Hôi miệng là không phải là bệnh lý nghiêm trọng, nhưng có thể là biểu hiện của một bệnh lý khác trong cơ thể. Tình trạng hôi miệng kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giao tiếp hàng ngày. Giải quyết được mùi hôi từ miệng sẽ giúp bạn lấy lại tự tin và thoải mái hơn trong giao tiếp. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết được các mẹo vặt chữa hôi miệng hiệu quả nhé.
Theo MayoClinic, hôi miệng còn gọi là hội chứng hôi miệng, gây lo lắng, tự ti, không thoải khi giao tiếp. Khi bị hôi miệng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống hàng ngày rất nhiều. Ngoài ra hôi miệng còn là yếu tố cảnh báo các bệnh lý khác cần phải điều trị kịp thời.
Hôi miệng là gì?
Hôi miệng được định nghĩa là mùi hôi xuất phát từ khoang miệng. Nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng là do sự giải phóng các hợp chất sulfur dễ bay hơi. Trong đó khoảng 85% trường hợp có nguyên nhân là từ khoang miệng, còn lại là có nguồn gốc từ các nguyên nhân ngoài miệng.
Nguyên nhân gây hôi miệng
Hơi thở có mùi hôi thường là do vi khuẩn Gram âm hiếu khí kết hợp với thực phẩm trong miệng, tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi như hydrogen sulfide và methyl mercaptan. Những vi khuẩn này có thể có mặt trong bệnh nha chu, đặc biệt là khi có vết loét hoặc hoại tử. Các vi khuẩn gây bệnh nằm sâu trong túi nha chu quanh răng hoặc ở sau mặt lưỡi.
Có thể kể đến các nguyên nhân gây hôi miệng như sau:
Do thức ăn: Các loại thực phẩm có thể gây hôi miệng như hành, tỏi, sữa, rượu bia các loại… Hoặc do thực phẩm mắc kẹt trong răng và trong khoang miệng.
Do hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm khô niêm mạc miệng nên dẫn đến hôi miệng.
Do vệ sinh răng miệng kém: Thức ăn thừa bám trên răng, hoặc cặn lưỡi không được vệ sinh sẽ gây ra mùi hôi khó chịu. Không vệ sinh răng miệng sẽ dễ mắc bệnh nha chu làm nặng thêm tình trạng hôi miệng.
Do thuốc: Khi sử dụng các thuốc như amphetamine, chloral hydrate, thuốc gây độc tế bào, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate và nitrite, phenothiazine sẽ gây hôi miệng do gián tiếp làm khô miệng.
Do bệnh lý: Các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng mũi, hầu, họng; bệnh trào ngược dạ dày thực quản - GERD; nhiễm HP, Đái tháo đường nhiễm toan ceton,...
Hội chứng Sjögren: Hội chứng di truyền hiếm gặp. Hệ miễn dịch làm cho các tuyến nước bọt, tuyến lệ ngưng hoạt động. Do đó gây ra khô miệng làm hôi miệng.
Hội chứng mùi cá ươn: Đây là hội chứng di truyền có liên quan đến vấn đề rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân là do cơ thể không thể chuyển hóa được trimethylamine, một chất có trong các thực phẩm có mùi tanh. Do không chuyển hóa được nên chất này sẽ thoát ra ngoài cơ thể và gây hôi miệng.
Các mẹo vặt chữa hôi miệng hiệu quả
Khi gặp tình trạng hôi miệng kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, tìm nguyên nhân. Trước tiên là gặp bác sĩ nha khoa để tìm nguyên nhân trong khoang miệng và giải quyết nó. Nếu vấn đề không ở khoang miệng thì bạn sẽ thăm khám bác sĩ chuyên khoa khác như tiêu hóa, tai mũi họng,... để có cách điều trị phù hợp.
Một số mẹo vặt chữa hôi miệng sau đây có thể chữa được hôi miệng xuất phát từ khoang miệng mà bạn có thể áp dụng tại nhà một cách hiệu quả:
Ăn các loại rau thơm
Các loại rau thơm có tinh dầu như: Thìa là, húng chanh, bạc hà, rau mùi,... sẽ giúp bạn cải thiện được tình trạng hôi miệng. Tinh dầu trong các loại rau thơm này sẽ đóng vai trò như một chất làm thơm miệng, đồng thời có tác dụng kháng khuẩn. Bạn nhai 1 vài lá sau bữa ăn sẽ giúp hơi thở thơm mát, không còn mùi hôi nữa.
Gừng
Gừng được dùng bằng cách pha với nước ấm hoặc pha với trà để uống. Bởi vì gừng có tính kháng khuẩn và khử mùi rất tốt, do đó có thể ngăn được hôi miệng.
Chanh tươi
Bạn có thể pha 1 chút chanh với nước muối để súc miệng trước khi đánh răng. Tinh dầu và chất axit trong chanh giúp khử mùi hiệu quả. Do đó sẽ giúp khoang miệng bạn luôn sạch sẽ, có hơi thở thơm mát hơn, không còn lo hôi miệng nữa.
Sữa chua
Sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn Probiotics, có lợi cho hệ tiêu hóa. Các lợi khuẩn sẽ ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Đồng thời cũng ức chế hình thành hydrogen sulfide - một chất gây mùi hôi miệng. Do đó cải thiện tình trạng hôi miệng một cách hiệu quả.
Trà xanh
Trà xanh cũng là thực phẩm có tính chống oxy hóa và có tính kháng khuẩn cao. Do đó người ta cũng bổ sung thành phần trà xanh vào các sản phẩm làm sạch răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng,...
Kẹo cao su và xịt thơm miệng
Để giải quyết nhanh chóng và tạm thời tình trạng hôi miệng, bạn nên sử dụng xịt thơm miệng, kẹo cao su. Các ion kim loại và các chất chống oxy có trong các sản phẩm này sẽ trung hòa các hợp chất hóa học gây mùi hôi. Do đó nhanh chóng đem lại cho bạn hơi thở thơm mát tức thì.
Phòng ngừa hôi miệng hiệu quả
Bên cạnh các mẹo vặt chữa hôi miệng tạm thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn tránh được tình trạng hôi miệng, giữ hơi thở bạn luôn thơm mát.
Vệ sinh răng miệng
Mỗi ngày nên đánh răng ít nhất 2 lần, nhất là phải đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ. Bạn cũng nên làm sạch lưỡi để loại bỏ các mảng bám trên lưỡi. Bạn có thể kết hợp các biện pháp để làm sạch khoang miệng như: Dùng nước súc miệng, tăm nước, chỉ nha khoa,... Ngoài ra nên thay mới bàn chải sau mỗi 2 - 3 tháng để đảm bảo vệ sinh và tránh hôi miệng.
Uống nhiều nước
Uống từ 2 lít nước mỗi ngày sẽ cung cấp đủ nước cho cơ thể hoạt động. Việc uống nước cũng giúp cho miệng không bị khô. Từ đó tránh được tình trạng hôi miệng do khô miệng.
Kiểm soát chế độ ăn
Việc ăn các loại thực phẩm như hành, tỏi,... sẽ làm hơi thở có mùi hôi. Các thực phẩm có chứa axit và đường tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển gây hôi miệng. Do đó nên hạn chế các loại thực phẩm này và tăng cường bổ sung các loại thực phẩm gây tăng tiết nước bọt.
Thay đổi lối sống
Bỏ thói quen hút thuốc lá để tránh bị hôi miệng. Đồng thời cũng từ bỏ thói quen uống rượu bia các loại bạn nhé.
Ngoài ra bạn nên quan tâm đến sức khỏe răng miệng nhiều hơn. Hãy đến gặp bác sĩ định kỳ mỗi 6 tháng để cạo vôi răng và thăm khám kịp thời bệnh nha chu.
Bạn hoàn toàn có thể giải quyết tình trạng hôi miệng hiệu quả bằng các cách ở trên đây. Nếu tình trạng hôi miệng kéo dài, không thể giải quyết bằng mẹo vặt chữa hôi miệng, bạn nên đến thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời. Hi vọng bạn luôn tự tin với nụ cười rạng rỡ, hơi thở thơm mát nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.