Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cơ hoành nằm ở đâu? Các chức năng và cách bảo vệ cơ hoành hiệu quả

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ

Nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý mạn tính dẫn đến rối loạn chức năng cơ hoành và phải tập các bài tập thở cũng như điều trị lâu dài để hít thở được như bình thường. Vậy cơ hoành nằm ở đâu và giữ vai trò gì?

Động tác hít thở hàng ngày của chúng ta là một quá trình sinh lý cần sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có cơ hoành. Sự di chuyển căng dãn của cơ hoành giúp cho lồng ngực thay đổi thể tích và khí lưu thông ra vào phổi được dễ dàng hơn. Vậy cơ hoành nằm ở đâu trong cơ thể?

Cơ hoành nằm ở đâu? Giải phẫu cơ hoành

Cơ hoành là một tấm cơ rộng và dẹt phân cách giữa lồng ngực và ổ bụng hay còn hiểu là một vách ngăn ngăn các cơ quan trong lồng ngực và các cơ quan trong ổ bụng. Cơ hoành đóng vai trò chủ yếu trong động tác hô hấp. Cơ có hình vòm đôi mà mặt lõm hướng về phía bụng cho nên dung tích ổ bụng lấn một phần sang lồng ngực. Phần chu vi của cơ hoành bám quanh các xương ở lồng ngực và cột sống là những thớ cơ và phần trung tâm ở giữa là gân, chính vì thế nên có thể xem cơ hoành là một tập hợp của nhiều cơ và gân.

Cơ hoành nằm ở đâu? Có tác dụng gì và cách để bảo vệ cơ hoành? 3
Cơ hoành nằm ở đâu là thắc mắc của nhiều người

Cơ hoành bám bằng 3 phần vào xương:

  • Phần ức: Có các thớ cơ bám vào mặt sau mỏm mũi kiếm xương ức và giới hạn với các bó của phần sườn một khe nhỏ ở mỗi bên gọi là khe ức sườn để cho bó mạch, mạch máu đi qua.
  • Phần sườn: Gồm các trẽ cơ bám vào sụn sườn và 6-8 xương sườn cuối, trong đó các trẽ cơ bám vào xương sườn X, XI, XII đan xen kẽ với các bó của cơ ngang bụng phía dưới.
  • Phần thắt lưng: Cơ hoành bám vào các cột sống thắt lưng và các cơ thành bụng sau bởi các trụ và dây chằng sau, trụ phải bám vào 3 hay 4 đốt sống thắt lưng trên và các đĩa gian đốt sống tương ứng. Trụ trái thường bám vào 2 hay 3 thân đốt sống thắt lưng trên (nghĩa là cao hơn trụ phải một đốt sống) và các đĩa gian đốt sống tương ứng.

Diện tích trung bình bề mặt của cơ hoành khoảng 250cm2. Khi cơ hoành hạ xuống 1cm thì thể tích không khí dẫn vào phổi sẽ tăng lên đến 250ml. Còn khi cơ hoành hạ xuống 7-8cm, tổng thể tích khí vào phổi khoảng 2000ml.

Trên cơ hoành có các lỗ cho các cấu trúc quan trọng đi từ lồng ngực xuống bụng hay ngược lại gồm:

  • Lỗ tĩnh mạch chủ: Nằm ở giữ lá phải và lá giữa của gân trung tâm, ở ngang mức đĩa gian đốt sống giữa đốt sống ngực VIII và IX.
  • Lỗ động mạch chủ: Nằm sau dây chằng cung giữa.
  • Lỗ thực quản: Nằm trước động mạch chủ, do các thớ cơ xuất phát từ 2 trụ tạo thành, nằm ngang mức đốt sống ngực X, đi qua lỗ này là thực quản, 2 thân thần kinh lang thang (dây thần kinh X), các nhánh nối của các động mạch hoành và tĩnh mạch cửa chủ.

Ngoài ra còn có các khe nhỏ ở các trụ cơ hoành và khe ức sườn.

Cơ hoành nằm ở đâu? Có tác dụng gì và cách để bảo vệ cơ hoành? 1
Trên cơ hoành có các lỗ cho các cấu trúc quan trọng đi từ lồng ngực xuống bụng hay ngược lại

Các chức năng của cơ hoành

Sau khi đã biết cơ hoành nằm ở đâu, hãy cùng tìm hiểu về các chức năng của cơ hoành. Vì vị trí đặc biệt ngăn cách lồng ngực và ổ bụng như trên, cơ hoành được xem như cơ đặc biệt nhất trong cơ thể. Cơ hoành có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống hằng ngày mà có thể bạn không nhận ra, cơ hoành giữ các nhiệm vụ như:

  • Đóng vai trò quan trọng trong động tác hít vào: Cơ hoành được điều khiển bởi dây thần kinh cơ hoành, thực hiện động tác co cơ hoành một cách không chủ ý, cơ hoành co giúp ta thực hiện động tác hít vào, mở rộng thành ngực.
  • Cùng với các cơ hoành bụng làm tăng áp lực ổ bụng trong lúc đi đại tiện, sinh hoạt, gồng core khi tập luyện, sinh đẻ,...
  • Đẩy máu trong gan và ổ bụng về tim.
  • Đóng vai trò chủ yếu của một cơ co thắt thực quản.

Các triệu chứng liên quan đến rối loạn chức năng của cơ hoành

Các triệu chứng của vấn đề về cơ hoành có thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn. Chúng bao gồm:

  • Trào ngược axit, ợ nóng, ho và khó nuốt: Liên quan đến sự co thắt hay dãn bất thường của cơ hoành.
  • Thay đổi màu da (da có thể chuyển sang màu xanh).
  • Nhịp tim nhanh, đau ngực và tức ngực hoặc khó thở (đặc biệt là khi nằm).
  • Nhức đầu.
  • Nấc cụt không biến mất hoặc tái phát thường xuyên.
  • Đau hoặc áp lực ở ngực, lưng, bên hông, vai hoặc bụng (thường là dưới lồng xương sườn dưới). Đau bụng, ngực và lưng có thể trầm trọng hơn sau khi ăn.
  • Nhịp đập hoặc rung ở bụng dưới xương sườn của bạn.
Cơ hoành nằm ở đâu? Có tác dụng gì và cách để bảo vệ cơ hoành? 3
Rối loạn chức năng cơ hoành có thể gây trào ngược axit, ợ nóng, ho và khó nuốt

Những dấu hiệu trên có thể không đặc hiệu và chỉ gợi ý cho vấn đề rối loạn chức năng của cơ hoành, tuy nhiên nếu bạn có những dấu hiệu trên thì cần phải đi kiểm tra, khám chuyên khoa để có chẩn đoán xác định. Một số dấu hiệu của vấn đề về cơ hoành tương tự như triệu chứng của cơn đau tim. Nếu bạn bị khó thở, tức ngực hoặc đau ngực, hãy nhờ trợ giúp y tế ngay lập tức.

Rối loạn chức năng cơ hoành có thể do tổn thương tại tủy sống hoặc tổn thương tại não, gây nên do các bệnh như tổn thương thần kinh hoành, liệt tứ chi, ngộ độc thuốc, loạn dưỡng cơ, sử dụng corticoid trong thời gian dài. Ở các bệnh phổi mạn tính như hen, COPD khiến cho phổi căng giãn quá mức cũng làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng cơ hoành.

Cách bảo vệ sức khỏe của cơ hoành

Cơ hoành của bạn là một cơ, cũng giống như bất kỳ cơ nào khác trên cơ thể, bạn có thể tăng cường nó bằng các bài tập. Các bài tập thở bằng cơ hoành có thể giúp cơ hoành của bạn hoạt động hiệu quả hơn. Chúng cũng làm giảm căng thẳng và giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Ngoài ra, để giữ cho cơ hoành khỏe mạnh, bạn nên:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ và tránh những thực phẩm gây ợ nóng.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu bạn mắc các tình trạng khiến bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về cơ hoành như các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, ung thư phổi hay các vấn đề về phổi khác, rối loạn thần kinh cơ, bệnh Lyme, béo phì, lupus,...
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh cho bạn, thường xuyên tập thể dục, duy trì lối sống lành mạnh.
  • Khởi động trước khi tập thể dục để cơ hoành có thời gian giãn ra và thích nghi, đừng lạm dụng hay ép cơ hoành hoạt động quá tải quá mức khi tập luyện như gồng bụng quá mức hay đeo đai nén thành bụng khi tập nặng,...
Cơ hoành nằm ở đâu? Có tác dụng gì và cách để bảo vệ cơ hoành? 4
Khởi động trước khi tập thể dục để cơ hoành có thời gian giãn ra và thích nghi

Qua bài viết trên, hy vọng các bạn hiểu rõ được về các vấn đề xoay quanh cơ hoành, hiểu được vị trí cơ hoành nằm ở đâu, chức năng và cách bảo vệ cơ hoành. Vì tác dụng rất quan trọng trong hô hấp không thể thay thế, hãy tập các bài tập thở thường xuyên cũng như xây dựng cho mình một chế độ ăn uống nghỉ ngơi lành mạnh. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm