Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Khi nào cần chụp X quang bàn tay? Quy trình cụ thể thế nào?

Ngày 13/11/2023
Kích thước chữ

Chụp X quang bàn tay là kỹ thuật thường được các bác sĩ chỉ định thực hiện đối với bệnh nhân đang gặp vấn đề ở bàn tay. Vậy trong trường hợp cụ thể nào thì cần áp dụng và quy trình tiến hành bao gồm những gì?

Chụp X quang bàn tay được thực hiện như thế nào và cần chuẩn bị những yếu tố gì trước khi áp dụng phương pháp chẩn đoán bệnh này là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này với những thông tin được các bác sĩ chuyên khoa xương khớp cung cấp dưới đây.

Chụp X quang bàn tay là kỹ thuật gì?

Chụp X quang bàn tay là kỹ thuật mà bác sĩ sẽ sử dụng tia X để chiếu xuyên qua bàn tay nhằm ghi lại hình ảnh giải phẫu của bàn tay một cách chính xác và rõ nét. Đây được xem là kỹ thuật có quy trình thực hiện khá đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng, chi phí hợp lý, phù hợp với đại đa số người bệnh. Hơn nữa, kết quả thu được giúp bác sĩ rất nhiều trong việc phát hiện sớm các bệnh lý từ nhẹ đến nặng ở bàn tay, thậm chí cả những bệnh nguy hiểm như khối u trong xương, tiêu xương hoặc ung thư xương.

Mặc dù đây là kỹ thuật thăm khám, chẩn đoán bệnh đơn giản, hiệu quả nhưng cả bác sĩ và người bệnh vẫn luôn chú ý một số yếu tố an toàn. Đối với bác sĩ cần sử dụng thiết bị theo dõi mức độ phóng xạ, tuân thủ các thông số về liều phóng xạ và giới hạn thời gian làm việc trong ngày. Còn đối với người bệnh, bác sĩ luôn khuyến cáo thực hiện các nguyên tắc sau đây:

Khi nào cần chụp X quang bàn tay? Quy trình cụ thể thế nào 1
Chụp X quang bàn tay là kỹ thuật thăm khám, chẩn đoán bệnh hiệu quả
  • Người bệnh cần thông báo cụ thể tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử mắc bệnh, có đang mang thai hoặc đang cho con bú hay không, số lần và thời điểm chụp X quang trước đó để đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần chụp X quang.
  • Đối với chụp X quang bàn tay, người bệnh sẽ được yêu cầu tháo đồ trang sức ở tay và không đính nhiều phụ kiện lên móng tay để tránh ảnh hưởng đến kết quả.
  • Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh không nên quá lạm dụng mà cần tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Khi nào cần thực hiện chụp X quang bàn tay?

Vậy khi nào thì cần thực hiện chụp X quang bàn tay? Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh kỹ thuật này trong các trường hợp sau:

  • Bị gãy xương hoặc nghi ngờ gãy xương do chấn thương.
  • Bác sĩ cần đánh giá sự phát triển của xương sau quá trình phẫu thuật điều trị gãy xương bàn tay.
  • Nhằm loại trừ khả năng xuất hiện khối u hoặc kiểm tra tình trạng khối u trong xương bàn tay.
  • Nghi ngờ xương và khớp bàn tay có sự thay đổi do thoái hóa gây nên.
  • Có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm khớp bàn tay hoặc nhiễm trùng.
  • Sụn khớp bàn tay có dấu hiệu bị hao mòn.
  • Xác định dấu hiệu của chấn thương gân để chẩn đoán viêm gân, viêm dây chằng.
  • Bác sĩ cần xác định tuổi xương bàn tay ở trẻ em, từ đó theo dõi quá trình phát triển cơ thể ở trẻ thông qua sự tăng trưởng của xương.
Khi nào cần chụp X quang bàn tay? Quy trình cụ thể thế nào 2
Chụp X quang bàn tay giúp bác sĩ xác định tình trạng gặp phải ở bàn tay người bệnh

Quy trình chụp X quang bàn tay như thế nào?

Tại các cơ sở y tế, thông thường quy trình chụp X quang bàn tay được tiến hành như sau:

Chuẩn bị trước khi chụp X quang bàn tay

Quá trình chuẩn bị cực kỳ quan trọng, giúp việc thực hiện thuận lợi và kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bao gồm các bước dưới đây:

  • Đầu tiên, người bệnh được yêu cầu cần hoàn tất đầy đủ các thủ tục hành chính như điền phiếu thông tin chỉ định chụp X-quang và nộp viện phí.
  • Tiếp theo, người bệnh sẽ được yêu cầu loại bỏ vật dụng kim loại, trang sức trước khi tiến hành thực hiện.
  • Phụ nữ nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp bảo vệ an toàn nhất. Mặc dù khi chụp X quang bàn tay lượng tia bức xạ sử dụng rất thấp song để đảm bảo an toàn cho thai nhi người mẹ cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp phòng tránh bức xạ đặc biệt.

Thực hiện chụp X quang bàn tay

Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết về nguyên lý chụp X quang và các bước thực hiện để người bệnh nắm rõ thông tin cần thiết, sau đó tiến hành thực hiện như sau:

  • Kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh bộ phận giá chụp, đầu đèn phát tia cách khoảng 1m, đồng thời đính chữ (F) (T) vào tấm cảm biến số hóa tương ứng với người bệnh.
  • Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn ngồi vào bàn và chụp X quang bàn tay lần lượt ở tư thế thẳng và nghiêng.
  • Kỹ thuật viên tiến hành điều chỉnh tia trung tâm sao cho chiếu giữa đường nối mỏm trâm quay và xương trụ. Trong suốt quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được yêu cầu thay đổi tư thế tay hoặc thả lỏng bàn tay để kết quả thu được chính xác nhất.
  • Sau khi hoàn tất, người bệnh sẽ chờ nhận kết quả, kỹ thuật viên điện quang sẽ xử lý độ tương phản và kiểm tra sự cân đối hình ảnh trên phim chụp.
Khi nào cần chụp X quang bàn tay? Quy trình cụ thể thế nào 3
Sau khi có kết quả, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ

Bác sĩ thông báo kết quả chụp X quang bàn tay

Cuối cùng, người bệnh sẽ nhận được kết quả chụp X quang bàn tay và được bác sĩ đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh. Kết quả ảnh trên phim chụp cần phải thỏa đủ các điều kiện sau đây:

  • Tia X quang có độ tương phản cao, sắc nét.
  • Phim chụp X quang có đầy đủ họ tên người bệnh, dấu (F) (T) và ghi rõ ngày tháng năm thực hiện.
  • Phim chụp thể hiện được toàn bộ hình ảnh X quang xương bàn tay, đặc biệt hình ảnh trên và dưới khớp phải đảm bảo rõ nét. Trong đó phải có ít nhất một hình ảnh của khớp gần vị trí tổn thương nhất.

Như vậy, với các thông tin trên đây, Long Châu đã giúp bạn hiểu thêm về phương pháp chụp X quang bàn tay, khi nào cần thực hiện kỹ thuật chẩn đoán này để tránh lạm dụng. Bài viết cũng nêu rõ các bước tiến hành để bạn có sự chuẩn bị thật kỹ trước khi áp dụng nhằm đạt kết quả chẩn đoán cao nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý lựa chọn địa chỉ y tế uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm để thực hiện nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin