nhọt và nhọt tiền đình mũi.

Các bệnh về họng

Bệnh viêm amidan, viêm thanh quản mạn tính, bệnh lý của dây thanh âm và thanh quản, polyp, phù thanh quản, viêm mũi họng, viêm họng mạn tính, áp xe họng…

khám tai mũi họng 1
Khám tai mũi họng có thể chẩn đoán được nhiều bệnh liên quan 

Có nên khám tai mũi họng định kỳ? 

Theo các chuyên gia sức khỏe, việc khám tai mũi họng định kỳ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh lý nghiêm trọng. Tai mũi họng vẫn thường được ví như cửa ngõ của cả hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Đây là những bộ phận chịu nhiều tác động từ môi trường và thời tiết. Đặc biệt với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam, các bệnh lý liên quan tới tai mũi họng được đánh giá là một trong số những căn bệnh phổ biến hiện nay. 

Trên thực tế, các bệnh tai mũi họng ở giai đoạn cấp tính nếu được phát hiện sớm thì chỉ cần điều trị nội khoa bằng các loại thuốc đặc trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sớm phát hiện và có cách chữa trị đúng cách, bệnh rất dễ trở nên mạn tính và là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Ví dụ như viêm mũi có thể dẫn đến viêm tai, nặng hơn là dẫn đến viêm màng não do virus, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt… Hoặc có trường hợp viêm xoang không chữa trị dứt điểm dễ gây ra mạn tính, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng ổ mắt, ảnh hưởng rất lớn đến thị lực.

Cũng có nhiều trường hợp vi khuẩn của amidan có thể tấn công vào khớp, tim, thận và để lại các biến chứng khôn lường như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim… Do đó, bạn không nên bỏ qua việc khám tai mũi họng định kỳ để có biện pháp phòng ngừa cũng như chữa trị hiệu quả nhé!

khám tai mũi họng 2
Việc khám tai mũi họng định kỳ là cực kỳ cần thiết 

Dấu hiệu cần khám tai mũi họng

Ngoài việc khám tai mũi họng định kỳ thì đâu là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán các bệnh liên quan đến hệ hô hấp này? Theo các bác sĩ, bạn cần chú ý đến những dấu hiệu dễ nhận thấy sau đây:

  • Sổ mũi, nghẹt mũi và đau nhức vùng quanh mũi: Do hệ thống các xoang đều nằm trong hốc sọ mặt nên khi bị tổn thương sẽ xuất hiện những cơn đau nhức quanh mũi, sau đó lan dần ra má, thái dương, đầu. Những cơn đau này còn kèm theo triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi. Do đó, bạn cần đi khám ngay vì đây có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm xoang.
  • Liên tục hắt hơi, sổ mũi kèm đau họng: Nếu bạn bị hắt hơi liên tục, mất giọng, nước mũi đặc, chuyển màu xanh hoặc vàng, kèm theo ngạt mũi và ho có đờm, đau họng thì bạn phải nhanh chóng tới gặp bác sĩ. Nếu để lâu, dịch mũi chảy xuống họng hoặc vào tai sẽ gây bệnh viêm họng, viêm tai và kéo theo hàng loạt bệnh nhiễm trùng khác. 
  • Sốt cao đột ngột kèm cảm giác đau họng: Đây đều là các triệu chứng có thể bạn đã bị viêm amidan. Vì thế, việc khám chi tiết để có chẩn đoán chính xác là hoàn toàn cần thiết. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa viêm họng đúng cách và phù hợp. 
  • Họng đau, ngứa kèm ho khan hoặc ho có đờm: Nếu tình trạng này kéo dài lâu ngày, bạn rất dễ gặp phải tình trạng viêm họng mạn tính. Vì thế khi có dấu hiệu này bạn cần tìm hiểu ngay khám viêm họng ở đâu tốt để đến thăm khám và chữa trị. 
  • Đau tai, suy giảm thính giác, tai chảy mủ: Đây đều là biểu hiện của bệnh viêm tai như viêm tai ngoài, viêm tai giữa. Chúng đều gây ra các biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, mất thính giác, viêm xương chũm… cho nên bạn cần đi khám ngay lập tức khi gặp tình trạng này. 
khám tai mũi họng 3
Khi bị đau họng kéo dài, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt

Như vậy, với những thông tin mà Long Châu cung cấp trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn hệ hô hấp cũng như biết thêm chi tiết về việc khám tai mũi họng khi cần thiết. Bệnh tai mũi họng nếu phát hiện sớm sẽ có giải pháp điều trị khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu bạn để lâu ngày sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Do đó, đừng chủ quan và lơ là trước bất kỳ dấu hiệu nào của sức khỏe bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong.vn 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm