1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Không đo được huyết áp: Lỗi thiết bị hay cảnh báo sức khỏe?

Thanh Hương

14/07/2025
Kích thước chữ

Bạn lo lắng khi máy không đo được huyết áp? Đừng vội hoang mang, đây là vấn đề khá thường gặp. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý đơn giản khi gặp trường hợp này.

Việc tự đo huyết áp tại nhà là thói quen cần thiết giúp kiểm soát sức khỏe tim mạch, nhất là những người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, nhiều người bối rối khi máy không đo được huyết áp hoặc cho kết quả bất thường. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và không phải lúc nào bạn cũng cần lo lắng. Hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý đúng sẽ giúp bạn yên tâm hơn trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nhà.

Nguyên nhân phổ biến khiến không đo được huyết áp

Trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tại cơ sở y tế, không ít người gặp tình huống không đo được huyết áp, gây lo lắng không cần thiết. Để hiểu rõ và xử lý đúng cách, trước hết cần xác định những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này.

Do thao tác đo chưa đúng

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn không đo được huyết áp là thao tác thực hiện chưa chính xác. Nếu vòng bít quấn quá lỏng hoặc quá chặt đều có thể khiến máy không nhận được tín hiệu chính xác hoặc báo lỗi. Trong quá trình đo, nếu bạn nói chuyện, vắt chân hoặc ngồi sai tư thế cũng ảnh hưởng đến kết quả. Tay không được đặt ngang tim hay cử động trong lúc đo huyết áp cũng dễ khiến máy không đo được hoặc cho kết quả sai lệch.

Do máy đo huyết áp gặp vấn đề

Thiết bị đo huyết áp cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn không thể đo được chỉ số huyết áp. Pin yếu hoặc sắp hết pin là lỗi rất thường gặp, khiến máy không hoạt động ổn định. Ngoài ra, những vấn đề như cảm biến bị hỏng, vòng bít rò rỉ khí hoặc dây nối bị lỏng đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đo.

Không đo được huyết áp: Lỗi thiết bị hay cảnh báo sức khỏe 1
Không ít người từng gặp tình huống không đo được huyết áp

Huyết áp vượt quá phạm vi đo của máy nhất

Trong một số trường hợp, bạn bị tụt huyết áp quá thấp hoặc huyết áp tăng quá cao đến mức vượt ngưỡng đo của máy, thiết có thể hiện thị cảnh báo như ‘Hi’, ‘Lo’ hoặc mã lỗi thay vì giá trị huyết áp. Tình huống này thường gặp ở người cao tuổi, người thể trạng yếu hoặc những người đang mắc các bệnh lý tim mạch, rối loạn tuần hoàn.

Do nhịp tim rối loạn hoặc mạch yếu

Ở người rung nhĩ, máy đo huyết áp oscillometric vẫn có thể cho kết quả tâm thu tương đối chính xác (± ≤ 5 mmHg), đặc biệt nếu bạn thực hiện ít nhất 3 lần đo liên tiếp và dùng máy đã được xác thực, nhưng nên so sánh với đo bằng tay (auscultatory) tại cơ sở y tế.

Đây là tình huống thường gặp ở người mắc bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim hoặc sức khỏe tổng thể đang yếu.

Cách kiểm tra và khắc phục khi không đo được huyết áp

Khi gặp tình trạng không đo được huyết áp, bạn cần bình tĩnh và thực hiện một số bước kiểm tra cơ bản sau:

Kiểm tra lại thao tác đo

Trước hết, bạn hãy nghỉ ngơi tối thiểu 5 phút trong môi trường yên tĩnh, ngồi lưng và bàn tay có tựa, chân đặt phẳng (không gác chéo), thả lỏng tay, đặt ngang tim, tránh nói chuyện khi đo, không hút thuốc, uống cà phê, rượu, tập thể dục 30 phút trước đo huyết áp. Đồng thời, bạn cần kiểm tra vòng bít đã được quấn vừa khít, đúng vị trí theo hướng dẫn, không quá lỏng hoặc quá chặt.

Không đo được huyết áp: Lỗi thiết bị hay cảnh báo sức khỏe 2
Cần kiểm tra thiết bị khi không đo được huyết áp

Kiểm tra thiết bị đo

Sau khi đảm bảo thao tác đo đúng, bạn nên kiểm tra thiết bị đo huyết áp của mình. Nếu máy sử dụng pin, hãy thay pin mới nếu phát hiện pin yếu hoặc đã sử dụng lâu ngày. Đồng thời, bạn cũng nên kiểm tra kỹ vòng bít và ống dẫn khí xem có bị rò rỉ, nứt, hở hay không. Trong trường hợp nghi ngờ thiết bị hỏng, bạn nên mang máy đi kiểm tra hoặc thay máy mới đạt chuẩn y tế.

Thử đo lại sau vài phút

Nếu sau khi đã kiểm tra thao tác và thiết bị mà vẫn không đo được huyết áp, bạn hãy đợi khoảng 3 - 5 phút rồi thử đo lại. Khoảng thời gian này giúp cơ thể ổn định hơn, hạn chế huyết áp bị ảnh hưởng của tâm lý lo lắng hoặc vận động trước đó. Trong trường hợp thử lại vẫn không được, bạn có thể nhờ người khác hỗ trợ hoặc thử đo bằng một thiết bị khác để loại trừ nguyên nhân do máy hỏng. Nếu vẫn không đo được chỉ số huyết áp hoặc sức khỏe có dấu hiệu bất thường đi kèm, bạn nên đi khám để được kiểm tra chuyên sâu.

Không đo được huyết áp khi nào cần đi khám bác sĩ ngay?

Trong một số trường hợp, không đo được huyết áp có thể là dấu hiệu cảnh báo tình huống sức khỏe nghiêm trọng. Bạn cần đặc biệt lưu ý nếu gặp những triệu chứng bất thường sau:

  • Không đo được huyết áp kèm theo tình trạng chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi bất thường hoặc thậm chí ngất xỉu. Đây là những dấu hiệu điển hình cảnh báo huyết áp tụt quá thấp hoặc rối loạn tuần hoàn nguy hiểm.
  • Có nghi ngờ tụt huyết áp quá thấp hoặc tăng huyết áp đột ngột, nhất là đối tượng có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người bệnh tim mạch, tiểu đường, hoặc người đang điều trị tăng huyết áp.
  • Máy liên tục báo lỗi hoặc không hiện kết quả dù bạn đã kiểm tra đúng thao tác, tư thế đo và đảm bảo thiết bị hoạt động bình thường.
  • Đặc biệt thận trọng nếu bạn có tiền sử bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim, suy tim hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác liên quan đến hệ tuần hoàn.
Không đo được huyết áp: Lỗi thiết bị hay cảnh báo sức khỏe 3
Một số trường hợp cần đi khám sớm khi không đo được huyết áp

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên chủ động đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra chuyên sâu.

Một số lưu ý giúp đo huyết áp chính xác tại nhà

Đo huyết áp tại nhà là phương pháp đơn giản giúp theo dõi sức khỏe tim mạch, phát hiện sớm nguy cơ bất thường. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng không đo được huyết áp và kết quả đo phản ánh đúng tình trạng sức khỏe, bạn cần ghi nhớ những lưu ý sau:

  • Nên đo 2 lần mỗi buổi (sáng và tối), mỗi lần cách nhau 1 phút, trong ít nhất 7 ngày (bỏ ngày đầu), và ghi lại kết quả để tính giá trị trung bình từ 12 kết quả. Việc duy trì thời điểm đo cố định giúp so sánh và theo dõi kết quả chính xác hơn.
  • Cách đo huyết áp tại nhà chính xác là trước khi đo, hãy nghỉ ngơi ít nhất 5 phút để cơ thể ổn định. Bạn tuyệt đối không nên đo huyết áp ngay sau khi vận động mạnh, leo cầu thang hoặc làm việc nặng.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc, thuốc lá ít nhất 30 phút trước khi đo. Những yếu tố này có thể làm huyết áp tăng tạm thời, khiến kết quả sai lệch.
  • Khi đo nên thực hiện 2 - 3 lần liên tiếp, cách nhau vài phút, sau đó lấy kết quả trung bình để đảm bảo độ chính xác.
  • Nên chọn máy đo huyết áp chính hãng, thuộc danh mục thiết bị huyết áp có đã được xác thực lâm sàng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như máy trong Danh sách thiết bị được xác thực của Mỹ (VDL™) hoặc theo khuyến nghị AHA/EHS.
  • Bạn nên mang máy đến cơ sở y tế để đối chiếu với thiết bị tham chiếu (mercury/aneroid đã hiệu chuẩn) ít nhất mỗi 12 tháng, để đảm bảo độ chính xác.
Không đo được huyết áp: Lỗi thiết bị hay cảnh báo sức khỏe 4
Cần đảm bảo thao tác đo huyết áp chuẩn để kết quả có độ chính xác cao

Tình trạng không đo được huyết áp khá phổ biến và thường liên quan đến thao tác hoặc thiết bị chứ không hẳn là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm. Điều quan trọng là bạn cần bình tĩnh kiểm tra lại từng bước để xác định nguyên nhân. Nếu sau khi kiểm tra đúng cách mà vẫn không đo được hoặc cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy chủ động thăm khám bác sĩ để tránh hậu quả đáng tiếc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin