Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật chụp X quang tim phổi

Ngày 12/11/2023
Kích thước chữ

Chụp X quang tim phổi giúp chẩn đoán và phát hiện các bất thường ở tim phổi cũng như để theo dõi quá trình điều trị, đáng giá hiệu quả điều trị các bệnh liên quan đến tim phổi. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật chụp X quang cơ quan tim phổi

Tim và phổi là hai trong số những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, đảm nhận chức năng chính là hô hấp và tuần hoàn. Tuy nhiên, hai hệ cơ quan này nằm bên trong cơ thể nên các bất thường liên quan đến tim phổi rất khó phát hiện. Để có thêm căn cứ trong chẩn đoán, theo dõi bệnh lý tim phổi, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân chụp X quang tim phổi.

Chụp X quang tim phổi là gì?

Chụp X quang tim và phổi là kỹ thuật ghi lại hình ảnh của tim, phổi trên phim X quang bằng máy chụp X quang. Chụp X quang tim phổi cũng ghi lại được hình ảnh các xương ngực, xương ức, xương phần trên cột sống… Kỹ thuật chụp X quang phổi và tim hỗ trợ quá trình tầm soát, phát hiện, theo dõi các tổn thương hoặc bệnh lý ở tim và phổi. Qua hình ảnh từ phim chụp X quang, các bác sĩ có thể:

Theo dõi, đánh giá, chẩn đoán các vấn đến liên quan đến phổi hoặc các bệnh lý về phổi. Cụ thể là:

  • Đánh giá tình trạng phổi, phát hiện các bất thường như viêm nhiễm, khối u, tích trữ dịch trong phổi. Chụp X quang phổi cũng giúp phát hiện nhiều bệnh lý về phổi như xơ nang, xẹp phổi, nhồi máu phổi, u phổi, ung thư phổi.
  • Đánh giá động mạch phổi, động mạch chủ, tĩnh mạch chủ trên và dưới. Đây là căn cứ để các bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như dị tật tim bẩm sinh, phình động mạch chủ.
  • Đánh giá những thay đổi và khả năng phục hồi sau khi bệnh nhân thực hiện các phẫu thuật ở phổi.
Tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật chụp X quang tim phổi 1
Chụp X quang tim phổi có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh

Theo dõi, đánh giá, chẩn đoán các vấn đến liên quan đến tim hoặc bệnh tim mạch, cụ thể là:

  • Kiểm tra vị trí đặt các thiết bị như máy khử rung tim, ống thông, máy tạo nhịp tim.
  • Phát hiện các bất thường về phổi liên quan đến tim như bệnh suy tim xung huyết khiến phổi bị phù.
  • Đánh giá hình dạng và kích thước của tim.
  • Đánh giá những thay đổi và khả năng phục hồi sau phẫu thuật ở tim.

Theo dõi, đánh giá, chẩn đoán các vấn đến liên quan đến xương, cụ thể là:

  • Phát hiện gãy xương, chẩn đoán vị trí bị gãy xương ở vùng lồng ngực.
  • Đánh giá tình trạng vùng xung quanh xương bị gãy.

Khi nào cần chụp X quang tim phổi?

Chụp X quang tim phổi là một chỉ định cận lâm sàng cơ bản. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang tim và phổi trong các trường hợp như:

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra tim và phổi là một trong những nội dung của kế hoạch kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chụp X quang tim phổi như một hình thức theo dõi sức khỏe định kỳ là việc cần thiết. Tác động của tia X cũng ít làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng, tự ý chụp X quang quá nhiều lần.

