Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mách bạn các mẹo trị ngứa cổ họng cực hiệu quả

Ngày 13/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngứa cổ họng là một triệu chứng phổ biến gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Điều này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về đường hô hấp và cần được điều trị kịp thời. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo trị ngứa họng tại nhà để giảm thiểu triệu chứng và tăng tốc quá trình hồi phục.

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các mẹo trị ngứa cổ họng ngay tại nhà, dễ làm mà lại rất hiệu quả. Tham khảo bài viết để trị dứt điểm triệu chứng ngứa cổ họng với các mẹo đơn giản.

Nguyên nhân gây ngứa cổ họng

Ngứa cổ họng có thể gây ra phản xạ ho, và nguyên nhân của nó rất đa dạng. Để xác định được nguyên nhân của cảm giác ngứa cổ họng, có thể tham khảo những gợi ý sau đây:

Tình trạng viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác ngứa cổ họng. Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một dị nguyên nào đó xâm nhập vào mũi, gây ra tình trạng dị ứng do histamin được giải phóng. Các tác nhân phổ biến gồm mạt bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc lá hoặc khói thải.

Ngoài ra, bạn cũng có thể có các triệu chứng khác như nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt xì từng tràng, mệt mỏi, mắt ngứa, đỏ, sưng và chảy nước mắt.

Dị ứng với một số thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là một trong những nguyên nhân có thể gây ngứa cổ họng. Khi một số thực phẩm nhất định không được cơ thể dung nạp và gây phản ứng dị ứng, triệu chứng thường xuất hiện trong vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn. Những thực phẩm thường gây dị ứng bao gồm đậu phộng, hải sản, trứng, sữa và lúa mì.

Ngoài triệu chứng ngứa cổ họng, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác như ngứa trong miệng, ngứa da, nổi mẩn, phát ban, đau bụng và tiêu chảy. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các tình trạng phù nề đồng loạt môi, lưỡi, hạ họng, thanh quản và nguy hiểm đến tính mạng nếu bị bít tắc đường thở.

Mách bạn các mẹo trị ngứa cổ họng cực hiệu quả 4
Dị ứng thực phẩm có thể gây ngứa cổ họng

Dị ứng do sử dụng thuốc

Có một số người bị dị ứng với các loại thuốc, ví dụ như penicillin và các loại kháng sinh khác. Triệu chứng đầu tiên thường là ngứa họng hoặc cổ họng ngay sau khi dùng thuốc.

Nếu bạn bị dị ứng với thuốc, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác như: Môi tê, phát ban, đỏ da quanh mắt, ngứa tai, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng môi, lưỡi, cổ họng, khó thở, khó nuốt... Ngoài ra, triệu chứng nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, gây suy tim, hạ huyết áp, mất ý thức, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chăm sóc y tế kịp thời.

Một số vi khuẩn hoặc virus gây ngứa cổ họng

Cảm lạnh hoặc cúm do virus có thể là nguyên nhân gây ngứa cổ họng. Ngoài ra, viêm họng do vi khuẩn cũng có thể gây ngứa cổ họng khi mới phát bệnh. Các triệu chứng ngứa cổ họng do nhiễm trùng thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Ngoài cảm giác ngứa, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác. Nếu nguyên nhân là do cảm lạnh, bạn sẽ cảm thấy uể oải nhẹ, không khỏe mạnh. Nếu bị nhiễm cúm, bạn sẽ gặp ngứa cổ họng kèm theo sốt, đau mỏi cơ, yếu người, nhức đầu, ho, tức ngực, nghẹt mũi, mệt mỏi...

Nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, bạn cần đến bác sĩ để khám và điều trị. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh và những thuốc kèm theo khác. Hãy uống đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị hiệu quả.

Cơ thể bị mất nước

Nếu bạn đang bị ngứa cổ họng, một nguyên nhân khác có thể là mất nước. Tình trạng mất nước có thể xảy ra khi bạn chảy nhiều mồ hôi do thời tiết nóng, sau khi tập thể dục hoặc khi bị sốt cao, tiêu chảy. Mất nước có thể dẫn đến khô môi, khô miệng và khô họng, gây ra cảm giác ngứa cổ họng.

Ngoài triệu chứng ngứa cổ họng, bạn cũng có thể cảm thấy khát, khô da, khô miệng, khô cổ họng, khó nuốt, nước tiểu ít và đậm màu. Nếu bạn thấy các triệu chứng này, hãy uống đủ nước và giữ cho cơ thể luôn được cung cấp đủ nước để tránh tình trạng mất nước.

Ngứa cổ họng do trào ngược dạ dày

Ngứa cổ họng có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh trào ngược mạn tính thường gây ra các vấn đề về cổ họng do dịch dạ dày có tính axit trào lên qua thực quản đến họng. 

Ở một số trường hợp, bệnh trào ngược có thể không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có ngứa rát cổ họng. Để xác định bệnh trào ngược, bác sĩ có thể đo độ pH của họng và thực quản. Các triệu chứng khác bao gồm khó nuốt hoặc đau khi nuốt, cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng, viêm thanh quản, mòn men răng, viêm nướu, miệng có vị lạ.

Mách bạn các mẹo trị ngứa cổ họng cực hay 1
Ngứa cổ họng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

Một số mẹo trị ngứa cổ họng hiệu quả

Nếu bạn muốn trị ngứa cổ họng một cách tự nhiên và hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số mẹo trị ngứa cổ họng dưới đây:

Sử dụng nước muối

Súc miệng bằng nước muối là biện pháp hiệu quả để giảm ngứa và viêm họng do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Để chuẩn bị dung dịch muối, bạn có thể pha 1/2 thìa cà phê muối với 1 cốc nước ấm (khoảng 250ml nước) và sử dụng để ngậm, súc miệng. Điều này giúp giảm tích tụ chất nhầy trong cổ họng và làm dịu cơn đau.

Ngoài ra, ngay cả khi bạn không gặp vấn đề về sức khỏe, súc miệng bằng nước muối hằng ngày cũng là một biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe miệng và họng của bạn. Việc súc miệng thường xuyên với nước muối có thể giảm sự phát triển của vi khuẩn và virus, ngăn ngừa các bệnh lý về miệng và họng, giúp bạn duy trì hơi thở thơm tho và miệng sạch sẽ.

Mách bạn các mẹo trị ngứa cổ họng cực hay 2
Mẹo sử dụng nước muối giảm triệu chứng ngứa cổ họng

Ngậm kẹo hoặc dùng siro ho

Khi bị ngứa họng, nhiều người đã sử dụng kẹo ngậm hoặc siro ho như một giải pháp để giảm triệu chứng ngay lập tức. Kẹo ngậm và siro ho tan chậm trong miệng giúp làm giảm các triệu chứng ngứa họng bằng cách tăng tiết nước bọt phủ lên bề mặt cổ họng.

Chúng thường chứa tinh dầu bạc hà hoặc benzocain, hai thành phần có tác dụng làm giảm tạm thời kích ứng và giảm đau họng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không được cải thiện sau vài ngày hoặc có các triệu chứng khác xuất hiện, bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để được khám và chữa trị đầy đủ.

Uống ngay một tách trà nóng hoặc chép súp nóng

Cung cấp đủ lượng chất lỏng cho cơ thể là rất quan trọng trong quá trình chữa trị và ngăn ngừa triệu chứng ngứa họng. Việc uống đủ nước giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và giữ cho niêm mạc cổ họng không bị khô, giảm bớt cảm giác khó chịu và đau rát.

Ngoài nước, bạn có thể uống các loại đồ uống khác như trà, nước ép, canh, súp,... Tuy nhiên, lưu ý rằng nên uống ở nhiệt độ vừa phải, tránh uống quá nóng hoặc quá lạnh để tránh tác động tiêu cực đến niêm mạc cổ họng.

Ngậm mật ong

Mật ong là một giải pháp tự nhiên và hiệu quả trong việc giảm kích ứng, ngứa họng, ho tương đương với một số loại thuốc ho. Bạn có thể sử dụng mật ong theo nhiều cách khác nhau, đơn giản nhất là ngậm một thìa mật ong nguyên chất sẽ giúp làm dịu cổ họng. Nếu bạn muốn tăng hiệu quả của mật ong, bạn có thể hoà tan nó vào trà nóng.

Mách bạn các mẹo trị ngứa cổ họng cực hay 3
Mật ong giúp làm dịu cổ họng

Máy tạo độ ẩm giúp xử lý không khí

Khi thời tiết thay đổi hoặc độ ẩm giảm xuống, nhiều người gặp phải triệu chứng ho ngứa cổ họng. Trong trường hợp này, nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong không gian sống để giữ cho độ ẩm môi trường cân bằng. Việc này sẽ giúp làm dịu niêm mạc hầu họng, cải thiện triệu chứng ho và giảm sự ngứa rát, khó chịu cổ họng.

Hơn nữa, sử dụng máy tạo độ ẩm còn có thể giảm kích thích niêm mạc mũi xoang, giúp hạn chế nguy cơ bùng phát các bệnh đường hô hấp như viêm xoang, viêm họng, viêm mũi dị ứng và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, nên lưu ý vệ sinh thường xuyên cho máy tạo độ ẩm để tránh tạo ra môi trường ẩm ướt và thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.

Một số lưu ý trị dứt điểm cơn ngứa cổ họng

Để tránh cơn ngứa cổ họng, có một số biện pháp bạn có thể thực hiện, bao gồm:

  • Từ bỏ hút thuốc (nếu có) và giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với khói thuốc.
  • Uống đủ lượng nước hằng ngày để giữ cho cơ thể luôn được cấp nước đầy đủ.
  • Tránh uống các đồ uống chứa caffeine và cả rượu bia để hạn chế kích thích cổ họng.
  • Rửa tay và đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây nhiễm trong mùa cảm lạnh và cúm (từ tháng 10 đến tháng 5).

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày và có xu hướng tăng lên hoặc các biện pháp tự chăm sóc không giúp giảm đau và ngứa cổ họng, bạn nên đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn tình trạng ngứa cổ họng và có thể áp dụng các mẹo trên để trị ngứa cổ họng ngay tại nhà an toàn và hiệu quả. Chúc bạn sớm trị dứt điểm tình trạng ngứa cổ họng!

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm