Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Một số thông tin cơ bản về kháng sinh nhóm Macrolid

Ngày 18/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thuốc kháng sinh được sử dụng để ức chế, kìm hãm, tiêu diệt các vi sinh vật gây hại cho sức khỏe. Kháng sinh nhóm Macrolid được dùng khá phổ biến nhưng bên cạnh tác dụng, nhóm thuốc này cũng có những tác dụng phụ mà chúng ta nên biết.

Một trong số những loại kháng sinh được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay là kháng sinh nhóm Macrolid. Vậy cơ chế tác động của nhóm kháng sinh này là gì? Ngoài tác dụng, thuốc có tác dụng phụ tiềm ẩn nào? Đâu là những loại kháng sinh điển hình của nhóm Macrolid? Câu trả lời về những thắc mắc liên quan đến nhóm kháng sinh này sẽ được làm sáng rõ trong bài viết dưới đây!

Kháng sinh nhóm Macrolid là gì và có những loại nào?

Macrolid là một nhóm thuốc kháng sinh phổ hẹp chứ không phải kháng sinh phổ rộng. Thuốc có tác dụng chủ yếu với một số vi khuẩn Gram dương nhưng hầu hết không có tác dụng với các loại trực khuẩn Gram âm. Thuốc kháng sinh thuộc nhóm Macrolid có 2 dạng gồm tự nhiên và bán tổng hợp. Hai loại này khác nhau ở số lượng nguyên tử cacbon.

Một số thông tin cơ bản về kháng sinh nhóm Macrolid 1
Kháng sinh Macrolid là nhóm kháng sinh phổ hẹp

Để điều chế kháng sinh Macrolid dạng tự nhiên, nhà sản xuất dùng vi khuẩn streptomyces được nuôi cấy tự nhiên. Với dạng kháng sinh bán tổng hợp, nhà bào chế lấy nguyên liệu từ Macrolid tự nhiên rồi thay đổi một số nhóm thế.

Thuốc kháng sinh nhóm Macrolid có vòng lacton từ 12 - 17 nguyên tử cacbon. Nếu phân loại theo đặc điểm cấu trúc hóa học, chúng ta có thể phân loại nhóm kháng sinh này thành 3 loại:

  • Kháng sinh Macrolid có cấu trúc mạch 14 nguyên tử cacbon: Erythromycin, Dirithromycin, Roxithromycin, Oleandomycin, Clarithromycin;
  • Kháng sinh Macrolid có cấu trúc 15 nguyên tử cacbon: Azithromycin;
  • Kháng sinh Macrolid có cấu trúc 16 nguyên tử cacbon: Josamycin, Spiramycin.

Cơ chế tác động của kháng sinh

So với nhóm kháng sinh cơ bản khác, các loại kháng sinh thuộc nhóm Macrolid tác động bằng cách chủ yếu là kìm khuẩn thông qua ngăn cản sự tổng hợp protein. Nếu ở nồng độ cao, các kháng sinh này cũng có thể tiêu diệt một số chủng vi khuẩn nhạy cảm.

Kháng sinh sẽ gắn với tiều phân ribosom 50S của vi khuẩn và cản trở sự hình thành của phức hợp acid amin Tarn. Khi đó, các peptidyltransferase sẽ không kết nối để tạo liên kết peptide gắn với acid amin tiếp theo. Bằng cách này, quá trình tổng hợp protein không được thực hiện. Từ đó, vi khuẩn không thể phân chia và nhân lên. Ngoài ra, kháng sinh thuộc nhóm Macrolid cũng có thể kích thích hoạt động của các đại thực bào. Khi đại thực bào tăng cường di chuyển đến vị trí vi khuẩn, nó sẽ tiêu diệt vi khuẩn.

Tác dụng và tác dụng phụ của kháng sinh nhóm Macrolid

Kháng sinh nhóm Macrolid có cả tác dụng chính và tác dụng phụ như bất kỳ loại thuốc nào khác. Cụ thể là:

Bệnh nhân sẽ chỉ định dùng kháng sinh thuộc nhóm Macrolid khi bị nhiễm khuẩn Gram dương, nội bào ở mức độ từ nhẹ đến vừa. Thường dùng nhất trong trường hợp chữa nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, vi khuẩn HP, vi khuẩn tấn công đường tiết niệu, vi khuẩn tấn công mô mềm hoặc viêm phổi… Ngoài ra, người bệnh bị dị ứng với Penicillin cũng được chỉ định dùng thay thế bằng loại kháng sinh này.

Một số thông tin cơ bản về kháng sinh nhóm Macrolid 2
Không tự ý dùng bất cứ loại kháng sinh nào mà không có chỉ định của bác sĩ

Kháng sinh Macrolid tiềm ẩn những tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Người bệnh bị tiêu chảy, nôn mửa sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng ở đường tiêu hóa là triệu chứng tác dụng phụ thường gặp nhất ở nhóm kháng sinh này.
  • Một số người gặp triệu chứng hoa mắt, chóng mặt khi cơ thể phản ứng với thuốc.
  • Nổi mề đay, phát ban, ngứa cũng là tác dụng phụ khá thường gặp của loại kháng sinh này.
  • Một số ít bệnh nhân gặp hội chứng Stevens - Johnson hay có hiện tượng sốc phản vệ sau dùng thuốc.
  • Nếu dùng thuốc liều cao, thính giác có thể bị ảnh hưởng nhưng có thể phục hồi.
  • Sau khi dùng thuốc, quá trình thải độc ở gan bị ảnh hưởng với các tình trạng như: Tăng men gan, ứ mật, viêm gan thậm chí biến chứng nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Dù hiếm gặp nhưng vẫn có bệnh nhân bị khó thở, rối loạn nhịp tim sau dùng kháng sinh thuộc nhóm Macrolid.

Các loại kháng sinh điển hình thuộc nhóm Macrolid

Kháng sinh nhóm Macrolid có nhiều loại khác nhau. Các loại có thể được đặt tên theo biệt dược khác nhau. Một số loại kháng sinh điển hình thuộc nhóm này như:

Thuốc kháng sinh Erythromycin

Kháng sinh Erythromycin tồn tại ở dạng base, có tác dụng chủ yếu là kìm hãm quá trình phát triển của các loại vi khuẩn Gram dương. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp do vi khuẩn gây ra và dùng thay Penicillin trong dự phòng thấp khớp cấp.

Đặc điểm của loại kháng sinh Macrolid này là hiệu quả với xoắn khuẩn, vi khuẩn nội bào, một số ít vi khuẩn cơ hội. Thuốc an toàn với cả thai phụ và sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ. Thuốc cũng dễ mất hoạt tính bởi các loại dịch acid.

Một số thông tin cơ bản về kháng sinh nhóm Macrolid 3
Tác dụng phụ mẩn ngứa, nổi mề đay khi dùng kháng sinh nhóm Macrolid

Kháng sinh nhóm Macrolid - Spiramycin

Spiramycin có tác dụng kháng khuẩn và diện tác động rộng hơn thuốc Erythromycin. Spiramycin được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, hệ tiết niệu, cơ quan sinh dục, nhiễm khuẩn da, cơ, xương và dùng trong phòng ngừa viêm màng não. So với Erythromycin, Spiramycin không bị mất tác dụng khi được tiêu hóa trong dạ dày.

Thuốc kháng sinh Clarithromycin

Clarithromycin dùng cho người từ 12 tuổi trở lên và thường được chỉ định trong điều trị vi khuẩn HP, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da và mô mềm. Thuốc có thể được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa và được chuyển hóa mạnh tại gan.

Kháng sinh Azithromycin

Thuốc Azithromycin được hấp thụ nhanh qua đường uống. Ưu điểm của thuốc là có thể được phân bố rộng khắp các mô và dịch trong cơ thể. Thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn nội bào

Ngoài những cái tên trên, còn có thể có những tên thuốc khác cũng nằm trong nhóm kháng sinh Macrolid. Các nhà sản xuất có thể đặt tên thuốc theo tên các biệt dược khác nhau nên gây khó khăn cho người dùng trong việc phân biệt các nhóm kháng sinh. Tuy nhiên, dù các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm nào, bạn cũng không nên được dùng tùy ý và không có chỉ định của bác sĩ.

Một số thông tin cơ bản về kháng sinh nhóm Macrolid 4
Dùng thuốc kháng sinh nào và dùng bao lâu cần do bác sĩ chỉ định

Lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Kháng sinh tiêu diệt cả những vi sinh vật có lợi trong đường ruột. Chúng là một phần quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Lạm dụng kháng sinh không chỉ gây ra các vấn để về đường ruột mà còn ảnh hưởng đến sức đề kháng tự nhiên của cơ thể.
  • Thuốc kháng sinh có thể biến những lợi khuẩn thành hại khuẩn, làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh sẽ khiến việc điều trị bệnh khó khăn hơn, tăng mối nguy về sức khỏe đồng thời tăng chi phí điều trị bệnh.

Các chuyên gia đánh giá kháng sinh nhóm Macrolid an toàn với hầu hết người bệnh. Biến chứng nặng do tác dụng phụ của loại kháng sinh này rất ít gặp. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng sinh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Người dân không được tự ý mua sử dụng, không tự ý tăng hoặc giảm liều, không tự ý bỏ thuốc giữa chừng để tránh nguy cơ bị kháng kháng sinh

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm