Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Lịch tiêm thủy đậu cho trẻ em và các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu

Ngày 25/10/2024
Kích thước chữ

Lịch tiêm chủng cho trẻ là một trong những vấn đề mà phụ huynh cần nắm được để giúp trẻ có thể được tiêm phòng đầy đủ và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các mũi tiêm vắc xin. Vậy lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ như thế nào? Trẻ có thể gặp phải tác dụng phụ gì sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu?

Chủng ngừa vắc xin đầy đủ là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả trước các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ cần nắm rõ được lịch tiêm chủng của con nhằm đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và an toàn. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ mang những thông tin hữu ích về lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ đầy đủ nhất nhé!

Vì sao trẻ em cần phải tiêm phòng bệnh thuỷ đậu?

Thuỷ đậu là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Căn bệnh này có thể gây ra nhiều triệu biến chứng nguy hiểm như viêm não, nhiễm trùng da và các vấn đề nghiêm trọng khác.

Bệnh thuỷ đậu có tốc độ lây lan tương đối nhanh chóng, đặc biệt là ở những nơi đông người. Virus thuỷ đậu lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp thông qua việc tiếp xúc với người nhiễm bệnh khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Mặt khác, VZV cũng có khả năng lây lan qua việc tiếp xúc với những vật dụng của người mang bệnh, bao gồm đồ chơi, chăn chiếu, sử dụng chung đồ hoặc bất kỳ một vật dụng nào - nơi mà VZV có thể sống sót.

Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu từ 10 - 21 ngày kể từ thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh. Những triệu chứng thường gặp của bệnh thuỷ đậu trong giai đoạn ủ bệnh gồm có đau cơ, đau đầu hoặc phát ban. Tuy nhiên, trẻ em mắc bệnh thuỷ đậu thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, chỉ đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng rầm rộ như sốt cao, mệt mỏi, xuất hiện mụn nước (đường kính từ 1 - 3mm) trên khắp cơ thể và trong niêm mạc, gây ngứa rát. Trong trường hợp nghiêm trọng, kích thước mụn nước có thể lớn hơn và chứa dịch mủ màu đục khi bị nhiễm trùng. Sau khoảng 1 tuần, bệnh thuỷ đậu sẽ chuyển dần sang giai đoạn phục hồi, lúc này các nốt mụn nước sẽ tự vỡ, khô lại và bong vảy. Để tránh nhiễm trùng thì người bệnh cần phải vệ sinh cơ thể đúng cách kết hợp với thuốc trị thâm và trị sẹo.

Bên cạnh đó, bệnh thuỷ đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách như nhiễm trùng, viêm phổi, viêm màng não, viêm não hoặc viêm thận, đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ em. Do vậy, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng ngừa bệnh thuỷ đậu đầy đủ. Vậy lịch tiêm thủy đậu cho trẻ như thế nào?

Lịch tiêm thủy đậu cho trẻ em và các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu 1
Trẻ bị thuỷ đậu có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe

Lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ

Trước khi tìm hiểu về lịch tiêm thuỷ đậu của trẻ, cha mẹ nên nắm được các loại vắc xin phòng ngừa bệnh thuỷ đậu dành cho trẻ. Theo đó, tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang cung cấp 2 loại vắc xin phổ biến có khả năng phòng ngừa bệnh thuỷ đậu, bao gồm:

  • Vắc xin Varilrix (Bỉ): Loại vắc xin này được chỉ định sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành.
  • Vắc xin Varivax (Mỹ): Được chỉ định tiêm cho trẻ từ đủ 12 tháng tuổi và người trưởng thành.

Cả hai loại vắc xin trên đều là dạng vắc xin sống giảm độc lực của virus VZV và được đánh giá cao về tính hiệu quả cũng như độ an toàn. Vậy lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ như thế nào?

Lịch tiêm thủy đậu cho trẻ em và các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu 2
Lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh

Lịch tiêm vắc xin Varilrix (Bỉ)

Tiêm vắc xin Varilrix phòng bệnh thuỷ đậu gồm có 2 mũi, lịch tiêm cụ thể như sau:

Lịch tiêm cho trẻ nhỏ ≥ 09 tháng đến 12 tuổi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên khi trẻ được tròn 9 tháng.
  • Mũi 2: 03 tháng sau mũi 1.

Lịch tiêm cho người từ 13 tuổi trở lên:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.

Lịch tiêm vắc xin Varivax (Mỹ)

Vắc xin Varivax phòng bệnh thuỷ đậu cũng có 2 mũi với lịch tiêm chủng như sau:

Lịch tiêm cho trẻ ≥ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 03 tháng sau mũi 1 hoặc khi trẻ được 4 - 6 tuổi theo khuyến cáo của WHO/CDC Hoa Kỳ.

Lịch tiêm cho người ≥ 13 tuổi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 01 tháng sau mũi 1.

Cha mẹ cần tuân thủ đúng lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ để giúp con phát triển, duy trì khả năng miễn dịch cao, từ đó kích thích cơ thể tăng cường khả năng phòng ngừa bệnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu

Trẻ có thể gặp phải một số phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu, cụ thể như sau:

  • Một số trẻ có thể bị sưng đau tại vùng tiêm vắc xin. Đây là một phản ứng thông thường sau tiêm và thường sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày.
  • Trẻ có thể bị sốt cao sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu. Tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng bởi đây là một phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin. Thay vào đó, cha mẹ hãy hạ sốt và chăm sóc cho trẻ đúng cách sau tiêm.
  • Trẻ có thể gặp phải một số phản ứng khác như buồn nôn, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi…

Cha mẹ cần phải chăm sóc và theo dõi sát các phản ứng sau tiêm của trẻ. Nếu xảy ra phản ứng nghiêm trọng hoặc bất thường thì hãy liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng hoặc bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử trí đúng cách và kịp thời.

Lịch tiêm thủy đậu cho trẻ em và các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu 3
Trẻ có thể bị sốt sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu

Những trường hợp trẻ không nên tiêm vắc xin thuỷ đậu

Tương tự như nhiều loại vắc xin khác, việc tiêm chủng vắc xin thuỷ đậu có thể là không phù hợp hoặc cần có sự tư vấn y tế của các chuyên gia. Dưới đây là những trường hợp trẻ không thực hiện tiêm vắc xin thuỷ đậu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bao gồm:

  • Trẻ đang mắc phải bệnh lý nền nặng như bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp hoặc các bệnh lý có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Việc tiêm vắc xin thuỷ đậu hay bất kỳ một loại vắc xin nào cần có sự đánh giá kỹ lưỡng từ các bác sĩ chuyên khoa.
  • Trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin thuỷ đậu. Do đó, trẻ không nên tiêm loại vắc xin này và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về những phương án thay thế vắc xin thuỷ đậu.
  • Trẻ đang bị sốt cao thường được khuyến cáo lùi lịch tiêm vắc xin thuỷ đậu cho đến khi cơ thể phục hồi hoàn toàn.

Lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ trong những trường hợp trên cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để bảo vệ sức khoẻ và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Lịch tiêm thủy đậu cho trẻ em và các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin thuỷ đậu 4
Trẻ đang mắc phải bệnh lý nền nặng cần có sự đánh giá kỹ càng từ bác sĩ trước khi tiêm vắc xin

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này đã giúp cha mẹ nắm chắc được lịch tiêm thuỷ đậu cho trẻ và những lưu ý cần biết về các phản ứng phụ có thể gặp sau tiêm cũng như hướng xử trí đúng cách. Cha mẹ hãy liên hệ ngay đến Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để nhận tư vấn từ các chuyên gia tiêm chủng và đặt lịch tiêm phòng vắc xin thuỷ đậu cho trẻ cũng như nhiều loại vắc xin khác nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin