Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khi nào thì cần nội soi đại tràng và cần chuẩn bị những gì?

Ngày 13/11/2022
Kích thước chữ

Nội soi đại tràng là phương pháp chính hiện nay để thực hiện kiểm tra và chẩn đoán những bất thường trong đại tràng. Vậy khi nào thì cần nội soi đại tràng?

Hiện nay, nội soi đại tràng được xem là một phương pháp được áp dụng để chẩn đoán hoặc tầm soát sớm một số bệnh liên quan đến đại tràng như: Ung thư đại tràng, trực tràng, trĩ, polyp đại tràng,…. Bài viết này sẽ đưa ra những thông tin về việc khi nào thì cần nội soi đại tràng cũng như cần chuẩn bị những gì?

Nội soi đại tràng là gì?

Trước khi tìm hiểu xem khi nào thì cần nội soi đại tràng, chúng ta sẽ tìm hiểu xem nội soi đại tràng là gì? Nội soi đại tràng là kỹ thuật được các bác sĩ ứng dụng để kiểm tra đại tràng bằng cách dùng ống mềm có gắn camera luồn qua hậu môn vào đại tràng để nhìn thấy được hình ảnh về bộ phận này, qua đó phát hiện được bệnh lý hoặc tổn thương.

Nội soi đại tràng là gì? Nội soi đại tràng

Hiện này, có hai phương pháp nội soi đại tràng:

  • Nội soi thông thường: Luồn ống mềm từ hậu môn vào đại tràng rồi di chuyển vị trí của ống để lấy được nhiều hình ảnh trực quan về bộ phận này. Trong quá trình di chuyển, bệnh nhân sẽ cảm thấy căng tức và đau nhẹ.
  • Nội soi gây mê: Quá trình nội soi giống như nội soi thông thường, tuy nhiên trước khi nội soi bệnh nhân sẽ được gây mê để không có cảm giác trong suốt thời gian thực hiện nội soi.

Khi nào thì cần nội soi đại tràng?

Mọi người cần lưu ý không phải trường hợp nào đi khám bệnh tiêu hóa cũng được chỉ định kỹ thuật nội soi đại tràng. Phương pháp này thường được bác sĩ yêu cầu thực hiện nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau:

  • Cảm giác đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn ở vùng bụng (nhất là vị trí vùng bụng ở dưới rốn).
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài: Khi đi ngoài phân có lẫn máu hoặc chất nhầy, phân có màu đen.
  • Đối tượng có tiền sử bệnh lý liên quan đến đại tràng hoặc có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng.
  • Đối tượng khỏe mạnh, chưa có dấu hiệu bệnh cụ thể, từ 30 tuổi trở lên nên nội soi đại tràng để tầm soát ung thư đại tràng sớm.
Nội soi đại tràng cần dựa vào chỉ định của bác sĩ Nội soi đại tràng cần dựa vào chỉ định của bác sĩ

Còn khi nội soi đại tràng để điều trị thì cần dựa vào chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh việc tầm soát các bệnh như trĩ, ung thư đại tràng, nhiễm ký sinh trùng, dị vật….Nội soi đại tràng còn là phương pháp được chỉ định để thực hiện cắt Polyp đại tràng, nong các tổn thương hẹp đại tràng, cầm máu một số tổn thương như chảy máu từ cuống Polyp sau cắt Polyp, đặt ống thông hay còn gọi stent (do ác tính, tia xạ, viêm mạn,….).

Những trường hợp không nên thực hiện nội soi đại tràng

Một số trường hợp sau đây không nên thực hiện nội soi đại tràng:

  • Người có bệnh lý liên quan đến tim, phổi hoặc chức năng tim phổi không bình thường.
  • Người mới phẫu thuật đường ruột hoặc người mới dùng phóng xạ vùng ổ bụng và vùng khoang chậu trong thời gian gần đây. Sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị, ít nhiều gì thì đường ruột vẫn bị ảnh hưởng và còn đang yếu, vị trí phẫu thuật vẫn còn chưa lành. Vì vậy, nếu tiến hành nội soi đại tràng thì rất có thể sẽ gây tổn thương đến ruột và vùng ổ bụng.
  • Đối tượng đang có tình trạng viêm phúc mạc, nghi ngờ bị thủng ruột, tắc ruột,…
  • Phụ nữ mang thai, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ.
  • Người bệnh bị nhiễm độc tiêu hóa (kiết, lỵ), viêm loét kết tràng nhiễm độc. Bệnh nhân nên chữa trị dứt điểm tình trạng nhiễm độc trước khi muốn nội soi đại tràng.

Nội soi đại tràng có nguy hiểm không?

Phương pháp nội soi đại tràng được xem là một kỹ thuật khá an toàn và gần như không gây ra biến chứng nào nghiêm trọng gây nguy hiểm cho người thực hiện. Thế nhưng, trong quá trình tiến hành nội soi, người bệnh sẽ cảm thấy đau do đặc điểm của đại tràng khá dài và có nhiều phần bị gập và xoắn.

Bệnh nhân chỉ có thể gặp biến chứng thủng ruột do thành đại tràng quá mỏng do lớp niêm mạc bị viêm nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, sau khi nội soi, hầu hết người bệnh sẽ có cảm giác bị đầy bụng do phương pháp nội soi này yêu cầu phải bơm hơi vào trong lòng đại tràng để có thể quan sát rõ được các tổn thương bên trong. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng đừng nên quá lo lắng bởi vì cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất sau vài lần xì hơi.

Phương pháp nội soi đại tràng được xem là một kỹ thuật khá an toàn Phương pháp nội soi đại tràng được xem là một kỹ thuật khá an toàn

Nhờ tính an toàn của kỹ thuật nên bệnh nhân chỉ được yêu cầu có mặt tại bệnh viện trước khi nội soi và có thể ra về ngay sau có kết quả mà không cần phải nhập viện chờ theo dõi mất thời gian.

Cần chuẩn bị những gì khi nội soi

Nhằm giúp quá trình nội soi cho người bệnh viêm đại tràng được diễn ra suôn sẻ và cho kết quả chính xác nhất thì người bệnh cần thực hiện một số lưu ý dưới đây:

  • Chỉ nên ăn một ít cháo vào buổi sáng và trưa trước ngày được chỉ định thực hiện nội soi. Trước đó vài ngày, bệnh nhân cũng nên thực hiện chế độ ăn ít chất xơ.
  • Cần liệt kê cho bác sĩ nắm được các tiền sử bệnh tật hoặc dị ứng. Ngoài ra, nếu người bệnh đang dùng các thuốc Aspirin, Warfarin, Insulin, thuốc sắt thì nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên ngưng dùng thuốc trước ngày tiến hành nội soi không.
  • Người bệnh cần hạn chế ăn các loại thực phẩm có màu đỏ trước ngày nội soi để tránh gây ra sự nhầm lẫn với các tổn thương khác trong đại tràng.
  • Nếu được chỉ định thực hiện vào buổi sáng thì buổi chiều hôm trước bệnh nhân cần dùng dung dịch tẩy xổ hoặc uống 3 - 4 gói Fortrans theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể loại bỏ hết chất thải ra ngoài và làm sạch đường ruột.
  • Trong trường hợp bệnh nhân không dùng được các loại thuốc trên thì cần tới bệnh viện để các y bác sỹ thực hiện kỹ thuật thụt tháo, thực hiện khoảng  3 lần vào các buổi chiều hôm trước và buổi sáng của ngày thực hiện nội soi.

Nội soi đại trực tràng là một phương pháp an toàn để tầm soát ung thư đại trực tràng và chẩn đoán các bệnh lý có liên quan. Tuy nhiên, việc nội soi cần được tiến hành tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị hiện đại, để việc tầm soát được diễn ra an toàn và chính xác.

Phương Nhi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin