Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Màng phổi tuy không tham gia trực tiếp vào tiến trình trao đổi khí nhưng lại đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động hô hấp ở phổi. Vậy bạn biết gì về cấu tạo, chức năng và các bệnh liên quan tới bộ phận này?
Màng phổi được xem là lớp đệm ngăn cách, giúp chặn đứng tác động gây hại của các cơ quan lân cận cùng các yếu tố nguy cơ lên phổi và ngược lại. Bộ phận này có thể phát sinh nhiều bệnh lý nhưng phổ biến nhất vẫn là hiện tượng tràn dịch, tràn khí và viêm nhiễm.
Màng phổi là một tổ chức nằm bao quanh phổi, có cấu tạo gồm hai lớp (lá), đó là màng phổi thành (lá thành) và màng phổi tạng (lá tạng).
Lá tạng và lá thành ngăn cách nhau bởi một khoang chứa dịch huyết thanh. Chất dịch này duy trì ở mức lý tưởng là 10 - 20ml. Chúng thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất là bôi trơn, giảm ma sát khi phổi thay đổi thể tích trong cử động hô hấp. Thứ hai là tối ưu sức căng bề mặt, giúp rút ngắn khảng cách giữa lá thành và lá tạng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng lồng ngực. Nhờ vậy mà phổi có thể khuếch đại kích thước và trao đổi khí hiệu quả hơn.
Ở khu vực phía trước và sau của khoang chứa dịch không được phổi che khít toàn phần mà hình thành nên các hốc. Cụ thể, mỗi khoang được tạo bởi lá thành và lá tạng sẽ có 2 hốc, đó là hốc cơ hoành (giữa khu vực cơ hoành - sườn) và hốc sườn trung thất (giữa khu vực trung thất, sườn và phía sau xương ức). Những hốc này có chứa chất lỏng, tuy nhiên nếu lượng quá nhiều có thể gây tràn dịch.
Màng phổi tham gia tích cực vào hoạt động hô hấp. Chúng cung cấp dịch bôi trơn, giảm ma sát và tạo ra lớp đệm hoàn hảo cho cử động hít vào, thở ra của con người.
Dịch nằm giữa lá thành và lá tạng có độ dính nhẹ nên giúp kéo, mở rộng phổi ra các phía thay vì trượt thành vòng bên trong khoang ngực. Ngoài ra thành phần này còn cố định vị trí phổi vào thành ngực, tạo đà thuận lợi cho quá trình hô hấp.
Chưa hết, bộ phận trên còn phân tách các cơ quan trong khoang ngực, từ đó giúp giảm thiểu tác động gây hại cho hoạt động của phổi và ngược lại. Ngoài ra, do kết cấu màng cũng ở trạng thái khép kín nên hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
Dưới đây là những bệnh lý thường gặp ở màng phổi mà chúng ta không nên xem nhẹ:
Đây là tình trạng xuất hiện tổn thương, viêm nhiễm ở lá thành hoặc lá tạng bao quanh phổi. Nguyên nhân phát sinh có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc sự tái diễn của bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,...).
Khi gặp phải vấn đề sức khỏe này, màng bao quanh phổi sẽ thô ráp và dính hơn bình thường nên thay vì trượt, chúng áp sát vào nhau, làm xuất hiện cơn đau thắt khi hắt hơi, ho, hít sâu. Nếu bạn di chuyển, thay đổi tư thế hoặc hít phải không khí lạnh, mức độ đau có thể tăng lên. Ngoài triệu chứng điển hình này thì bệnh nhân còn gặp phải các dấu hiệu khác như ớn lạnh, biếng ăn, sốt,...
Bệnh lý này khởi phát khi khoang của màng bao quanh phổi chứa quá nhiều dịch. Từ đó ảnh hưởng xấu đến chức năng hô hấp của bệnh nhân. Theo phân tích của các chuyên gia thì suy tim xung huyết là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vấn đề sức khỏe nói trên. Ngoài ra, chấn thương và ung thư cũng là những nguyên nhân không thể loại trừ.
Chụp X-quang ngực hoặc chụp CT là hai kỹ thuật phổ biến được dùng để chẩn đoán bệnh lý này và cho kết quả rất chính xác. Bệnh nhân tràn dịch màng phổi thường có dấu hiệu đau ngực, khó thở, ho khan, nấc liên tục, việc hít thở sâu gặp nhiều khó khăn.
Đây là bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của người bệnh vì trong dịch có chứa tế bào ung thư. Bệnh phát sinh khi bệnh nhân mắc ung thư phổi hoặc bị ung thư vú và tế bào ác đã di căn đến phổi.
Dạng ung thư màng bao quanh phổi này thường phát sinh do bị phơi nhiễm amiăng trong thời gian dài. Bệnh có các dấu hiệu điển hình như khó thở, đau vùng ngực, vai hoặc lưng dưới, gặp khó khăn khi nuốt, có hiện tượng sưng mặt và cánh tay.
Khi khoang được tạo ra bởi màng phổi bị hở hoặc có sức ép lớn từ bên ngoài, không khí sẽ đi vào và tích tụ nhiều bên trong không gian đặc biệt này. Tình trạng trên có thể là hệ quả theo sau của chấn thương do va chạm cơ học, phẫu thuật vùng ngực hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài dấu hiệu thường gặp là khó thở, người bệnh có thể xuất hiện tiếng Crepitus (tiếng tanh tách phát ra ngay dưới da vùng cổ, ngực nên còn gọi là tràn dịch dưới da).
Thực tế cho thấy có những trường hợp tràn khí gây xẹp phổi mà không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể (bệnh lý tự phát). Khảo sát chỉ ra rằng các nam thanh niên cao và gầy có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn người bình thường. Các yếu tố làm tăng rủi ro bao gồm bay, hút thuốc, lặn biển, mô liên kết bị rối loạn,...
Tràn khí màng phổi có thể thuyên giảm mà không cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên trong trường hợp hợp nặng, người bệnh sẽ được chọc dò, hút sạch khí trong khoang chứa dịch để phục hồi chức năng hô hấp.
Hiện tượng máu tràn vào khoang chứa dịch nằm xen giữa lá tạng và lá thành chủ yếu do sự cố khi tiến hành phẫu thuật ngực hoặc chấn thương gây ra. Rất hiếm khi tình trạng này có liên quan đến hiện tượng vỡ mạch máu. Triệu chứng bệnh nổi bật nhất là đau hoặc nặng vùng ngực, ngoài ra có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như sốt, tim đập nhanh, da nhợt nhạt, khó thở, đổ mồ hôi,...
Tất cả những nội dung cơ bản, chi tiết và quan trọng nhất về cấu tạo, chức năng và các bệnh liên quan đến màng phổi đã được cung cấp đầy đủ tới bạn đọc. Bây giờ thì hãy “nằm lòng” những thông tin đắt giá này để ứng dụng khi cần bạn nhé!
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.