Khám tinh hoàn là một phần quan trọng trong khám sức khỏe định kỳ cho mọi nam thanh niên và các bé trai để phát hiện các vấn đề bẩm sinh. Vậy khám tinh hoàn sẽ gồm những quy trình nào và có thể tự thực hiện tại nhà được không?
Khám tinh hoàn giúp bạn biết được tinh hoàn bình thường hay bất thường, thay đổi như thế nào. Những thay đổi ở tinh hoàn có thể là dấu hiệu của một tình trạng lành tính phổ biến, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc u nang, hoặc một tình trạng ác tính ít phổ biến hơn, chẳng hạn như ung thư tinh hoàn.
Tại sao cần phải khám tinh hoàn?
Hai tinh hoàn là một phần của hệ cơ quan sinh dục nam, nằm ở bìu là túi ở dưới hai bên dương vật. Tinh hoàn tạo ra tinh trùng và nội tiết tố nam testosterone. Mỗi tinh hoàn có kích thước và hình dạng bằng một quả trứng nhỏ. Ở phía sau mỗi tinh hoàn có một ống cuộn gọi là mào tinh hoàn để lưu trữ tinh trùng.
Khám tinh hoàn là một cuộc kiểm tra thể chất đầy đủ về vùng chậu và bộ phận sinh dục của người nam, bao gồm dương vật, bìu và tinh hoàn. Việc thăm khám có thể được thực hiện bởi bác sĩ hoặc tự thăm khám để phát hiện sớm các bất thường trên tinh hoàn.
Các bệnh lý có thể tự phát hiện thông qua khám tinh hoàn
Mỗi tinh hoàn bình thường có cảm giác chắc chắn nhưng không cứng khi sờ nắn bằng tay với bề mặt rất mịn, không nốt hay u cục nào xuất hiện. Mào tinh hoàn có thể được cảm nhận ở mặt trên và mặt sau của mỗi tinh hoàn với cảm giác là một cấu trúc hình ống và xốp. Một tinh hoàn (thường là bên trái) có thể thấp hơn bên kia một chút hoặc lớn hơn tinh hoàn kia một chút, sự khác biệt này thường là bình thường. Trong quá trình khám và sờ nắn thường sẽ không gây ra bất kỳ đau đớn hay khó chịu nào.
Bạn có thể tự phát hiện sự bất thường của tinh hoàn thông qua các dấu hiệu sau:
Một hoặc cả hai tinh hoàn không sờ thấy được: Nếu bạn không thể cảm nhận được hai tinh hoàn khi tự kiểm tra, hãy liên hệ với bác sĩ vì bạn có thể có tinh hoàn ẩn. Nếu cha mẹ không thể cảm nhận được cả hai tinh hoàn trong bìu của bé, hãy nói chuyện với bác sĩ để họ kiểm tra lại.
Một đường ngoằn ngoèo có thể đè xẹp được sờ thấy phía trên hoặc phía sau tinh hoàn là biểu hiện của một tĩnh mạch bị xoắn ở bìu, được gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Đau đột ngột hoặc sưng ở bìu cảm nhận rõ khi khám thường gợi ý một tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm mào tinh hoàn. Hoặc dấu hiệu trên còn gợi ý là lưu lượng máu đến tinh hoàn bị chặn trong bệnh xoắn tinh hoàn. Cả 2 trường hợp trên đều cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bạn có thể sờ thấy một khối u phía trên tinh hoàn ở một bên bìu là dấu hiệu của sa tinh trùng. Đây là một u nang chứa đầy chất lỏng, không đau được tìm thấy trong mào tinh hoàn. Những u nang này thường không phải là vấn đề nghiêm trọng và hiếm khi cần điều trị.
Có thể sờ thấy một cục nhỏ, cứng (thường có kích thước bằng hạt đậu) trên bề mặt tinh hoàn bình thường hoặc tinh hoàn bị sưng. Nếu bạn nhận thấy có khối u hoặc sưng tấy khi tự kiểm tra, hãy liên hệ ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư tinh hoàn. Điều trị kịp thời mang lại cơ hội chữa bệnh tốt nhất.
Quy trình khám tinh hoàn
Quá trình khám tinh hoàn bao gồm khám tổng quát và sờ nắn tinh hoàn.
Khám tổng quát
Đánh giá cơ quan sinh dục ngoài và vùng mông xem:
Thay đổi rõ ràng về màu sắc, tính chất da như loét, mụn cóc hoặc sưng, bầm tím.
Sẹo (bao gồm cả cắt bao quy đầu).
Giải phẫu dương vật, đặc biệt là lỗ tiểu đóng thấp, hẹp bao quy đầu hoặc paraphimosis.
Kiểm tra về bất kỳ dịch tiết dương vật nào nếu có.
Sưng hoặc có sang thương u cục ở vùng chậu.
Sau đó khám tinh hoàn để tìm:
Bất kỳ vết sẹo hoặc thay đổi tính chất da vùng bìu.
Các vết mổ cũ: Thông thường các vết mổ vùng bìu được thực hiện ở đường giữa, tuy nhiên các vết mổ nhỏ ở hai bên thường được sử dụng để thắt ống dẫn tinh hai bên.
Sưng một bên hoặc hai bên tinh hoàn.
Sự bất đối xứng giữa tinh hoàn, đặc biệt chú ý đến kích thước và vị trí.
Sờ nắn tinh hoàn
Trước khi sờ nắn, các bác sĩ sẽ đánh giá phản xạ cơ bìu hai bên. Sau đó thực hiện:
Sờ nhẹ bìu bằng cả hai tay, kiểm tra xem cả hai tinh hoàn đều có trong bìu hay không.
Nếu không thể tìm thấy cả hai tinh hoàn, hãy kiểm tra ống bẹn và đáy chậu xem có tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ không đi xuống hoặc sờ thấy được không.
Sờ nắn từng tinh hoàn: Sử dụng ngón trỏ và ngón cái để sờ thân tinh hoàn. Kiểm tra kích thước và tính đồng nhất của từng tinh hoàn, cảm nhận xem có cục u hoặc bất thường nào không. Lặp lại cho tinh hoàn bên còn lại.
Sờ nắn mào tinh hoàn, nằm ở mặt sau của tinh hoàn (thường chỉ có thể sờ nắn được phần đầu của mào tinh hoàn)
Sờ nắn ống dẫn tinh bằng cách nhẹ nhàng kéo tinh hoàn xuống và đặt ngón trỏ và ngón cái lên cổ bìu.
Thông thường sẽ thăm khám, sờ nắn tinh hoàn bình thường trước sau đó tiến hành khám ở tinh hoàn bất thường.
Tóm lại, khám tinh hoàn chủ yếu được thực hiện ở những bệnh nhân nam có bệnh lý về tinh hoàn như đau, sưng, có khối u hoặc hướng dẫn tự thăm khám tại nhà nhằm phát hiện sớm các bất thường nếu có.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.