Có các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về phổi

  • Người bệnh có triệu chứng ho kéo dài, đau tức ngực, thở khó…
  • Bệnh nhân gặp tai nạn và bác sĩ nghi ngờ bị chấn thương dập phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi.
  • Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao phổi, viêm phổi, u phổi…
  • Bệnh nhân đã có sẵn bệnh lý về phổi nên cần chụp X quang để theo dõi định kỳ. Việc này nhằm phát hiện sớm các bất thường và tình trạng diễn tiến nặng của bệnh để có hướng điều trị kịp thời.
Tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật chụp X quang tim phổi 2
Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang tim và phổi trong trường hợp cần thiết

Có các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về tim

  • Nghi ngờ người bệnh mắc các bệnh về tim như hở van 2 lá, hẹp van 2 lá, hở van động mạch chủ, thông liên thất, thông liên nhĩ, suy tim, tràn dịch màng tim hay tứ chứng Fallot…
  • Người có nhịp tim nhanh, mạch đập không đều.
  • Thường xuyên chóng mặt, ngất xỉu.
  • Người bệnh hay buồn nôn, chán ăn, bồn chồn, lo lắng thường trực.
  • Bác sĩ chỉ định chụp X quang tim phổi khi cần quan sát hoạt động của tim trong quá trình điều trị các bệnh lý liên quan đến tim.
  • Bác sĩ chỉ định chụp X quang tim phổi khi nghi ngờ có khối u ở trung thất hoặc khi cần định hình vùng tổn thương ở tim phổi.
  • Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh phình tách động mạch chủ, dị dạng mạch…
  • Theo dõi định kỳ cho bệnh nhân có sẵn bệnh lý về tim.

Sau tai nạn hoặc chấn thương ảnh hưởng các đến phần trên cơ thể

Sau các chấn thương hoặc va đập mạnh khiến người bệnh cảm thấy đau trong lồng ngực, tức ngực, khó thở, hạ huyết áp hoặc sốc… Đó có thể là triệu chứng của chấn thương ngực kín hoặc các chấn thương nghiêm trọng khác. Người bệnh cần kiểm tra cả xương, tim và phổi. Biện pháp kiểm tra thường được bác sĩ chỉ định đầu tiên là chụp X quang lồng ngực và tim phổi.

Quy trình chụp X quang tim phổi thế nào?

Quy trình chụp X quang tim phổi rất đơn giản, chỉ gồm những bước như sau:

Chuẩn bị trước khi chụp X quang tim phổi

  • Nếu bệnh nhân nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai, trước khi chụp X quang cần báo với bác sĩ để có những biện pháp giảm tối đa ảnh hưởng của tia X đến thai nhi.
  • Người bệnh được hướng dẫn thay trang phục phù hợp với việc chụp X quang. Chụp X quang tim phổi có phải cởi áo không? Nữ giới cần cởi áo ngực tạm thời. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu mặc áo chụp X quang chuyên dụng. Nếu người bệnh mặc áo mỏng nhẹ, không có khóa kéo hay khuy cài bằng kim loại có thể không cần thay trang phục của phòng chụp. Các phòng chụp đều có khu vực thay đồ đảm bảo riêng tư cho người bệnh nên bạn không cần quá lo lắng.
  • Bệnh nhân được yêu cầu cởi bỏ các đồ trang sức, phụ kiện bằng kim loại để đảm bảo phim chụp không bị nhiễu.
Tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật chụp X quang tim phổi 3
Không phải trường hợp nào chỉ cần nhìn phim chụp X quang là bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh

Chụp X quang theo chỉ dẫn của kỹ thuật viên

  • Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đứng thẳng, tựa lưng vào tấm X quang. Đôi khi người bệnh cũng được hướng dẫn ngồi hoặc nằm. Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn đúng tư thế để thu được hình chụp rõ nét, đầy đủ nhất.
  • Trong khi chụp, bệnh nhân cần giữ nguyên tư thế để phim chụp không bị mờ. Kỹ thuật viên có thể yêu cầu bệnh nhân nín thở trong vài giây trong quá trình chụp X quang tim phổi để có hình ảnh tốt nhất.

Phim chụp X quang sẽ có sau ít phút kể từ khi quá trình chụp X quang tim phổi hoàn thành. Căn cứ vào hình ảnh hiển thị trên phim, bác sĩ có thể đánh giá, chẩn đoán bệnh hoặc chỉ định làm các xét nghiệm hoặc kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin