Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

L70 trứng cá: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả

Ngày 17/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn trứng cá L70 là một bệnh ngoài da phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của da và cả sức khỏe của người bệnh. Vậy làm sao để điều trị tình trạng mụn L70 trứng cá? Và cách ngăn ngừa mụn hiệu quả?

L70 là mã bệnh lý mụn do Bộ Y tế Việt Nam cấp, thường xuất hiện ở nam và nữ từ tuổi dậy thì cho đến 35 tuổi. Mụn sẽ nhanh chóng mất đi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu biết cách điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, mụn sẽ tiến triển thành sẹo lồi, sẹo lõm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng và rất khó chữa. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu mọi thông tin về mụn L70 trứng cá.

Phân loại mụn trứng cá L70

Hiện nay có một số loại mụn trứng cá L70 phổ biến gồm:

  • Mụn đầu trắng: Nguyên nhân gây mụn là do sự tích tụ dầu thừa, tế bào chết và vi khuẩn trên da, gây bít tắc lỗ chân lông. Mụn đầu trắng thường nằm dưới da dẫn đến bề mặt da sần sùi. Loại mụn này thường không gây viêm và có thể điều trị và kiểm soát dễ dàng như mụn đầu đen.
  • Mụn đầu đen: Đây là loại mụn ở tình trạng nhẹ, dễ điều trị. Nguyên nhân hình thành mụn do sự tích tụ của các tế bào da chết và dầu thừa trên da. Mụn có màu đen là do sự oxy hóa bởi không khí.
  • Mụn mủ: Loại mụn này là một dạng khác của mụn viêm. Nhân của mụn mủ thường có màu vàng hoặc trắng và có vòng đỏ bên ngoài. Nếu không được xử lý đúng cách, mụn mủ có thể hình thành sẹo. Nếu bạn nặn mụn sai cách chúng có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Nốt sần: Những nốt mụn bị viêm, nổi lên trên da, tạo những vết sưng đỏ hoặc hồng. Mụn rất nhạy cảm nên chỉ cần nặn sai cách sẽ gây viêm nhiễm trầm trọng hơn. Vì vậy, đây là nhóm mụn khó điều trị.
  • Mụn bọc, mụn nang: Đây là tình trạng nặng nhất của mụn L70 trứng cá, có dạng túi phồng gây đau nhức.
L70 trứng cá: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả 1
Mụn đầu trắng thường nằm dưới da khiến bề mặt da sần sùi, kém sắc.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá L70

Bạn cần xác định chính xác nguyên nhân gây nổi mụn L70 trứng cá mới điều trị dứt điểm tình trạng mụn, từ đó tìm được hướng điều trị mụn hiệu quả mà an toàn cho da.

Tăng tiết bã nhờn trên da

Thông thường, bã nhờn có tác dụng làm da, lông, tóc mềm mượt. Nhưng da mặt tiết nhiều bã nhờn sẽ khiến lỗ chân lông bít tắc tạo nên mụn. Đồng thời, tình trạng tăng tiết bã nhờn cũng làm bạn dễ nổi mụn trứng cá.

Nguyên nhân gây tiết bã nhờn có thể do hormone, các yếu tố di truyền, khí hậu,… hoặc do da tiết bã, bệnh lý nang lông.

Nhiễm vi khuẩn P.acnes

Việc ứ đọng dầu thừa trên da cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn P.acnes phát triển. Loại vi khuẩn này có thể gây viêm nhiễm nang lông, tạo thành mụn trứng cá, mụn mủ, mụn nang. Do đó, để ngăn vi khuẩn này tấn công, bạn cần vệ sinh da thật sạch.

Do sừng hóa cổ nang lông

Nguyên nhân gây nên tình trạng mụn L70 trứng cá trên da cũng có thể là do sừng hóa ở cổ nang lông. Đây là hiện tượng lớp sừng da dày bịt kín các tuyến bã nhờn. Các chất nhờn tích tụ trong lỗ chân lông lâu ngày phình lên tạo nên mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen.

L70 trứng cá: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả 2
Tình trạng L70 trứng cá trên da cũng có thể là do sừng hóa ở cổ nang lông gây nên

Những nguyên nhân khác

Mụn trứng cá L70 còn do một vài nguyên nhân khác là:

  • Lạm dụng các sản phẩm có chứa halogen, corticoid, làm tăng tình trạng mọc mụn trên da.
  • Dung nạp thường xuyên các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ.
  • Căng thẳng, lo âu khiến tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.
  • Vệ sinh da không sạch khiến vi khuẩn phát triển, gây mụn.
  • Do di truyền khi gia đình có tiền sử bị mụn trứng cá L70.

Cách nhận biết mụn trứng cá L70

Tùy thuộc vào mức độ bệnh và cơ địa của mỗi người mà mụn trứng cá L70 có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Sau đây là những dấu hiệu điển hình nhất của mụn L70 trứng cá mà bạn có thể nhận biết gồm:

  • Da phát triển mụn đầu đen trong các nang mở.
  • Mọc mụn mủ trên mặt, mủ chảy ra có màu vàng hoặc trắng.
  • Mọc mụn đầu trắng trên mặt nằm bên dưới các nang lông.
  • Mụn nang, mụn bọc to, viêm lỗ chân lông, chạm vào có mủ gây đau dữ dội.
  • Xuất hiện mụn viêm trên da dưới dạng phát ban màu đỏ hoặc hồng.
L70 trứng cá: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả 3
Mụn nang, mụn bọc to, lỗ chân lông bị viêm, có mủ 

Điều trị mụn trứng cá L70 thế nào hiệu quả?

Mụn trứng cá L70 ở mức độ nhẹ sẽ dễ điều trị. Tuy nhiên, khi tình trạng nặng lên, tạo thành mụn bọc, mụn mủ thì bạn nên khám chuyên khoa da liễu. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và chỉ định phương pháp trị mụn hiệu quả nhất.

Trường hợp mụn trứng cá nhẹ

Mụn L70 trứng cá ở mức độ nhẹ, chủ yếu là mụn đầu trắng và đầu đen, kèm theo một vài mụn mủ và mụn sẩn. Để giải quyết mụn ở tình trạng này, bạn có thể dùng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp cùng một số loại thuốc trị mụn trứng cá không kê đơn. Thông thường, bạn sẽ thấy các thành phần trong các sản phẩm này gồm:

  • Benzoyl peroxide: Tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, làm khô mụn, gom cồi mụn.
  • Axit salicylic: Giảm mẩn đỏ, sưng tấy ở mụn viêm và loại bỏ tế bào chết trên da giúp lỗ chân lông thông thoáng.

Trường hợp mụn trứng cá trung bình đến nặng

Khi điều trị mụn trứng cá L70 thuộc dạng trung bình đến nặng, bạn sẽ dùng thuốc điều trị nhiều hơn là chăm sóc da.

Thuốc bôi ngoài da

Khi muốn điều trị mụn L70 trứng cá, lựa chọn đầu tiên là dùng thuốc bôi ngoài da không kê toa bao gồm:

  • Retinoid và các loại thuốc có tác dụng tương tự.
  • Kháng sinh, nếu cần phải kết hợp với Retinoid.
  • Axit Azelaic.
  • Dapsone (Aczone).

Thuốc uống

Trong trường hợp thuốc bôi chưa đủ tác dụng, người bệnh cần uống thuốc để điều trị mụn trứng cá:

  • Thuốc kháng sinh: Loại thuốc uống thường được dùng trong điều trị mụn là Tetracycline (Doxycycline, Mminocycline) hoặc Macrolid (Azithromycin, Erythromycin).
  • Thuốc tránh thai phối hợp: Thuốc tránh thai kết hợp có thể điều trị mụn trứng cá gồm các sản phẩm kết hợp Progestin và Estrogen.
  • Thuốc kháng Androgen: Đối tượng dùng là phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên không đáp ứng thuốc kháng sinh.
  • Isotretinoin: Một xuất dẫn của vitamin A dành cho người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Các liệu pháp điều trị thuốc nội tiết tố và Isotretinoin: Dành cho đối tượng dùng thuốc kháng sinh không hiệu quả.

Các liệu pháp nào trị liệu mụn trứng cá?

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể dùng hoặc kết hợp với một số liệu pháp điều trị mụn trứng cá L70 hiệu quả sau đây:

  • Liệu pháp ánh sáng: Hay còn gọi là tia cực tím (UV). Do nguy cơ gây ung thư da nên liệu pháp này đã không còn được dùng đến. Thay vào đó, để tiêu diệt vi khuẩn nhưng không gây tổn thương da, bác sĩ sẽ sử dụng các bước sóng nhất định của ánh sáng xanh hoặc đỏ.
  • Peel da: Là phương pháp cải thiện vẻ ngoài của da bằng cách tẩy tế bào chết trên da bằng công nghệ hóa học với các thành phần như Axit Glycolic, Axit Salicylic hoặc Axit Retinoic. Tuy nhiên kết quả điều trị không kéo dài lâu và người bệnh cần lặp lại liệu pháp này định kỳ.
  • Lấy nhân mụn: Đây là phương pháp dùng dụng cụ chuyên biệt để lấy ra nhân mụn đầu trắng hoặc đầu đen hoặc các mụn nang. Kỹ thuật này có thể cải thiện tạm thời tình trạng mụn nhưng nếu thực hiện không đúng cách sẽ có nguy cơ để lại sẹo lớn.
  • Tiêm steroid: Để điều trị tổn thương da dạng mụn nốt và dạng nang, người bệnh có thể dùng cách tiêm steroid. Liệu pháp này giúp giảm đau và cải thiện tình trạng mụn nhanh chóng. Các tác dụng phụ có thể bao gồm làm mỏng da và đổi màu da ở vùng tiêm.
L70 trứng cá: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả 4
Peel da: Là phương pháp tẩy tế bào chết cho da bằng công nghệ hóa học

Mụn L70 trứng cá là bệnh da liễu có thể điều trị được. Nếu bạn điều trị mụn sớm và đúng cách, mụn sẽ được kiểm soát hoàn toàn và ngăn ngừa khả năng để lại sẹo trên da. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường trên da, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu ngay để được thăm khám và điều trị. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm