Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Những người thường đứng, ngồi nhiều, lười vận động có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chỉ cần vận động thường xuyên có thể ngăn ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch hoặc hỗ trợ điều trị rất tốt cho những người đã mắc chứng bệnh này.
Suy giãn tĩnh mạch là gì? Có liên quan gì đến vận động? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu nhé.
Bệnh giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ngày nay được xem là những căn bệnh thời đại. Đặc biệt, bệnh giãn tĩnh mạch chân có tần suất mắc bệnh tăng nhanh trong dân số với tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao gấp ba lần nam giới.
Ở Việt Nam, theo thống kê của hội Tĩnh mạch học TPHCM, tỷ lệ người trưởng thành bị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới chiếm vào khoảng 5 – 8% .
Bệnh gây nên bởi tình trạng máu từ chân trở về tim thì bị cản trở, gây ứ trệ tuần hoàn ở chi dưới.
Chi dưới có 2 loại tĩnh mạch:
Giãn tĩnh mạch là nói đến tĩnh mạch nông. Đây là dạng tĩnh mạch nằm ở dưới da, có thể nhìn thấy. Các triệu chứng của giãn tĩnh mạch thường là đau phía dưới chỗ bị giãn, chân sưng phù, ngứa, có khi viêm da, nổi gân xanh ngoằn ngoèo.
Suy tĩnh mạch là nói đến tĩnh mạch sâu. Đây là dạng tĩnh mạch không thể nhìn thấy do nằm ở sâu trong cơ. Các triệu chứng của suy tĩnh mạch thường là đau nhức chân, nặng, mỏi chân nhất là về buổi chiều, sưng phù nhất là vùng mắt cá, chuột rút về ban đêm, ngứa, cảm giác kiến bò. Muốn giảm các triệu chứng chỉ cần nằm nghỉ và gác chân lên cao.
Giãn tĩnh mạch chân là hậu quả của tình trạng viêm thành tĩnh mạch, trào ngược máu tĩnh mạch xuống chân, ngăn máu từ chân trở về tim gây ứ trệ tuần hoàn, từ đó tĩnh mạch dần giãn to ra, sau đó sẽ dẫn đến biến chứng suy tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên suy giãn tĩnh mạch là do lối sống thường ngày. Theo các nghiên cứu mới nhất do việc ăn uống không điều độ, lười vận động nên tỉ lệ thanh thiếu niên mắc bệnh giãn tĩnh mạch ngày càng tăng khiến tăng cân quá nhanh, các lớp mỡ phát triển nhiều chèn ép lên mạng lưới tĩnh mạch.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như cảm giác tức nặng hai chân, đôi khi thấy phù chân vào cuối ngày, chuột rút, đau bắp chân hoặc có cảm giác tê rần ở hai chi dưới.
Trong giai đoạn sau của bệnh, bạn có thể nhìn thấy được các búi tĩnh mạch nổi rõ ngoằn ngoèo dưới da. Trường hợp nặng sẽ gặp triệu chứng như loét da chân do thiếu dinh dưỡng, viêm tĩnh mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu. Lúc này dù được điều trị tích cực nhưng các triệu chứng thuyên giảm chậm và khó lành.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới gồm người lớn trên 50 tuổi, người lao động phải đứng và ngồi nhiều, đi giày cao gót thường xuyên, bận áo quần bó sát hai chân, phụ nữ mang thai nhiều lần, sử dụng thuốc ngừa thai hay gia đình có người mắc bệnh.
Phụ nữ có thai có triệu chứng bệnh và diễn tiến nặng nề hơn. Lý do tình trạng giãn tĩnh mạch chân xấu đi là do khi mang thai tử cung to nên chèn ép máu tĩnh mạch về tim nhiều hơn và sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ.
Người bị suy giãn tĩnh mạch nên đảm bảo chế độ ăn hàng ngày đủ chất dinh dưỡng, giàu Vitamin, có đủ chất xơ như trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc... để tránh bị táo bón. Những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Do đó nếu quá béo thì cần giảm trọng lượng. Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày với nhu cầu nước của cơ thể người lớn là 2 lít nước mỗi ngày.
Người bệnh không nên mặc quần áo chật, đặc biệt là quần chật bó sát ở vùng chậu hông, chân.
Khi đi bộ, bước đi tự nhiên sao cho trọng lượng dồn đều lên cả hai bàn chân. Để hỗ trợ, nên mang giày có đế mềm và gót thấp, không nên mang giày cao gót.
Chú ý nằm ngồi đúng tư thế. Để tạo thuận lợi cho máu về tim qua đường tĩnh mạch, khi nằm nên kê chân lên cao hơn mức của tim 15-20 cm. Chiều cao của ghế phù hợp để khi ngồi hai bàn chân sát trên sàn nhà, sao cho khớp cổ chân, khớp gối và khớp háng vuông góc với nhau, thẳng lưng. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Không ngồi đung đưa chân. khi ngồi, mặt dưới đùi vừa chạm mặt ghế để giảm tối đa lực ép lên mặt dưới đùi, không cản trở lưu thông máu tĩnh mạch chạy dọc mặt sau đùi. Đặc biệt, cần tránh ngồi với tư thế gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân...
Nên đi bộ thường xuyên, hạn chế đi thang máy để luyện tập cho tĩnh mạch. Với những người phải đứng nhiều thì thỉnh thoảng nên chạy tại chỗ để giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch.
Để máu không dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch bị quá tải, tránh mang vác, khiêng xách nặng.
Nên tập thể dục thường xuyên, có thể tập và chơi những môn thể thao có động tác nhịp nhàng và đơn giản như đi bộ, bơi lội, xe đạp khiêu vũ… Không nên chơi những môn thể thao có cử động mạnh và chuyển hướng đột ngột gây chấn động lên hệ tĩnh mạch chân như nhảy cao, cử tạ, nhảy xa, chạy tốc độ, tennis, bóng đá...
Khi gặp nóng tĩnh mạch sẽ giãn nỡ nên không xoa dầu nóng vào chân, không ngâm chân trong nước nóng vì làm giảm khả năng vận chuyển máu trở về tim. Không tắm nước quá nóng, sau khi tắm xong nên xối lại chân bằng nước lạnh làm co tĩnh mạch giúp cho sự chuyển máu về tim dễ dàng hơn.
Đi bộ là một trong những bài thể dục tốt nhất cho người bị suy giãn tĩnh mạch. Bởi vì khi đi bộ sẽ làm thay đổi thể tích và áp lực trong tĩnh mạch. Trong khi đó, khi bạn ở tư thế đứng yên với bàn chân tiếp xúc với mặt đất, sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch.
Tuy nhiên, khi nhấc gót chân lên cao thì máu từ đám rối tĩnh mạch ở phía dưới gót chân và mặt lòng bàn chân sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Hoạt động co cơ cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi và dòng máu sẽ chảy về tĩnh mạch cao hơn và tiếp tục về tim.
Khi đi bộ, hoạt động bơm tĩnh mạch được hiệu quả hơn. Các chuyên gia đã đo được khi chân đang vận động tích cực, lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu cao hơn so với lúc đang đứng yên. Hoạt động trên đã giúp máu đẩy mạnh mẽ về tim đồng thời giảm được tình trạng ứ đọng và giúp giảm áp lực trong hệ tĩnh mạch nông.
Với những người bệnh chưa có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu tập đi bộ với thời gian và quãng đường ngắn, sau đó tăng dần lên.
Đối với những người bị loét chân do suy tĩnh mạch, nên hạn chế việc vận động cổ chân. Do vậy, người bệnh cần tập vật lý trị liệu cổ chân và dùng liệu pháp giảm đau trước khi đi bộ.
Để đánh giá sự thay đổi của áp lực tĩnh mạch nông khi đi bộ, người ta làm thực nghiệm bằng cách tiến hành luồn kim nhựa vào lòng tĩnh mạch nông ở bàn chân của người bệnh và nối với một cột nước. Kết quả thực nghiệm cho thấy trong khi đứng yên, cột nước dâng cao ngang tim, còn khi di chuyển cổ chân liên tục, cột nước giảm xuống. Điều này chứng tỏ, việc đi bộ rất tốt cho người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Theo một nghiên cứu y khoa được cập nhật gần đây, với những người bị suy giãn tĩnh mạch mãn tính, nếu đi bộ dưới 10 phút/ngày có nguy cơ loét chân cao hơn nhóm người thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao. Ngoài ra, các hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới cũng đều khuyến cáo rằng đi bộ mỗi ngày rất tốt cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.