Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lười vận động gây nguy cơ đái tháo đường

Ngày 25/02/2022
Kích thước chữ

Những thói quen xấu như lười vận động, ngồi hay nằm nhiều cùng chế độ ăn không khoa học sẽ làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường. Chỉ cần thay đổi lối sống thụ động, bạn có thể phòng tránh căn bệnh này.

Để tìm hiểu tại sao lười vận động lại gây bệnh đái tháo đường? Căn bệnh này nguy hiểm ra sao và cách phòng ngừa bệnh? Hãy tham khảo bài viết sau nhé.

Vì sao lười vận động gây đái tháo đường?

Lười vận động gây nguy cơ đái tháo đường 1 Lười vận động có thể gây nguy cơ bị đái tháo đường

Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay gọi là tiểu đường là dạng bệnh rối loạn chuyển hóa đường bên trong cơ thể. Lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do tuyến tụy không có khả năng tự sản xuất Insulin hoặc tế bào bị mất khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể. 

Có ba loại đái tháo đường gồm :

Đái tháo đường type 1

Thường là do yếu tố di truyền, tế bào tuyến tụy sản xuất Insulin bị phá hủy, người bệnh sẽ phải tiêm Insulin định kỳ kết hợp với chế độ ăn uống đặc biệt và tập thể dục đều đặn. Có 5 - 10% người mắc bệnh đái tháo đường thuộc type này và chủ yếu tập trung ở những người dưới 20 tuổi.

Đái tháo đường type 2

Bệnh nhân thuộc type này phổ biến, chiếm khoảng 90 - 95%, chủ yếu ở độ tuổi trên 40. Bệnh do cơ thể không sản xuất đủ hoặc không đáp ứng với Insulin một cách bình thường cùng với việc không tập thể dục thể thao, thừa cân và ít vận động

Đái tháo đường thai kỳ

Có khoảng 4% thai phụ mắc bệnh đái tháo đường, chủ yếu xuất hiện ở thai kỳ từ tuần 24 - 28 nhưng sẽ tự khỏi sau khi sinh. Người bệnh cần điều trị kịp thời để không ảnh hưởng xấu cho cả mẹ và bé.

Những biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường 

Tùy vào loại bệnh, quá trình điều trị và kiểm soát, bệnh sẽ có những biến chứng khác nhau và cơ chế sinh bệnh có thể thay đổi. Tuy vậy,  tình trạng tăng Glucose huyết kéo dài vẫn luôn xảy ra. Một số ít trường hợp ít biến chứng dù có Glucose huyết tăng cao kéo dài, ngược lại có trường hợp có nhiều biến chứng nặng dù chỉ bị bệnh một thời gian ngắn. Vì thế, ngoài việc tăng glucose huyết, một số tác nhân khác cũng gây biến chứng như di truyền, môi trường, bệnh đi kèm.

Các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra có thể kể đến như:

Biến chứng cấp tính

  • Hạ Glucose máu: Nói và có cử chỉ chậm chạp, buồn ngủ, mệt mỏi, run, đói bụng, yếu cơ... thậm chí hôn mê nếu Glucose máu hạ xuống đến cực thấp.
  • Nhiễm toan Ceton: Máu bị toan hóa do nồng độ Acid acetic tăng, gây tình trạng nhiễm độc. Người bệnh tiểu nhiều hơn mức bình thường, uống nước nhiều, khát nước, chán ăn, đau bụng, đau đầu, đỏ da... Nếu không được xử trí kịp thời có thể bị hôn mê và dẫn đến tử vong.
  • Tăng Glucose máu: Khi lượng đường huyết > 33,3 mmol/l sẽ tăng Glucose máu làm người bệnh yếu cơ, khát nước, chuột rút, tiểu nhiều, co giật, nhầm lẫn, đặc biệt có thể hôn mê và tử vong nếu ở mức độ nặng nhất.

Biến chứng mãn tính

  • Mạch máu nhỏ bị tổn thương: Do sự dao động lượng Glucose máu và sự tăng cao của nồng độ đường trong máu. Nếu bị cao huyết áp, tổn thương sẽ nặng hơn.
  • Bệnh lý thần kinh: Do các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh bị tổn thương.
  • Bệnh lý võng mạc: Do các mạch máu võng mạc bị tổn thương gây giảm thị lực và có thể gây mù vĩnh viễn. 
  • Bệnh lý cầu thận: Do các mạch máu nhỏ ở cầu thận bị tổn thương.
  • Bệnh mạch vành: Biến chứng bệnh mạch vành chiếm khoảng 75% người bệnh đái tháo đường và có thể gây tử vong.

Lười vận động gây đái tháo đường

Lười vận động gây nguy cơ đái tháo đường 2 Lười vận động làm suy giảm phản ứng với Insulin

Ngoài những yếu tố có thể gây bệnh đái tháo đường như béo phì, stress, sỏi thận, buồng trứng đa nang, lười vận động cũng là một nguy cơ phổ biến gây ra căn bệnh này. Theo nhiều thống kê, những người lười vận động, ngồi nhiều có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với những người có vận động.

Tụy là nơi sản sinh ra Insulin, giúp tế bào lấy Glucose từ máu để tạo ra năng lượng cho sự hoạt động của tế bào. Khi không vận động, tế bào gần như không phản ứng với Insulin. Tình trạng lười vận động, ngồi nhiều kéo dài sẽ làm suy giảm phản ứng với Insulin, dẫn đến tụy tiết ra nhiều Insulin, gây bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra lười vận động, ngồi nhiều khiến chúng ta ăn nhiều những thực phẩm đóng hộp, thực phẩm giàu chất béo và carbohydrate, gây thừa cân béo phì, từ đó tăng nguy cơ thúc đẩy đái tháo đường type 2 phát triển.

Vai trò của vận động đối với bệnh tiểu đường

Vận động, cụ thể là tập thể dục thể thao, một cách đều đặn, hợp lý luôn là liều thuốc bổ với sức khỏe vì giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, chứng béo phì, chứng tăng mỡ máu…

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường, vận động không chỉ giúp kiểm soát đường máu mà còn tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể từ đó giúp giảm lượng đường trong máu đồng thời giúp cơ thể cải thiện khả năng sử dụng glucose;  Có thể làm giảm insulin; Tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu từ đó giảm thiểu nguy cơ với bệnh tim mạch; Cải thiện huyết áp; Kiểm soát cân nặng; Giúp khớp được duy trì và tăng cường độ linh hoạt; Chế ngự căng thẳng; Hỗ trợ điều trị tiểu đường tốt hơn đồng thời ngăn chặn được các biến chứng do tiểu đường gây ra; Cải thiện khả năng sử dụng đường trong cơ thể nên sẽ giúp cải thiện kiểm soát đường huyết đồng thời giảm nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.

Người bị đái tháo đường nên tập gì?

Đi bộ

Mỗi ngày luyện tập đi bộ là bài tập đơn giản vừa rèn luyện thể chất vừa giảm trạng thái stress và thử giãn cơ. Tốt nhất nên đi bộ bước nhanh từ 30 phút đến 1 giờ/ ngày ít nhất 5 ngày/tuần. Bạn cần luyện tập đi bộ như một thói quen thường xuyên để có cuộc sống đầy ý nghĩa và giàu năng lượng. 

luoi-van-dong-gay-nguy-co-dai-thao-duong 3 Đi bộ để rèn luyện sức khỏe

Môn nhảy

Nhảy là một cách luyện tập thể dục và giúp thư giãn rất tốt. Bạn chỉ cần nhún nhảy theo ý thích trong vòng từ 25 phút đến 30 phút/ ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Lợi ích từ môn nhảy gồm cải thiện hoạt động tim mạch, hạ đường huyết, giảm Stress và đốt cháy nhiều Calo, điều hòa mỡ máu. 

Bơi lội

Bơi lội giúp cho các cơ ở chi trên và chi dưới cùng hoạt động, rất tốt cho hoạt động của tim. Đây cũng là hoạt động đốt cháy Calo rất nhanh và làm giảm Cholesterol máu nhưng lại có nguy cơ hạ đường máu. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cần thận trọng khi bơi lội.

Đạp xe

Đây là môn thể thao tốt cho bệnh đái tháo đường vì có thể cải thiện đường máu. Đạp xe thời gian từ 20 đến 30 phút/ngày, ít nhất từ 3 - 5 lần/tuần có thể làm tăng nhịp tim, đốt cháy lượng đường trong máu và giúp giảm cân mà không gây đau đầu gối.

Leo cầu thang

Leo cầu thang là một động tác đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như đốt cháy năng lượng, tăng cường hoạt động của tim - phổi, phù hợp với người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Lên xuống cầu thang trong vòng 3 phút, sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ sẽ giúp tiêu thụ lượng đường trong máu hiệu quả. 

Một số bài tập tăng cường sức mạnh

Người bệnh đái tháo đường ở mức độ nhẹ, có sức khỏe tốt, có thể tập thể dục với cường độ khoảng 2 lần/tuần để giúp cơ bắp, xương khớp chắc khỏe và hạ đường máu. 

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số hoạt động tại nhà như nâng chai nước, chống đẩy, bài tập cơ bụng, bài tập gánh tạ, bài tập chùng chân.

Làm vườn

Khi chăm sóc cây cối, bạn thực hiện các hoạt động giúp lưu thông dòng máu như đi bộ, cúi người, quỳ gối, cuốc đất, nâng các vật dụng, giúp cơ xương khớp được chắc khỏe hơn. Ngoài ra làm vườn còn giúp thư giãn rất tốt.

Tập yoga

Yoga ít tiêu thụ năng lượng, giúp bạn khỏe và linh hoạt hơn. Các động tác chuyển động, tư thế và hơi thở có thể giúp giảm căng thẳng, cơ bắp khỏe mạnh, đồng thời ổn định mức đường huyết.

Tập thái cực quyền 

Đây là môn võ có các chuyển động chậm kết hợp hít thở sâu giúp cơ thể được linh hoạt, vận động và cân bằng. Với bệnh nhân đái tháo đường, môn này giúp giảm căng thẳng, ngăn ngừa các tổn thương dây thần kinh ở chân, nhất là kiểm soát tốt đường máu, chức năng tim, phổi hoạt động tốt hơn, tăng cường dòng chảy của máu giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh  đái tháo đường. Bạn nên duy trì chế độ tập ít nhất 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Người mới bắt đầu tập nên luyện tập trong khoảng 5 - 10 phút/ ngày và tăng dần thời gian.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin