Long Châu

Mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước và quy trình

Ngày 11/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra do các tình huống chấn thương khi vận động mạnh. Vậy khi nào cần mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước và quy trình ra sao?

Dây chằng chéo trước thường bị tổn thương hay đứt do gặp chấn thương khi cơ thể vận động mạnh như chạy, nhảy,... Vậy có phải trường hợp chấn thương dây chằng nào cũng cần mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước hay không và quy trình sẽ như thế nào?

Đứt dây chằng chéo trước là gì?

Trước khi tìm hiểu thông tin về việc mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước, chúng ta hãy tìm hiểu xem tình trạng này là tình trạng tổn thương như thế nào? Đứt dây chằng chéo trước là tình trạng chấn thương thường thấy nhất trong chấn thương khớp gối. Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương khi luyện tập thể thao, tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt. 

Tại Mỹ, ước tính hàng năm có khoảng 200.000 người gặp phải tình trạng tổn thương dây chằng chéo trước, trong hơn nửa số đó phải phẫu thuật mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước. Khoảng 50% những tổn thương có kèm theo các tổn thương khác như bong sụn khớp, rách sụn chêm, tổn thương dây chằng chéo sau và phù tủy xương…

Nguyên nhân gây đứt dây chằng

Khoảng 70% tổn thương dây chằng chéo trước là do chấn thương gián tiếp và 30% do chấn thương trực tiếp. Dây chằng chéo trước bị đứt thường xảy ra trong các tình huống chấn thương như sau:

  • Chấn thương trực tiếp vào vị trí mặt trước gối, hay gặp trong cú va chạm trong tình huống cản bóng khi thi đấu; tai nạn giao thông.
  • Khi đang chạy mà dừng đột ngột và chuyển hướng nhanh chóng, đây là tổn thương gián tiếp.
  • Khi xoay người sang phía đối diện trong lúc bàn chân giữ nguyên, đây cũng là tổn thương gián tiếp.

Khi thực hiện cú nhảy cao, rơi một chân tiếp đất trong tư thế không thuận, đây là tổn thương gián tiếp.

Hình ảnh dây chằng chéo trước Hình ảnh đứt dây chằng chéo trước

Triệu chứng lâm sàng

Sưng, đau vùng gối

Người bị tổn thương dây chằng có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi vừa chấn thương. Tiếp đó, gối sẽ sưng đau và hạn chế vận động. Dù người bệnh có điều trị hay không thì tình trạng sưng đau cũng sẽ dần hết.

Lỏng gối

  • Có cảm giác chân yếu hơn trước khi đi lại.
  • Gặp khó khăn khi đứng trụ một chân bên bị chấn thương.
  • Khi chạy nhanh, sẽ có cảm giác ríu chân, dễ ngã.
  • Khi đi nhanh ở những địa hình không bằng phẳng, sẽ dễ có cảm giác trẹo gối.

Gặp khó khăn khi bước xuống cầu thang hoặc xuống dốc.

Triệu chứng lâm sàng của tình trạng đứt dây chằng Triệu chứng lâm sàng của tình trạng đứt dây chằng

 

Teo cơ

Đùi bên chấn thương sẽ nhỏ dần do teo cơ, vì thế chân càng ngày càng yếu. Teo cơ dễ xảy ra ở những người không thường xuyên vận động như dân văn phòng, học sinh… 

Tuy nhiên với vận động viên thể thao hay người thường xuyên luyện tập thể thao, triệu chứng lỏng gối thường biểu hiện không rõ ràng vì cơ đùi của nhóm đối tượng này rắn chắc làm cho gối vững giả tạo mặc dù dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn.

Các nghiệm pháp 

Các nghiệm pháp thường được các bác sĩ chuyên khoa dùng để chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước như: dấu hiệu Ngăn kéo trước, dấu hiệu Lachman, dấu hiệu Pivot shift đều dương tính.

Mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước?

Chấn thương dây chằng khớp gối gồm có đứt dây chằng chéo trước, đứt dây chằng chéo sau, dây chằng bên, tổn thương sụn chêm,... Vậy có phải tất cả chấn thương đều cần mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước không? 

Đứt dây chằng đầu gối thường do chấn thương gây ra, dẫn đến khớp gối bị sưng, đỏ, đau trong khoảng thời gian vài tuần, sau đó bắt đầu giảm dần. Một số trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước vẫn có thể hoạt động bình thường nhưng khi vận động mạnh thì khớp gối sẽ lại bị sưng đau.

Khi nào cần mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước? Khi nào cần mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước?

Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp nào bị tổn thương dây chằng khớp gối đều phải thực hiện mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước. Tùy vào tình trạng chấn thương khớp gối của mỗi người, loại dây chằng bị tổn thương, độ tuổi cũng như nhu cầu vận động... mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định phù hợp đối với điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn.

Ví dụ như, nếu xem trên MRI bệnh nhân hoàn toàn bị đứt dây chằng chéo trước nhưng bệnh nhân không có nhu cầu vận động, hoạt động thể lực mạnh, đồng thời nếu bệnh nhân đã cao tuổi thì khả năng mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước là rất thấp.

Tổn thương dây chằng đầu gối cũng gây ra tình trạng lỏng lẻo khớp gối, nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao sẽ dẫn đến tình trạng khớp gối bị thoái hóa. Ngoài ra, sự tổn thương khác như sụn chêm, sụn khớp, xương dưới sụn… cũng gây ra nhiều đau đớn, vận động trở nên khó khăn hơn.

Nếu các tình trạng trên trong thời gian dài không điều trị sẽ dẫn đến teo cơ đùi, gây không ít khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Nguy hiểm hơn, khi khớp gối đã bị thoái hóa nặng thì không thể thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng mà phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.

Quy trình phẫu thuật

Mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước là phương pháp điều trị được áp dụng khá phổ biến hiện nay. Phương pháp này các ưu điểm như: Ít đau, vết mổ nhỏ, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Sau khi xét nghiệm, khám khớp gối bệnh nhân sẽ được kiểm tra bằng nội soi chẩn đoán và lấy lớp gân. Tiếp đó, dùng hướng dẫn khoan để tạo thành đường hầm xương chày và xương đùi bằng cách đặt các lỗ khoan tại các vị trí gắn kết của dây chằng ban đầu, miếng ghép gân được kéo qua lỗ khoan vào khớp gối và đặt đúng ở vị trí của dây chằng chéo ban đầu. Khi thắt chặt miếng ghép gân theo cách này sẽ giúp các mạch máu mới có thể phát triển trên gân mới ghép và mau lành vết thương hơn.

Quy trình mổ nội soi đứt dây chằng kéo trước. Quy trình mổ nội soi đứt dây chằng kéo trước.

Chỉ cần mổ sau một vài ngày là bệnh nhân có thể tập đi lại nhẹ nhàng bằng nạng. Thời gian luyện tập để có thể phục hồi chấn thương là khoảng 2 tháng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu.

Bài viết này đã cung cấp đến các bạn những thông tin cần thiết về mổ nội soi đứt dây chằng chéo trước cũng như các thông tin liên quan như nguyên nhân, triệu chứng. Hãy tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của nhà thuốc Long Châu để có thêm nhiều kiến thức hữu ích.

Phương Nhi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm