Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Khi nào cần mổ u tuyến thượng thận?

Ngày 23/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tuyến thượng thận là một phần thiết yếu của hệ thống nội tiết, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng nước – điện giải và các chức năng sinh lý khác của cơ thể. Mổ u tuyến thượng thận là một quy trình quan trọng trong y học hiện đại, nhằm xử lý các khối u gây rối loạn chức năng của tuyến thượng thận. Vậy khi nào cần mổ u tuyến thượng thận?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phương pháp mổ u tuyến thượng thận, bao gồm quy trình thực hiện, những điều cần lưu ý trước và sau phẫu thuật. Đồng thời, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp phòng tránh sự xuất hiện của u tuyến thượng thận.

U tuyến thượng thận là gì?

Mỗi người có hai quả thận và trên mỗi quả thận có một tuyến thượng thận. Thông thường, tuyến thượng thận có kích thước nhỏ, trọng lượng khoảng 10g và màu hơi vàng. Khối u tuyến thượng thận sẽ được hình thành khi các tế bào trong tuyến thượng thận phát triển bất thường.

Khối u này có thể lành tính, nghĩa là phát triển to lên nhưng không lan rộng, hoặc có thể là u ác tính - vừa phát triển vừa lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể. Hai dạng u tuyến thượng thận này có mức độ nguy hiểm và phác đồ điều trị khác nhau.

mo-u-tuyen-thuong-than-nhung-dieu-can-biet 1
U tuyến thượng thận hình thành khi các tế bào tuyến thượng thận phát triển bất thường

Nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan đến di truyền. Do đó, những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và theo dõi hàng năm.

Khi nào cần mổ u tuyến thượng thận?

U tuyến thượng thận phát triển từ tuyến thượng thận - là một khối u nội tiết nằm ở đầu hai quả thận và đa số các khối u này lành tính. Tuy nhiên, các khối u này nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể gây rối loạn nước, điện giải, gây mệt mỏi, tăng huyết áp thậm chí có nguy cơ tử vong.

U tuyến thượng thận được chia làm hai loại: U không tiết hormone (không hoạt động) và u có tiết hormone (gây ra những rối loạn về nội tiết). Người bệnh có khối u nhỏ, không tiết hormone thường không cần điều trị.

Mổ u tuyến thượng thận được tiến hành đối với các khối u có tiết hormone, khối u lớn (thường trên 5cm) và các khối u có nghi ngờ ác tính. Khi khối u và tuyến thượng thận chứa khối u được loại bỏ, chức năng nội tiết sẽ trở về mức ổn định, các triệu chứng bệnh sẽ dần thuyên giảm và biến mất.

mo-u-tuyen-thuong-than-nhung-dieu-can-biet 2
Mổ u tuyến thượng thận được tiến hành khi khối u lớn hoặc có tiết hormone

Phương pháp chẩn đoán u tuyến thượng thận

Bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra lâm sàng để khai thác bệnh lý sau đó có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu u tuyến thượng thận:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Đánh giá nồng độ hormone trong tuyến thượng thận để xác định loại khối u. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô từ tuyến thượng thận sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để xác định bản chất của khối u (thực hiện khi có nghi ngờ về khối u ác tính)
  • Chụp CT: Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh ba chiều của tuyến thượng thận từ nhiều góc độ khác nhau.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Dùng từ trường để chụp ảnh và xác định kích thước của khối u, tương tự như chụp CT.
  • Chụp meta-iodobenzylguanidine (MIBG): Nhằm phát hiện những khối u không phát hiện được bằng X-quang thông thường. Phương pháp này kéo dài hai ngày và sử dụng MIBG cùng thiết bị chụp ảnh chuyên dụng.
  • Lấy mẫu tĩnh mạch thượng thận (AVS): Thực hiện khi không xác định được khối u qua CT hoặc MRI. Phương pháp này đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa thực hiện và trang thiết bị hiện đại.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc PET-CT: Tiêm chất phóng xạ vào tĩnh mạch và thực hiện quét để xác định sự tích tụ của chất phóng xạ trong tuyến thượng thận.

Quy trình thực hiện mổ u tuyến thượng thận

Chuẩn bị trước khi mổ u tuyến thượng thận

Gây mê đóng vai trò quan trọng trong mọi cuộc đại phẫu, bao gồm cả mổ u tuyến thượng thận. Thủ thuật này có thể gây ra cảm giác buồn nôn sau khi bệnh nhân được gây mê. Do đó, thông thường bệnh nhân sẽ được khuyên không ăn uống gì vào đêm trước ngày phẫu thuật để giảm nguy cơ buồn nôn và nôn ra thức ăn trong quá trình mổ.

mo-u-tuyen-thuong-than-nhung-dieu-can-biet 3
Bệnh nhân không nên ăn uống vào đêm trước ngày mổ u tuyến thượng thận

Quy trình mổ u tuyến thượng thận

Hiện nay, trong phẫu thuật u tuyến thượng thận, có hai phương pháp chính được sử dụng là mổ mở và mổ nội soi. Dựa trên thể trạng của bệnh nhân, kích thước, tính chất của khối u, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với mổ mở, thường được sử dụng khi khối u lớn từ 4 - 5cm. Bác sĩ sẽ thực hiện một cắt rộng dưới xương sườn hoặc hai bên cơ thể để tiếp cận khối u, tuyến thượng thận và các mạch máu liên quan. Sau khi tách được tuyến thượng thận cùng các cấu trúc xung quanh, bác sĩ sẽ thắt mạch máu để kiểm soát chảy máu, sau đó loại bỏ khối u và tuyến thượng thận.

Mổ nội soi phổ biến hơn do ít gây nhiễm trùng và biến chứng sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch một số vết nhỏ trên bụng để tiếp cận tuyến thượng thận. Một máy quay nhỏ sẽ được đưa vào khoang bụng qua vết rạch để truyền hình ảnh lên màn hình. Bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ khối u và tuyến thượng thận thông qua quan sát trên màn hình, tương tự như kỹ thuật mổ mở.

Biến chứng sau mổ u tuyến thượng thận có thể gặp phải

Phẫu thuật mổ u tuyến thượng thận là phương pháp điều trị hiệu quả cho hầu hết bệnh nhân có khối u gây triệu chứng. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phẫu thuật này, đặc biệt là những người có rối loạn đông máu. Do đó, quyết định phẫu thuật cần được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên lợi ích và rủi ro cho sức khỏe sau này.

Các biến chứng sau mổ u tuyến thượng thận có thể bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, huyết áp cao, hình thành cục máu đông, biến chứng gây mê, tổn thương các cơ quan xung quanh và vấn đề về chăm sóc sau mổ. Một trong những vấn đề phổ biến sau phẫu thuật là cảm giác đau tại vùng mổ, nhưng điều này có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau.

mo-u-tuyen-thuong-than-nhung-dieu-can-biet 4
Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau tại vùng mổ

Lưu ý khi mổ u tuyến thượng thận

Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức để nghỉ ngơi và theo dõi. Thời gian lưu lại tại bệnh viện sau mổ mở thường kéo dài từ 4 - 6 ngày, trong khi đối với mổ nội soi thì thường ngắn hơn (từ 2 - 3 ngày). Sau khi được xuất viện, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Bệnh nhân cũng cần tránh làm việc quá sức, không nên mang vác vật nặng ít nhất trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật.

Đối với các loại thuốc được chỉ định để thay thế hormone tuyến thượng thận, bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng, thời gian sử dụng theo hướng dẫn từ bác sĩ. Bên cạnh đó, cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để được giải đáp hoặc xử lý kịp thời.

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về quy trình mổ u tuyến thượng thận. Với sự tiến bộ trong y học và chăm sóc sau phẫu thuật, đa số bệnh nhân có thể trải qua quá trình điều trị một cách an toàn, hiệu quả. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để đảm bảo hồi phục tốt nhất sau phẫu thuật.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin