Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mẹ cần biết: Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thai ngừng phát triển không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ mà còn gây ra những tác động tinh thần đáng kể. Triệu chứng phổ biến nhất của thai ngừng phát triển là ra máu âm đạo. Vậy, bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? Và nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá nhé.

Thai ngừng phát triển là một biến cố trong thai kỳ tác động không nhỏ đến tinh thần và sức khoẻ của mẹ bầu. Vậy thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Thế nào là thai ngừng phát triển?

Thai ngừng phát triển là một hình thức sảy thai sớm, khiến cho thai nhi không còn hấp thụ chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình mang thai không thành công. 

Tuy nhiên, vào giai đoạn thai còn nhỏ, thường trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhiều mẹ có thể không nhận ra rằng mình đang mang thai. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng như chảy máu, đau bụng,... nhiều mẹ có thể hiểu nhầm là dấu hiệu của chu kỳ kinh nguyệt bình thường thay vì thai ngừng phát triển.

Mẹ cần biết: Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? 1
Thai ngừng phát triển là một hình thức sảy thai sớm

Vì lẽ đó, việc theo dõi sức khỏe thường xuyên là quan trọng, đặc biệt là khi có ý định mang thai, nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Ngoài ra, việc nắm vững các nguyên nhân và triệu chứng của thai ngừng phát triển giúp mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp điều trị hợp lý và kịp thời.

Nguyên nhân khiến thai ngừng phát triển

Có nhiều nguyên nhân khiến thai ngừng phát triển, bao gồm:

  • Cấu trúc tử cung bất thường: Tử cung có vách ngăn, tử cung đôi, u xơ tử cung, dính buồng trứng,... có thể khiến cho thai nhi không thể tiếp tục phát triển. Việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai có thể giúp phát hiện sớm những bất thường này để tránh tình trạng thai lưu.
  • Sức khỏe mẹ bầu không ổn định: Các bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, động kinh, bệnh tim, tiền sản giật, lupus ban đỏ, rối loạn đông máu,... có thể tăng nguy cơ thai ngừng phát triển. Việc điều trị bệnh tốt trước khi mang thai là rất quan trọng.
  • Bất thường nhiễm sắc thể: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai ngừng phát triển. Sự thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể có thể khiến phôi thai không phát triển bình thường.
  • Vấn đề liên quan đến dây rốn: Dây rốn quấn quanh cổ thai nhi, dây rốn bám màng, sa dây rốn,... làm ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của em bé.
  • Bệnh lý nhiễm trùng: Như HIV, giang mai, ban đỏ nhiễm trùng hoặc herpes,... cũng có thể lây sang thai nhi và khiến thai ngừng phát triển.
  • Vấn đề liên quan đến nhau thai: Như nhau bong non, thai trứng, thai ngoài tử cung, nhau cài răng lược,... có nguy cơ cao thai ngừng phát triển.
  • Nội tiết tố thay đổi: Sự rối loạn nội tiết tố như suy hoàng thể, thừa hoặc thiếu hụt nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Vấn đề liên quan đến nước ối: Nếu mẹ bị thiểu ối, đa ối, rò rỉ nước ối,... có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.

Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu?

Thông thường, sau khoảng 2 tuần thai không tiếp tục phát triển, tử cung sẽ bắt đầu co bóp và đẩy thai ra ngoài, thường đi kèm với hiện tượng chảy máu âm đạo. Dấu hiệu này có thể biến đổi tùy thuộc vào cơ địa và thời gian thai ngừng phát triển. Lượng máu chảy ra có thể ít hoặc nhiều, phụ thuộc vào tình trạng của cả mẹ bầu và thai nhi. Đôi khi, trong máu có thể có các cục thịt, đó chính là một phần của phôi thai bị đưa ra ngoài.

Mẹ cần biết: Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? 2
Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu?

Vậy, thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? Trong trường hợp thai lưu thông thường, mẹ bầu thường nhận ra có vấn đề khi bắt đầu thấy máu chảy ra từ âm đạo. Lượng máu này thường ồ ạt trong những ngày đầu, sau đó dần giảm và ngưng hoàn toàn. Thời gian máu chảy có thể kéo dài từ 5 đến 7 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến 10 ngày trong một số trường hợp. Lúc này, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp phù hợp để đưa thai ra ngoài càng sớm càng tốt, nhằm tránh tình trạng viêm nhiễm tử cung.

Thai ngừng phát triển không ra máu có thực sự nguy hiểm?

Phần trên đã trả lời được thắc mắc thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu. Nhưng việc thai ngừng phát triển mà không gây ra máu chảy không phải là hiếm khi xảy ra với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai. Với kích thước thai đã khá lớn, việc tự nhiên chuyển dạ để đẩy thai ra ngoài là điều có thể sẽ không xảy ra. Trong những trường hợp như vậy, việc phát hiện thai ngừng phát triển thường chỉ xảy ra khi phụ nữ đi khám thai định kỳ hoặc qua một số triệu chứng bất thường như:

  • Không còn cảm giác ốm nghén;
  • Không cảm nhận được chuyển động của thai nhi;
  • Vỡ nước ối.
Mẹ cần biết: Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? 3
Thai ngừng phát triển không ra máu có nguy hiểm không?

Tuy nhiên, việc không có máu chảy từ âm đạo không đồng nghĩa với việc thai nhi đã ra ngoài tử cung. Trong trường hợp này, thai lưu kéo dài càng tăng nguy cơ mắc các vấn đề viêm nhiễm và gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến các vấn đề như băng huyết, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong. Do đó, trong tình huống này, mẹ bầu cần phải thực hiện biện pháp lấy thai ngay lập tức để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của mình.

Cách chăm sóc sau khi thai ngừng phát triển

Sau thời gian đau buồn vì mất bé, việc chăm sóc cả tinh thần và thể chất của người mẹ trở thành ưu tiên hàng đầu:

  • Hỗ trợ tinh thần: Việc mất thai gây ra những cảm xúc phức tạp như buồn bã, tự trách và trầm cảm cho nhiều bà mẹ. Trong giai đoạn này, sự quan tâm và chia sẻ từ gia đình và người thân là điều quan trọng để giúp họ vượt qua những cảm xúc tiêu cực và tiếp tục cuộc sống một cách bình thường.
  • Chăm sóc thể chất đúng cách: Mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi trên giường và hạn chế hoạt động nặng. Hơn nữa, cần kiêng quan hệ tình dục trong thời gian ít nhất một tháng để tránh thai ngoài ý muốn và làm tổn thương cổ tử cung trong quá trình phục hồi.
Thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu? 4
Hỗ trợ tinh thần cho mẹ bầu sau thai lưu để ngăn các vấn đề về tâm lý
  • Dinh dưỡng cân đối: Sau cơn thai lưu, cơ thể mẹ mất một lượng máu đáng kể. Do đó, việc bổ sung sắt, kẽm, vitamin B1, B12,... là cần thiết để phòng tránh thiếu máu và tăng cường sức khỏe, giúp quá trình phục hồi nhanh chóng hơn.
  • Vệ sinh cơ thể đúng cách: Trong giai đoạn sau khi thai nhi ra khỏi cơ thể, có thể xảy ra chảy máu âm đạo kéo dài từ 5 đến 15 ngày. Do đó, việc vệ sinh âm đạo thường xuyên bằng nước ấm là rất quan trọng để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, không nên thực hiện các hành động thụt rửa sâu vì có thể làm tổn thương niêm mạc âm đạo.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khoảng 1 - 2 tháng sau sự kiện thai ngừng phát triển, mẹ cần đi khám lại. Đặc biệt đối với những cặp vợ chồng có ý định mang thai lại, việc kiểm tra lại sớm sẽ giúp đảm bảo cơ thể mẹ đã phục hồi và sẵn sàng cho lần mang thai tiếp theo.

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu thế nào là thai ngừng phát triển và thai ngừng phát triển bao lâu thì ra máu. Chúng ta thấy rằng việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời thai ngừng phát triển là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và em bé. 

Việc xử trí thai lưu sẽ dựa vào thời điểm thai ngừng phát triển, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể. Vì vậy, trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần chú ý đến bất kỳ biểu hiện bất thường nào của cơ thể, và tuân thủ lịch khám thai định kỳ để đảm bảo bản thân cũng như thai nhi luôn khoẻ mạnh..

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm