Khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có những triệu chứng tương tự nhau và có liên quan với nhau. Điều này khiến người bệnh rất dễ nhầm lẫn 2 tình trạng này. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Khí phế thũng là bệnh gì?
Khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở. Điều này là do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày dẫn đến suy yếu và bị vỡ ra. Từ đó thay thế phần không gian nhỏ bằng phần không gian lớn, và làm giảm diện tích bề mặt phổi cũng như giảm oxy đi vào máu.
Khí phế thũng gây khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày dẫn đến suy yếu và bị vỡ ra
Khi người bệnh khí phế thũng thở ra, các phế nang bị tổn thương khiến không khí giàu oxy bên ngoài không thể đi vào phổi. Ngược lại, không khí ở trong cơ thể lại không thể để ra ngoài. Việc này tạo nên tình trạng khó thở, thiếu oxy máu.
Nguyên nhân chính gây bệnh khí phế thũng là do hút thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm chứa nhiều khói bụi, hóa chất độc hại,...
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng đường thở bị thu hẹp làm giảm hô hấp và gây khó thở. Đây là một loại bệnh tiến triển, có nghĩa là bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí là có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là một căn bệnh rất nguy hiểm. Phổi có 2 cơ quan chính là phế quản và phế nang. Hay còn được gọi lần lượt là đường dẫn khí và túi khí. Ngoài ra còn có khí quản. Khi cơ thể hít vào, không khí sẽ đi từ khí quản đến phế nang thông qua phế quản. Từ đó, oxy sẽ đi vào máu còn carbon dioxide sẽ được đẩy ra ngoài. Vì vậy, nếu có bất kỳ vấn đề gì làm gián đoạn quá trình trao đổi khí này thì người bệnh sẽ bị khó thở.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng đường thở bị thu hẹp làm giảm hô hấp và gây khó thở
Phổi tắc nghẽn mạn tính được chia thành 2 dạng, gồm:
- Viêm phế quản mạn tính: Đây là tình trạng lớp niêm mạc của ống phế quản bị viêm. Lúc này, lớp lót trong ống phế quản phổi bị đỏ, sưng tấy và chứa các chất nhầy. Các chất nhầy này chính là nguyên nhân gây hẹp đường thở.
- Khí phế thũng: Tình trạng này sẽ làm cho các phế nang trong phổi bị tổn thương và dần dần phá hủy nó. Từ đó làm cho người bệnh dần dần khó thở hơn. Khi các phế nang trong phổi bị phá hủy, quá trình thải carbon dioxide và hấp thu oxy sẽ trở nên khó khăn hơn. Bởi vì không khí bên ngoài đi vào cơ thể sẽ bị cản trở, đồng thời không khí trong cơ thể thoát ra cũng không được thông suốt. Chính vì thế nên người bệnh sẽ cảm thấy khó thở.
Phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người bị khí phế thũng đều có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Và khí phế thũng cũng là một dạng của phổi tắc nghẽn mạn tính.
Để quá trình điều trị hiệu quả thì người bệnh phải biết cách phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vậy làm thế nào để phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thông qua các triệu chứng?
Triệu chứng của khí phế thũng
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh khí phế thũng bao gồm:
- Ho dai dẳng, ho không dứt.
- Khó thở, hoặc thở lõm ngực.
- Người mệt mỏi, uể oải.
- Lồng ngực hình thùng.
- Da tái xanh.
- Hệ miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ viêm phổi.
Người bị khí phế thũng đều có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Triệu chứng đầu tiên của bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính là ho khạc đàm kéo dài vào buổi sáng. Người bệnh thường không để ý và cho rằng đây là triệu chứng bình thường do hút thuốc lá. Thế nên bệnh nhân có tâm lý chủ quan và không đi khám bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không hề có triệu chứng này.
Triệu chứng kế tiếp của COPD là khó thở khi gắng sức. Tình trạng này xuất hiện đầu tiên khi bệnh nhân đi lên cầu thang hoặc đi nhanh trên đường bằng. Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có những thay đổi vô thức để tránh những động tác và công việc làm cho mình khó thở. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị khó thở vẫn không đi khám bác sĩ vì cho rằng đây là dấu hiệu tuổi già. Thế nên khi bệnh nhân đến khám thì thường là các chức năng của phổi đã bị suy giảm rất nhiều.
Khi bệnh nặng hơn, người bệnh sẽ có các triệu chứng toàn thân như sụt cân, teo cơ xương, loãng xương, thiếu máu,...
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có rất nhiều triệu chứng lâm sàng và thường diễn biến âm thầm. Vậy nên bệnh thường được phát hiện khi đã nặng.
Hai tình trạng kể trên đều có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vậy nên, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, bạn cần phải biết cách phân biệt khí phế thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tốt nhất, hãy khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề của cơ thể và xử lý kịp thời.
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp