Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Một số biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thời tiết nắng nóng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc các bệnh như tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy, sốt xuất huyết trong mùa nắng nóng. Mặt khác, người già, đặc biệt là người cao tuổi thường mắc các bệnh về phổi, huyết áp,… khi gặp phải dạng thời tiết như thế này. Vậy làm sao để phòng bệnh mùa nắng nóng?

Có cách nào phòng bệnh mùa nắng nóng hay không? Đây chắc hẳn là mối bận tâm của khá nhiều người khi đối mặt với tình trạng thời tiết nắng nóng như hiện nay. Bởi vì, nắng nóng kéo dài cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, gây ra một số bệnh tật, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Thậm chí, số lượng bệnh nhân phải nhập viện do thời tiết nắng nóng cũng đã tăng lên bởi các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng.

Các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng

Sau đây là một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng:

Say nắng

Khi nhiệt độ tăng cao, cả người lớn và trẻ em đều có thể bị say nắng. Khi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, cơ thể sẽ mất nhiều nước qua mồ hôi, khiến cơ thể không thể điều chỉnh nhiệt độ. Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng, nhiều cơ quan chức năng và hộ gia đình bật điều hòa, quạt hết công suất để mát. Điều này tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa môi trường khép kín và môi trường đường phố. Vào phòng lạnh dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, có thể gây sốc nhiệt, kiệt sức vì nóng.

Bệnh truyền nhiễm

Khí hậu nắng nóng kéo theo mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu,...

Bệnh hô hấp

Việc thay đổi đột ngột từ môi trường máy lạnh sang môi trường ngoài trời nóng bức hoặc ở trong môi trường máy lạnh thời gian dài có thể làm khô màng nhầy của đường hô hấp, dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi và viêm amidan,... có thể dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản cấp tính và nặng hơn là viêm phổi.

Một số biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng 1
Bệnh về đường hô hấp là một trong những bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng

Bệnh đường tiêu hóa

Khí hậu nóng ẩm khuyến khích ruồi và vi khuẩn sinh sản, thức ăn nhanh chóng bị hư hỏng. Đặc biệt khi nhiệt độ lên tới 37 - 38 độ C, ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy rất dễ xảy ra nếu không bảo quản đồ ăn cẩn thận. Ruồi, muỗi, chuột và gián cũng sinh sôi nảy nở trong mùa khô, tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan qua thức ăn, nước uống dễ dàng hơn. Nhiệt độ quá cao còn làm suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa, gây chán ăn, đầy hơi, khó tiêu khiến cơ thể mệt mỏi.

Bệnh về da

Khi thời tiết nắng nóng, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy tăng cường hoạt động để thải nhiệt ra khỏi cơ thể. Kết quả là độ ẩm ở các khu vực như lưng, trán, cổ, giữa cánh tay, chân. Nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thể đào thải hết và đọng lại trong da, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây viêm da, nấm da cùng với vi khuẩn. Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây sạm da, cháy nắng, lão hóa sớm và thậm chí là ung thư da.

Các bệnh liên quan đến tim mạch

Nhiệt độ quá cao thường có hại cho tim. Tim phải làm việc nhiều hơn và nhanh hơn, khiến mạch đập nhanh hơn và huyết áp tăng cao. Mất nước có thể khiến máu đặc lại, dẫn đến thiếu oxy, mất ý thức, đau tim và đột quỵ nhất là ở người lớn tuổi.

Số bệnh nhân nhập viện trong mùa nắng nóng gia tăng

Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng số bệnh nhân nhập viện trong mùa nắng nóng gia tăng. Người cao tuổi và những người có bệnh lý nền thường phải nhập viện để điều trị, đặc biệt là trong thời gian nắng nóng kéo dài. Ngoài người già ra thì ở các bệnh viện, trung tâm y tế hiện nay thường xuyên có trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, viêm da, mẩn ngứa, sốt, các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh về đường tiêu hóa nhập viện, nguyên nhân cũng vì do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Một số biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng 2
Thời tiết nắng nóng khiến cho số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng

Theo bác sĩ Mai Ngọc Vũ, Khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên) cho biết, thời tiết nắng nóng kéo theo nhiều bệnh tật liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm gắn liền với trẻ mắc bệnh. Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng và các bệnh về đường tiêu hóa tại khoa Nhi Tổng hợp ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 20 đến 30 trường hợp bệnh tay chân miệng và 50 đến 60 trường hợp bệnh về đường tiêu hóa mỗi ngày, cả nội trú và ngoại trú.

Ngoài ra, bác sĩ Y Sa Muel Bkrông, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cũng cho hay những tháng gần đây, số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, suy thận mãn tính, loét dạ dày tá tràng, xơ gan. Hoặc mắc các bệnh cấp tính như đột quỵ cũng đang gia tăng. Dù không có triệu chứng rõ ràng nhưng thời tiết nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh có bệnh lý tiềm ẩn, khiến triệu chứng nặng hơn và phải nhập viện.

Chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng

Để phòng bệnh mùa nắng nóng, mọi người nên tăng cường thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ bản thân và gia đình:

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Để tăng cường sức đề kháng hiệu quả trong mùa hè, bạn cần ăn uống đa dạng, đủ dinh dưỡng. Nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa và chứa đủ nước. Để bảo vệ cơ thể khỏi nắng nóng, hãy ăn nhiều thực phẩm thanh nhiệt, giải độc như: Trái cây, rau củ, trà hạt sen, sữa chua,...

Uống nhiều nước

Nắng nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, có thể dẫn đến mất nước, mất chất điện giải nếu không uống đủ nước. Để bảo vệ bản thân khỏi nắng nóng và bổ sung lượng chất lỏng bị mất, bạn cần uống nhiều nước và bổ sung điều độ hàng ngày. Đây là biện pháp chống nóng dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Không uống nước đá, nước lạnh hoặc đồ uống có ga vì chúng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng mất nước trong cơ thể.

Một số biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng 3
Uống nhiều nước để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng

Hãy mặc quần áo thoáng mát

Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi như cotton để tránh đổ mồ hôi. Khi ra ngoài cần ăn mặc chỉnh tề. Tránh mặc quần áo quá dày và có màu tối vì nó dễ hấp thụ nhiệt. Đội mũ rộng vành, đeo kính râm để bảo vệ đôi mắt.

Tránh ánh nắng mặt trời

Nếu phải ra ngoài nắng, bạn chỉ nên ra ngoài trong thời gian ngắn và bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Ánh nắng mặt trời rất nguy hiểm, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Nếu cảm thấy cơ thể mệt mỏi và bị say nắng thì nên tránh ngay ánh nắng trực tiếp.

Lưu ý những điều sau khi sử dụng thiết bị làm mát

Hạn chế luồng gió thổi trực tiếp vào cơ thể bạn, đặc biệt ở trẻ em. Nếu sử dụng điều hòa, nên duy trì nhiệt độ ở mức từ 28 đến 29 độ và tránh sự thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà có điều hòa sang nóng bức ngoài trời hoặc ngược lại.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa mũi và họng bằng nước muối mỗi ngày. Thường xuyên làm sạch các bề mặt và đồ vật mà bạn chạm vào hàng ngày, chẳng hạn như đồ chơi, tài liệu học tập, tay nắm cửa, lan can cầu thang,...

Một số biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng 4
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để bảo vệ sức khỏe 

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên, đã giúp bạn đọc biết được thời tiết nắng nóng và thay đổi đột ngột là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ. Vì vậy việc chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm