Khi nào cần điều trị suy giãn tĩnh mạch? Các phương pháp điều trị hiện nay
Ngày 29/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Suy giãn tĩnh mạch là khi tĩnh mạch dẫn máu bị sưng to, xoắn ngoằn ngoèo nổi gồ lên bề mặt da. Vậy khi nào cần điều trị suy giãn tĩnh mạch và có những lựa chọn điều trị nào?
Giãn tĩnh mạch là các mạch máu bị sưng xuất hiện ngay dưới bề mặt da ở phần dưới cơ thể. Khi thành tĩnh mạch yếu và van không hoạt động bình thường, máu sẽ ứ lại trong tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến hơn ở chân. Suy giãn tĩnh mạch không được xem là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh có thể gây khó chịu và mất thẩm mỹ cho chân của bệnh nhân nên việc điều trị suy giãn tĩnh mạch là cần thiết.
Khi nào cần điều trị suy giãn tĩnh mạch?
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi thành tĩnh mạch của bạn yếu đi. Khi huyết áp trong tĩnh mạch tăng lên, các thành mạch yếu đi sẽ khiến tĩnh mạch trở nên to hơn. Khi tĩnh mạch căng ra, các van tĩnh mạch ở chi dưới giữ cho máu di chuyển theo một hướng trong tĩnh mạch không thể hoạt động bình thường. Máu chảy chậm ứ đọng hoặc đọng lại trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch sưng lên, phồng lên và xoắn lại.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch có thể không cần thiết nếu bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số trường hợp suy giãn tĩnh mạch có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị. Điều trị sẽ giúp cho giảm bớt các triệu chứng khiến người bệnh đau hoặc khó chịu hay dùng để điều trị các biến chứng của bệnh chẳng hạn như sưng tấy, loét chân hoặc thay đổi màu da.
Phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ được bác sĩ xác định dựa trên:
Tuổi, sức khỏe và tiền sử bệnh của người bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Khả năng chịu đựng của người bệnh đối với các loại thuốc, thủ tục hoặc liệu pháp cụ thể.
Kỳ vọng về diễn biến của tình trạng bệnh.
Mức độ của chi phí người bệnh có thể chi trả.
Ý kiến hoặc sở thích của người bệnh.
Các phương pháp điều trị
Điều trị suy giãn tĩnh mạch có thể chia thành phương pháp không xâm lấn và xâm lấn.
Phương pháp không xâm lấn
Ở những bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ, ít hoặc không có triệu chứng có thể điều trị bằng phương pháp:
Để cao chân khi nghỉ: Người bệnh có thể được hướng dẫn nâng chân lên cao hơn tim 3 hoặc 4 lần một ngày, mỗi lần khoảng 15 phút. Nếu cần ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, thỉnh thoảng cử động gấp duỗi chân có thể giúp máu lưu thông. Khi bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở mức độ nhẹ đến trung bình, việc kê cao chân khi nghỉ ngơi có thể giúp giảm sưng chân và giảm các triệu chứng khác.
Vớ tĩnh mạch: Những chiếc tất co giãn này sẽ bóp chặt các tĩnh mạch và ngăn máu tụ lại. Vớ nén có thể có hiệu quả nếu được mang hàng ngày.
Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc làm tăng độ vững bền thành tĩnh mạch có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh và làm chậm quá trình tiến triển. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có tác dụng tốt trong giai đoạn đầu của bệnh hoặc hỗ trợ ổn định sau các điều trị nội mạch.
Phương pháp xâm lấn
Các phương pháp xâm lấn cần can thiệp vào tĩnh mạch bị suy giãn bao gồm:
Chích xơ hóa tĩnh mạch: Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc kích thích làm xơ hóa tĩnh mạch từ trong ra ngoài vào tĩnh mạch bệnh làm cho nó bị tắc hoàn toàn. Máu thông thường trở về tim qua các tĩnh mạch này sau phẫu thuật sẽ chảy qua các tĩnh mạch khác thay thế. Từ sau khi phương pháp điều trị bằng laser và sóng cao tần ra đời thì hiện nay xơ hóa tĩnh mạch là phương pháp hiếm khi được thực hiện.
Dùng laser hay sóng cao tần can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch nông bị bệnh: Các tĩnh mạch nông gồm tĩnh mạch hiển lớn hay tĩnh mạch hiển bé sẽ được chỉ định loại bỏ nếu có tổn thương được xác định trên siêu âm. Bác sĩ sẽ luồn dây dẫn laser hay sóng cao tần vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn, thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau khi chắc chắn đầu của dây dẫn nằm đúng vị trí cần điều trị, dùng năng lượng nhiệt tạo ra ở đầu dây dẫn để tạo phản ứng làm xơ nội mạc khiến cho thành mạch thu nhỏ lại và teo dính lòng tĩnh mạch. Dây dẫn sẽ được kéo lùi từng mốc 1cm trong quá trình làm xơ nội mạc cho đến khi lùi hoàn toàn ra khỏi tĩnh mạch. Dẫn lưu máu từ vùng bàn chân sẽ được thay thế bằng các tĩnh mạch bàng hệ khác.
Phẫu thuật Stripping: Được thực hiện bằng cách lột bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng cách sử dụng một dụng cụ chuyên dùng luồn trong lòng mạch. Đây là phương pháp điều trị khá triệt để với tỷ lệ tái phát thấp nhất. Trước những giai đoạn đầu, phẫu thuật lột Stripping được xem là kỹ thuật chính để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Trong vòng 10 năm gần đây, kỹ thuật sử dụng laser và sóng cao tần nội tĩnh mạch đã thay thế gần như hoàn toàn cho phẫu thuật Stripping.
CHIVA: Là một phẫu thuật nhỏ chỉ cần gây tê tại chỗ để cắt bỏ van tĩnh mạch bị tổn thương và lấy bỏ tĩnh mạch bàng hệ. Phương pháp này có ưu điểm là có thể bảo tồn tĩnh mạch hiển vì đây là mạch máu có nhiều ứng dụng, có thể làm mạch máu ghép trong các phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hay bắc cầu động mạch chi dưới… Để làm tốt kỹ thuật CHIVA, bác sĩ cần sử dụng siêu âm để đánh dấu chính xác vị trí van bị tổn thương và tĩnh mạch bàng hệ cần loại bỏ.
Thay đổi lối sống và khắc phục suy giãn tĩnh mạch
Hãy thử những lối sống và sử dụng các biện pháp khắc phục suy giãn tĩnh mạch tại nhà như sau:
Tập thể dục thường xuyên: Đi bộ là một cách tập luyện tuyệt vời để giúp máu lưu thông ở chân. Bác sĩ sẽ đề xuất mức độ đi bộ tốt cho bệnh nhân mà không quá sức.
Quản lý cân nặng:Giảm cân sẽ làm giảm áp lực lên tĩnh mạch và giúp giảm bớt tình trạng bệnh.
Tránh sử dụng nhiều muối: Thực hiện chế độ ăn ít muối để ngăn ngừa tình trạng sưng phù do cơ thể giữ nước.
Chọn giày dép phù hợp: Đừng đi giày cao gót, giày gót thấp tác động lên cơ bắp chân nhiều hơn và tốt hơn cho tĩnh mạch chi dưới.
Đừng mặc quần áo chật: Quần áo bó sát quanh eo, chân hoặc đùi có thể làm giảm lưu lượng máu của tĩnh mạch về tim.
Thay đổi vị trí thường xuyên: Đừng ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, hãy di chuyển giúp máu lưu thông.
Tóm lại, hiện tại có nhiều sự lựa chọn điều trị suy giãn tĩnh mạch tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy khi có các triệu chứng của bệnh, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín và có chuyên môn để bác sĩ lên kế hoạch điều trị tốt nhất và phù hợp nhất với bạn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.