Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế và những lưu ý khi khám thai định kỳ

Ngày 28/05/2024
Kích thước chữ

Khám thai định kỳ là việc làm vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần đi khám thai bao nhiêu lần? Các mốc khám thai quan trọng nhất là gì? Khi đi khám thai cần lưu ý những gì? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về lịch khám thai chuẩn của Bộ Y tế để giải đáp những thắc mắc trên.

Khám thai kỳ giúp bác sĩ theo dõi được sức khỏe của mẹ và các giai đoạn phát triển của trẻ. Từ đó hạn chế được những vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ bầu và bé trong suốt thời kỳ thai sản. Đồng thời tư vấn chế độ dinh dưỡng hoặc chế độ sinh hoạt phù hợp với mẹ bầu. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về lịch khám thai chuẩn của Bộ Y tế nhé!

Tại sao nên khám thai định kỳ?

Mang thai và sinh con là một quá trình đầy biến động và căng thẳng đối với cơ thể của phụ nữ. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, việc khám thai định kỳ là cực kỳ quan trọng.

Khám thai định kỳ giúp cho bác sĩ đánh giá được sức khỏe của mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn hoặc biến chứng có thể xảy ra và đưa ra biện pháp kịp thời để giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và thai nhi.

 Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế 1
Khám thai định kỳ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi

Ngoài ra, khám thai định kỳ cũng giúp cho mẹ được tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng và chăm sóc bản thân một cách tốt nhất. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách ăn uống phù hợp, luyện tập đều đặn và cung cấp các thông tin cần thiết để mang thai một cách an toàn và khỏe mạnh.

Khám thai định kỳ cũng là cơ hội để mẹ kiểm tra xem mình đã tiêm phòng đủ các loại vắc xin cần thiết hay chưa, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Và điều quan trọng nhất, việc khám thai định kỳ giúp cho mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng cơ thể mình và thai nhi đều đang được chăm sóc và theo dõi một cách chu đáo.

Tóm lại, việc khám thai định kỳ không chỉ là cách để kiểm tra sức khỏe mà còn là biện pháp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là những thông tin về lịch khám thai chuẩn của Bộ Y tế. Đừng bỏ lỡ bất kỳ buổi khám nào trong suốt quá trình mang thai nhé!

Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam để đảm bảo theo dõi sức khỏe thai nhi một cách toàn diện nhất, người mẹ nên đi khám thai ít nhất 3 lần, trong 3 giai đoạn tam cá nguyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo thai kỳ được theo dõi kỹ càng, 7 - 10 lần khám thai trong suốt thời gian mang thai được khuyến khích bởi các bác sĩ sản khoa. 

 Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế 2
Tuân thủ thời gian các mốc khám thai là rất cần thiết

Các mẹ bầu có thể tham khảo lịch khám thai đầy đủ với 7 mốc quan trọng sau:

  • Sau khi trễ kinh ít nhất 3 tuần: Với mục đích xác định mang thai, kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát của mẹ bầu.
  • Tuần thứ 11 - 14: Mục đích đo độ mờ da gáy, tầm soát dị tật thai nhi (nguy cơ hội chứng Down, Edwards). Dựa trên kết quả thu được, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chi tiết về tình trạng thai nhi và xây dựng phác đồ điều trị tối ưu, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ bầu và em bé.
  • Tuần thứ 16 - 20: Mục đích tầm soát dị tật thai nhi, xét nghiệm cận lâm sàng. Thời điểm này, bác sĩ cũng có thể cho mẹ bầu tiến hành chọc ối nếu những kiểm tra trước đó cho thấy thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao.
  • Tuần thứ 21 - 25: Mục đích kiểm tra kỹ về dị tật và sự phát triển thai nhi. Bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tầm soát dị tật thai nhi, tầm soát đái tháo đường thai kỳ,... Tầm soát trong giai đoạn này giúp bác sĩ đưa ra những phương án điều trị kịp thời nhằm cải thiện sức khỏe mẹ bầu bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu được tiêm vắc xin uốn ván mũi thứ nhất.
  • Tuần thứ 26 - 30: Mục đích khám và xét nghiệm kiểm tra tình trạng thai. Lần khám thai này được ví như "cột mốc vàng" trong hành trình mang thai của mẹ bầu, bởi đây là thời điểm giúp phát hiện sớm các bất thường thai kỳ khởi phát ở giai đoạn muộn như: Giãn não thất, tắc ruột, nhiễm trùng bào thai, kiểm tra tim thai. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu sẽ được tiêm mũi uốn ván thứ hai để bảo vệ bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng uốn ván trong quá trình sinh nở.
  • Tuần thứ 31 - 35: Mục đích chẩn đoán ngôi thai, tiên lượng trước sinh. Nội dung khám: Khám tổng quát về cân nặng, huyết áp, tim mạch, khám phụ khoa. Siêu âm thai nhằm đánh giá sự phát triển thai nhi, xác định ngôi thai, theo dõi lượng nước ối. Xét nghiệm máu thiếu máu, đông máu. Xét nghiệm nước tiểu xem xét protein, đường, tế bào máu. Khám tim thai.
  • Tuần thứ 36: Mục đích chuẩn bị cho quá trình vượt cạn thuận lợi. Đây là thời điểm bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra chi tiết để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, từ đó đưa ra quyết định về phương pháp sinh phù hợp nhất.

Tuân thủ lịch khám thai chuẩn của Bộ Y tế là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay bác sĩ sản khoa thường sẽ lên lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu sau lần đầu tiên khám, mẹ bầu chỉ cần đi khám thai theo các mốc mà bác sĩ đưa ra. Thường trong 6 tháng đầu của thai kỳ, mẹ sẽ cần khám thai mỗi tháng 1 lần. Trong 3 tháng cuối, số lần khám sẽ tăng lên. Tổng cộng, mẹ cần khám từ 10 đến 15 lần trong suốt thai kỳ nếu chưa từng sinh. Đối với những người đã từng sinh, số lần khám ít nhất là 7. 

 Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế 3
Mẹ bầu nên lưu ý những thông tin về lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế

Những lưu ý khi khám thai định kỳ

Để đảm bảo quá trình khám thai diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Lịch khám thai: Lịch khám thai trên chỉ mang tính chất tham khảo, thai phụ nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa để có lịch khám thai phù hợp nhất. Nếu không thể đi khám thai trọn vẹn 7 lần, mẹ bầu phải nhất định ghi nhớ 3 mốc khám thai quan trọng nhất bao gồm: Khám thai lần 1 vào tuần thứ 11 - 13, khám thai lần 2 vào tuần thứ 20 - 24 và khám thai lần 3 vào tuần thứ 30 - 32.
  • Siêu âm thai: Chỉ nên siêu âm thai theo đúng mốc thời gian được bác sĩ chỉ định, không nên siêu âm quá nhiều vì siêu âm sẽ có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
  • Chuẩn bị trước khi đi khám: Mang theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm trước đó (nếu có). Chuẩn bị trang phục phù hợp nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và dễ dàng cởi ra khi cần thiết. Uống nhiều nước trước khi đi khám thai để dễ dàng thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Nên ăn nhẹ trước khi đi khám thai để không ảnh hưởng đến kết quả siêu âm.
  • Cung cấp thông tin trung thực về tình trạng sức khỏe: Cung cấp cho bác sĩ đầy đủ và trung thực về tình trạng sức khỏe bản thân, tiền sử bệnh lý, thuốc đang sử dụng,...
  • Hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào: Đừng ngại đặt câu hỏi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe của bản thân hoặc thai nhi.
  • Về việc uống nước và đi vệ sinh: Tam cá nguyệt đầu tiên việc uống thật nhiều nước giúp đẩy tử cung lên cao, có thể nhìn thấy bé dễ dàng hơn (vì lúc này bé còn nhỏ). Tuy nhiên trong 2 tam cá nguyệt sau, đi tiểu trước khi siêu âm để giúp trống bàng quang giúp nhìn thấy bé dễ dàng hơn (vì lúc này bé đã lớn hơn).
 Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y Tế 4
Mẹ bầu cần khám thai theo chỉ định của bác sĩ

Hy vọng những thông tin trong bài viết “Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y tế” hữu ích với bạn đọc. Khám thai định kỳ là việc làm vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Hãy chủ động đi khám thai định kỳ để được theo dõi sức khỏe và có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin