Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khám tiền mê là gì? Khám tiền mê là khám những gì?

Ngày 24/10/2023
Kích thước chữ

Khám tiền mê là việc vô cùng cần thiết trước khi tiến hành các cuộc phẫu thuật. Việc này vừa giúp ổn định tâm lý người bệnh, vừa giúp các bác sĩ hạn chế rủi ro trong và sau khi tiến hành phẫu thuật. Vậy khám tiền mê là gì và khám tiền mê là khám những gì?

Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị bệnh sau cùng, khi mà các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Đây cũng là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ biến chứng. Vì lẽ đó, trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, người bệnh cần được chuẩn bị một tâm lý thật tốt, các bác sĩ cần chuẩn bị nhiều phương án để xử lý các tình huống khẩn cấp. Để làm được điều đó, người bệnh cần được khám tiền mê.

Khám tiền mê nhằm mục đích gì?

Khám tiền mê là gì? Hiểu một cách đơn giản nhất, khám tiền mê là khám trước khi gây mê cho người bệnh để thực hiện cuộc phẫu thuật. Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, tâm lý bất cứ người bệnh nào cũng có sự lo lắng, căng thẳng nhất định. Thông qua việc thăm khám, các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân và người nhà hiểu rõ hơn về cuộc phẫu thuật. Từ đó góp phần ổn định tâm lý và giảm căng thẳng cho bệnh nhân.

kham-tien-me-1.jpg
Bác sĩ cần giải thích và giúp bệnh nhân cũng như người nhà chuẩn bị tâm lý khi khám tiền mê

Ngoài ra, khám tiền mê cũng là khâu thiết yếu và pháp lý, chuẩn bị cho phẫu thuật không thể thiếu. Các bước thăm khám giúp bác sĩ đánh giá lại tình hình bệnh nhân. Cụ thể là:

  • Phát hiện các bệnh lý sẵn có của bệnh nhân. Từ đó, bác sĩ có thể lên phương án khảo sát, điều trị trước khi mổ, trong khi mổ và sau khi mổ.
  • Khai thác tiền sử gia đình bệnh nhân để đánh giá các yếu tố nguy cơ.
  • Đánh giá về bệnh cảnh ngoại khoa và các hoạt động sẽ xảy ra trong cuộc phẫu thuật.
  • Đề xuất bệnh nhân làm các xét nghiệm bổ sung để phục vụ của cuộc phẫu thuật.
  • Thống nhất thời điểm, phương pháp điều trị tối ưu và nguy cơ khi tiến hành phẫu thuật.
  • Bác sĩ gây mê chọn phương pháp vô cảm phù hợp nhất với bệnh nhân như gây tê hoặc gây mê khi tiến hành phẫu thuật.
  • Tiên lượng trước khó khăn khi gây tê hoặc gây mê, khả năng chịu đựng và khả năng phục hồi của người bệnh.
  • Chuẩn bị trước các phương án phòng ngừa rủi ro, xử lý các sự cố phát sinh và các tai biến có thể xảy ra.
kham-tien-me-2.jpg
Thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong khám tiền mê

Khám tiền mê là khám những gì?

Khám tiền mê là khám những gì? Bước thăm khám này sẽ bao gồm:

  • Khai thác thông tin cá nhân, thông tin về yếu tố cơ địa và sức khỏe tổng thể của người bệnh như: Nghề nghiệp, chiều cao, cân nặng, thói quen hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, tiền sử dị ứng và mức độ dị ứng (mẩn ngứa da, sưng phù mặt, khó thở, trụy mạch…).
  • Khai thác thông tin về tiền sử bệnh lý, đánh giá lại tình trạng bệnh lý sẵn có để xem xét mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và kết quả của cuộc phẫu thuật.
  • Bác sĩ lên danh sách các loại thuốc điều trị bệnh mà bệnh nhân đang sử dụng, đánh giá ảnh hưởng của thuốc với việc gây tê, gây mê. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định người bệnh sẽ tiếp tục dùng thuốc, dừng sử dụng thuốc hoặc thay thế loại thuốc khác.
  • Ghi nhận tiền sử phẫu thuật của bệnh nhân trong quá khứ để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó đến cuộc phẫu thuật sắp tiến hành.
  • Khám tiền mê cũng xem xét các yếu tố như độ di động cột sống, lưng, lồng ngực, độ rộng của hầu, thanh quản, khí quản, độ rộng của miệng, các vết sẹo ở vùng gây mê nếu có.
  • Khai thác tiền sử gây mê để xem xét lại khó khăn trong quá trình gây mê, quá trình thông khí, quá trình đặt nội khí quản, phản ứng thuốc, chậm tỉnh, chấn thương miệng, hầu hay các tai biến gây mê khác.
  • Khai thác tiền sử tai biến gây mê, tiền sử sốt cao ác tính của bệnh nhân và người thân (nếu có) để dự phòng phương án xử lý nhằm hạn chế rủi ro.
  • Khám tổng thể hô hấp, tim mạch, thần kinh, tình trạng tĩnh mạch, các dấu hiệu sinh tồn,…
  • Chỉ định làm xét nghiệm công thức máu, nhóm máu, xét nghiệm sinh hóa, rối loạn đông máu.
  • Chỉ định thực hiện chụp X-quang phổi, siêu âm tim, điện tâm đồ, men tim, miễn dịch,…
  • Tư vấn chính xác, đầy đủ mọi thông tin về tình hình sức khỏe của người bệnh, quy trình diễn ra cuộc phẫu thuật, các biến chứng có thể gặp phải trong và sau phẫu thuật để người bệnh và người nhà chuẩn bị tâm lý.
kham-tien-me-3.jpg
Bệnh nhân chụp X-quang tim phổi theo yêu cầu của bác sĩ

Đánh giá sau khám tiền mê

Quy trình khám tiền mê cần được thực hiện một cách kỹ càng để giảm tối đa nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Qua những thông tin ghi nhận được, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân theo tiêu chuẩn ASA của Hiệp hội gây mê Hoa Kỳ với các mức:

  • ASA1: Bệnh nhân có sức khỏe tốt.
  • ASA2: Bệnh nhân có bệnh (tăng huyết áp nguyên phát, béo phì tuổi già, viêm phế quản mạn, thiếu máu…) nhưng bệnh không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • ASA3: Bệnh nhân có bệnh (đái tháo đường kèm biến chứng mạch máu, tăng huyết áp nguyên phát ít đáp ứng điều trị) và bệnh lý nền này ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • ASA4: Bệnh nhân mắc bệnh nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng như hen phế quản nặng, bệnh van tim, phình tách động mạch chủ, suy tim xung huyết…
  • ASA5: Bệnh nhân tiên lượng nặng, khó có khả năng sống trong 24 giờ dù có phẫu thuật hay không.

Sau quá trình khám tiền mê, các bác sĩ cũng đánh giá yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch bằng thang điểm Goldman. Cụ thể là:

  • Loại I (0 đến 5 điểm): Bệnh nhân có 1% nguy cơ gặp biến chứng tim mạch.
  • Loại II (6 đến 12 điểm): Bệnh nhân có 7% nguy cơ gặp biến chứng tim mạch.
  • Loại III (13 đến 25 điểm): Bệnh nhân có 14% nguy cơ gặp biến chứng tim mạch.
  • Loại IV (26 đến 53 điểm): Bệnh nhân có 78% nguy cơ gặp biến chứng tim mạch.
kham-tien-me-4.jpg
Đánh giá sức khỏe tim mạch của bệnh nhân trước phẫu thuật

Tóm lại, khám tiền mê là hoạt động không thể thiếu trước khi tiến hành phẫu thuật. Việc này có ý nghĩa quan trọng với cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các bác sĩ. Bệnh nhân và người nhà cần phối hợp với bác sĩ bằng cách khai thông tin chính xác, đầy đủ, trung thực để bác sĩ có căn cứ cụ thể trong đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các bác sĩ cần tuân thủ đầy đủ các bước trong quy trình khám. Khám tiền mê trước phẫu thuật là cách giúp giảm tối đa rủi ro có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật.

Xem thêm: Tìm hiểu phương pháp gây mê phẫu thuật tim mạch

 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin