Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các loại mụn trứng cá thường gặp và cách phòng ngừa mụn trứng cá

Ngày 27/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn trứng cá là một trong số các bệnh lý liên quan đến da khá phổ biến khiến nhiều người ám ảnh. Mụn trứng cá có rất nhiều loại bao gồm mụn sần, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn đầu trắng,... Vậy làm sao để phân biệt các loại mụn trứng cá và cách phòng ngừa mụn như thế nào, cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Mụn trứng cá có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở lứa tuổi dậy thì do lượng hormone trong cơ thể bắt đầu có sự thay đổi. Mụn trứng cá không những gây khó chịu mà chúng còn làm người bệnh cảm thấy tự ti trong giao tiếp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về các loại mụn trứng cá thường gặp cũng như cách phòng ngừa mụn trứng cá.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là bệnh lý da liễu cụ thể là một dạng bệnh nang lông tuyến bã, xảy ra khi lỗ chân lông bị bít tắc. Sự tăng tiết bã nhờn đọng lại ở các lỗ chân lông kèm theo tình trạng viêm nhiễm nang lông tuyến bã tạo nên các vết tổn thương gọi là nốt mụn hoặc nốt nhọt.

Mụn trứng cá thường xuất hiện ở các vùng như mặt, lưng, ngực, trán, hai bên vai. Bệnh thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh nặng hơn sẽ để lại di chứng khó chữa khiến người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm.

cac-loai-mun-trung-ca-thuong-gap-va-cach-phong-ngua-mun-trung-ca 1.jpg
Mụn trứng cá là bệnh lý da liễu cụ thể là một dạng bệnh nang lông tuyến bã

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Nguyên nhân chính gây mụn trứng cá là do các nang lông trên bề mặt da bị tắc nghẽn khiến dầu nhờn không thể thoát ra ngoài, kèm theo bã nhờn và tế bào chết. Lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến sưng viêm và gây mụn trứng cá. Loại vi khuẩn sống kí sinh trên da được xem là tác nhân gây bệnh phổ biến là propionibacterium acnes. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến mụn trứng cá bao gồm:

  • Tuyến dầu dưới da hoạt động mạnh.
  • Da mặt có quá nhiều tế bào chết.
  • Do di truyền.
  • Sự thay đổi nội tiết.
  • Hoạt động của hormone androgen quá mạnh khiến hoạt động tăng tiết bã nhờn vượt quá mức.

Các loại mụn trứng cá thường gặp

Để biết được cách phòng ngừa mụn trứng cá hiệu quả trước tiên bạn cần phân biệt được các loại mụn trứng cá. Các loại mụn trứng cá hiện nay bao gồm:

Mụn đầu đen

Mụn đầu đen hình thành do tế bào chết cùng các bã nhờn làm tắc lỗ chân lông nhưng bề mặt da hở nên đầu mụn bị oxy hóa trong không khí tạo thành màu đen, nên gọi là mụn đầu đen. Mụn đầu đen thường xuất hiện tại vùng chữ T ở mặt hoặc ở lưng. Mụn đầu đen thường được điều trị bằng thuốc không kê đơn, bạn có thể mua thuốc trị mụn đầu đen tại các cửa hàng thuốc tây.

cac-loai-mun-trung-ca-thuong-gap-va-cach-phong-ngua-mun-trung-ca 2.jpg
 Mụn đầu đen thường xuất hiện tại vùng chữ T ở mặt hoặc ở lưng

Mụn đầu trắng

Mụn đầu trắng cũng tương tự như mụn đầu đen, là do có quá nhiều dầu thừa và tế bào chết gây bít tắc nang lông nhưng chúng không hở ra da, không bị oxy hóa bởi không khí nên có đầu mụn màu trắng. Vì lỗ chân lông đóng nên hỗn hợp dầu thừa cùng tế bào chết đi xuống dưới bề mặt da khiến da sần sùi. Thông thường, mụn đầu trắng không gây viêm và dễ kiểm soát. Thuốc trị mụn đầu trắng cũng có thể tìm mua tại các cửa hàng thuốc tây.

Mụn bọc

Mụn bọc là một trong các loại mụn trứng cá ở dạng nặng, xuất hiện khi những nốt mụn sưng viêm, gây đau và thường có kích thước lớn hơn những nốt mụn thông thường và chứa đầy mủ như nhọt. Mụn bọc thường cứng và gây đau cho bệnh nhân vì vậy chúng chỉ nên được điều trị bởi bác sĩ da liễu.

Mụn mủ

Khi da xuất hiện các nốt mụn sưng đỏ bên trong chứa mủ gây đau nhức, khó chịu thì đó là mụn mủ. Mụn mủ xuất hiện do tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn nặng kèm theo tình trạng viêm nhiễm do ứ đọng bã nhờn. Mụn mủ thường xuất hiện ở vùng da như trán, cằm, thái dương, mũi, quai hàm, má, xung quanh vị trí miệng,... Tương tự như mụn bọc, bạn cũng không nên tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh và thuốc bôi để điều trị mụn, tránh trường hợp mụn trở nên nghiêm trọng gây vết thâm trên da, thậm chí là gây sẹo. Bạn nên đến các trung tâm da liễu uy tín để thăm khám và điều trị.

cac-loai-mun-trung-ca-thuong-gap-va-cach-phong-ngua-mun-trung-ca 3.jpg
Mụn mủ là một trong các loại mụn trứng cá thường gặp

Mụn nang

Mụn nang xuất hiện do viêm nang lông bị vỡ, phần nhiễm trùng lan sâu đến tầng trung bì của da. Nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của mụn nang là sự tích tụ vi khuẩn, bã nhờn, bụi bẩn cùng với các tế bào chết trong thời gian dài gây bít tắc lỗ chân lông gây viêm nhiễm trên da. Mụn nang có kích thước xấp xỉ hạt đậu và mềm hơn mụn bọc, có mủ và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mụn nang gây đau nhức, khó chịu trong thời gian dài. Mụn nang thường xuất hiện ở mặt, lưng hoặc ngực, chúng xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và tình trạng cũng nặng hơn nhiều so với nữ giới.

Mụn trứng cá có bao nhiêu cấp độ?

Dựa vào các đặc trưng mà mụn trứng cá được chia thành các cấp độ khác nhau để dễ dàng lựa chọn phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Các cấp độ của mụn trứng cá được sắp xếp như sau:

Cấp độ nhẹ

Đây là giai đoạn đầu mắc bệnh, mụn trứng cá mới bắt đầu hình thành với tần số và kích thước nhỏ, số lượng mụn ít. Mụn đầu đen và các mụn nhỏ li ti là các loại mụn trứng cá thường gặp ở giai đoạn này. Một số trường hợp còn xuất hiện mụn cám, không sưng đỏ, không có mủ nhưng gây cảm giác sần trên da.

Cấp độ trung bình

Ở cấp độ này, số lượng mụn, tần số mọc mụn đã bị nhiều hơn so với cấp độ nhẹ. Ngoài việc xuất hiện mụn đầu đen thì số lượng mụn mủ, mụn mẩn đỏ cũng xuất hiện kèm theo. 

cac-loai-mun-trung-ca-thuong-gap-va-cach-phong-ngua-mun-trung-ca 4.jpg
Mụn trứng cá ở mức độ trung bình thường là mụn mủ và mụn mẩn đỏ

Cấp độ nặng

Khi mụn xuất hiện ở cấp độ nhẹ và trung bình nếu không được điều trị đúng cách, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và tiến triển qua giai đoạn nặng. Da sẽ xuất hiện nhiều mụn viêm, mụn mủ với nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo cao.

Cấp độ nặng nhất

Ở cấp độ này, mụn chủ yếu là mụn mủ, mụn bọc thậm chí là mụn nang. Kích thước mụn ở giai đoạn này cũng lớn hơn nhiều so với các cấp độ khác khiến người bệnh khó chịu và đau nhức.

Cách phòng ngừa mụn trứng cá phát triển

Sau khi tìm hiểu về các loại mụn trứng cá thường gặp thì ắt hẳn chúng ta cần biết về cách phòng ngừa mụn trứng cá. Dưới đây là một số cách phòng ngừa mụn trứng cá mà bạn có thể tham khảo như:

  • Rửa mặt 2 lần/ngày: Hãy rửa mặt 2 lần/ngày, lưu ý nếu bạn thường xuyên trang điểm thì đừng nên bỏ qua bước tẩy trang và làm sạch da nhé.
  • Tẩy tế bào chết: Sau một ngày dài, da bạn tiếp xúc nhiều với bụi bẩn cùng ánh nắng mặt trời vì vậy chúng thường trở nên khô và xỉn màu. Tẩy tế bào chết giúp làn da của bạn se khít lỗ chân lông, mang lại một làn da tươi mới.
  • Thoa kem chống nắng hằng ngày: Chỉ số chống nắng (SPF) nên được điều chỉnh cao hơn bình thường trong những tháng hè nắng bức. Bởi các tia nắng có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho làn da, đặc biệt là những ngày bạn đang thực hiện tẩy tế bào chết trên da, việc sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da là điều cần thiết.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đối với quá trình chăm sóc da. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường ăn đồ ngọt sẽ bị mụn nhiều hơn. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ đồ ngọt.

Trên đây là thông tin về các loại mụn trứng cá thường gặp cũng như cách phòng ngừa mụn. Nguyên nhân chính dẫn đến xuất hiện các loại mụn trứng cá là tình trạng bít tắc lỗ chân lông kèm theo bụi bẩn và bã nhờn tích tụ lâu ngày. Vì vậy, việc làm sạch da hằng ngày là rất quan trọng để phòng tránh xuất hiện mụn trứng cá. Ngoài ra, bạn nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế tình trạng mụn trứng cá nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm